Thứ sáu, 29/03/2024 21:07 (GMT+7)

Vỡ hồ làm 4 người chết ở Nha Trang: Công trình chưa được cấp phép

MTĐT -  Thứ tư, 21/11/2018 14:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong quy hoạch dự án thì có hồ bơi, nhưng Sở chưa cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư cũng chưa thiết kế bản vẽ thi công trình cơ quan chức năng.

Nhân tai không phải thiên tai

Trận mưa, lũ lịch sử xảy ra đêm 17 và ngày 18/11 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 18 người tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), trong đó có 4 người của gia đình thầy giáo Trần Hoàng Phong (33 tuổi, ở tổ 1, Hòa Tây, P.Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) bị thiệt mạng do công trình hồ chứa nước nhân tạo bị vỡ.

Theo người dân địa phương, đợt mưa lũ tàn phá nhiều nhà dân, khiến 4 người trong gia đình thầy giáo Trần Hoàng Phong chết oan là do "nhân tai" chứ không phải thiên tai.

Trao đổi với Zing, ông Huỳnh Quang Hùng (ngụ phường Vĩnh Hòa) cho hay 10 ngày qua, doanh nghiệp san ủi, đào đất núi làm hồ trên đỉnh núi Hòn Xện. Các phương tiện cơ giới xây dựng hồ nước này dài khoảng 45 m, ngang 15 m.

"Nhiều khả năng đội thi công múc đất gần khu vực bờ kè kết hợp lượng mưa quá lớn gây ra sự cố vỡ bờ. Toàn bộ lượng nước cùng hàng loạt đá tảng kè hồ chứa bị đẩy thẳng về khu dân cư, hệt như trận sóng thần, tàn phá thảm khốc", ông Hùng kể.

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND P. Vĩnh Hòa cho biết, sau khi người dân báo vỡ hồ ở dự án trên, ông đã có mặt tại hiện trường, thấy một hố sâu khoảng 1,5 m, dài hơn 50 m, ngang hơn 10 m được chủ đầu tư đào múc tại khu vực phía trên của dự án, trong khi khu dân cư ở bên dưới. Khu vực này bị vỡ, nước ập xuống cùng đất đá khiến hơn chục ngôi nhà bị sập và hư hỏng, trong đó cả 4 người chết đều thuộc gia đình anh Phong.

Toàn cảnh dự án khu dân cư Hoàng Phú. Ảnh: Zing.

Sở chưa được cấp phép xây dựng

Được biết công trình hồ chứa nước trên núi bị vỡ là của dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú (Công ty TNHH đầu tư - phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư).

Ông Trần Văn Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngày 19 và 20/11, Sở Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan đã kiểm tra tại dự án trên, phát hiện nhiều sai phạm.

Ông Thọ cho biết trong quy hoạch dự án thì có hồ bơi, nhưng Sở chưa cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư cũng chưa thiết kế bản vẽ thi công trình cơ quan chức năng.

“Chủ đầu tư nói rằng múc đất để phục vụ công trình trong dự án. Tuy nhiên, rõ ràng chủ đầu tư có lỗi. Họ đào múc đất tạo thành một hố sâu, mưa lớn đã phá vỡ bờ, đổ xuống khu dân cư. Nếu không có việc múc đất, dòng chảy sẽ men theo hệ thống đường dẫn gom nước chứ không ảnh hưởng đến khu dân cư”, ông Thọ nói.

Hàng loạt ngôi nhà bị vùi dưới đống đổ nát. Ảnh: PLO. 

Liên quan đến sự việc, các chuyên gia cho rằng việc xây hồ chứa nước trên đầu khu dân cư là mối tai họa cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Cụ thể, trao đổi với VietnamPlus, GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc quy hoạch xây dựng “bom nước” trên núi cao, trong khi dân cư ở dưới đường thoát lũ là việc làm sai lầm.

“Thử hỏi, nếu như không vỡ hồ chứa nước nhân tạo ‘treo’ trên núi, liệu sạt lở có xảy ra như các điểm khác trong thành phố Nha Trang và mức độ ảnh hưởng có nghiêm trọng đến mức sập nhà, chết người nặng nề như vậy?,” ông Hồng nói.

Phân tích rõ hơn về nguyên nhân dẫn tới sự cố trên, ông Hồng cho rằng cái bất cập ở đây là hồ nước nhân tạo này lại được “treo” ở trên cao, khu dân cư ở dưới và cũng không có một cái kế hoạch phòng chống thiên tai gì cho khu dân cư này.

Theo nguyên tắc, nếu hồ nằm trên đầu, trên đỉnh dốc thì phải coi đó là tai họa. Tất cả các hồ chứa thủy lợi xây ở trên cao, bao giờ ở dưới hạ du người ta cũng phải coi đó là vùng chịu hậu quả khi không may xảy ra sự cố vỡ hồ chứa, hay khi xả lũ lớn.

Đề cập đến trách nhiệm để xảy ra sự cố, ông Hồng cho rằng lỗi ở đây là làm các nhà dân cư trên đường thoát lũ. Vì thế, Chi cục Phòng chống thiên tai địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn bà con cách ứng phó và phòng tránh nguy hiểm.

“Ở đây, cũng phải thừa nhận là cách phòng chống thảm họa của Tổng cục phòng chống thiên tai còn kém. Quy định cứ đọc lên là phải phòng chống thiên tai những chỗ có nguy cơ sạt lở đất. Vậy thế nào nguy cơ xảy ra lũ quét, chỗ nào sạt lở đất thì lại không chỉ ra được, huống chi lại vác cả cái hồ trên đầu. Tôi cho đó là điều sai lầm,” ông Hồng chia sẻ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vỡ hồ làm 4 người chết ở Nha Trang: Công trình chưa được cấp phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới