Thứ tư, 24/04/2024 18:46 (GMT+7)

Vì sao Trạm phát sóng Bạch Mai bị dỡ trước ngày lập hồ sơ di tích?

MTĐT -  Thứ tư, 12/02/2020 11:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đơn vị quản lý Trạm phát sóng Bạch Mai đã tự ý đập bỏ một gian và dỡ gần hết phần mái ngói của ngôi nhà 5 gian, ngay trước ngày lập hồ sơ xếp hạng di tích.

Theo báo Tuổi trẻ, ngày 10/2, chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các phó chủ tịch UBND TP đã có một buổi làm việc với đại diện Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam (Docomomo Vietnam) về kiến nghị bảo tồn các công trình thuộc trạm phát sóng Bạch Mai mà các đơn vị này đã gửi đến UBND TP Hà Nội tháng 12/2019.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội chủ trì phối hợp với VOV làm hồ sơ di tích, trước mắt là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, đối với tòa nhà một tầng (trong cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai, trước đó là Trạm vô tuyến điện báo do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20), trình lên để UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Ngôi nhà đã bị dỡ bỏ gần hết. Ảnh: VTCNews.

Từ đó để có cơ sở pháp lý thu hồi tòa nhà này (hiện đang do một công ty cổ phần quản lý) để quy hoạch lại làm lại di tích lịch sử văn hóa.

Thế nhưng, ngay chiều 9/2, đơn vị quản lý tòa nhà này là Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Văn hóa đã đập một phần tòa nhà. Theo một số người dân sống xung quanh ngôi nhà, ngày 9/2 đã có đơn vị vào phá dỡ công trình này với lí do giải phóng mặt bằng để mở rộng đường vành đai 2 (đoạn Ngã tư Đại La tới cầu Mai Động).

Hiện, ngôi nhà này đã bị phá dỡ, gạch đá, các khung cửa nằm ngổn ngang trên nền đất. Phần mái ngói ngôi nhà đã bị dỡ bỏ gần hết, 1 trong 5 gian của ngôi nhà cũng đã bị đập bỏ.

Trao đổi với Infonet, ông Đinh Đức Hiếu - Phó Chủ tịch UBND Phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Văn hóa là đơn vị quản lý ngôi nhà này đã tự ý phá dỡ và làm vào ngày nghỉ cuối tuần, không hề thông báo cho chính quyền địa phương biết. 8h30’ sáng ngày 10/2, khi tổ công tác Quản lý trật tự xây dựng - đô thị phường Đồng Tâm kiểm tra địa bàn thì nhận thấy, dãy nhà một tầng đang bị tháo dỡ nên đã yêu cầu phía công ty tạm dừng.

Ngay sau đó, UBND phường Đồng Tâm cũng đã ra thông báo khẩn cấp gửi cho công ty yêu cầu dừng ngay việc tháo dỡ, giữ nguyên hiện trạng công trình (bao gồm cả nguyên vật liệu do đơn vị đã tự ý tháo dỡ) và có văn bản hỏa tốc gửi lên trên.

Ảnh: Infonet.

"Khu đất (có công trình bị phá dỡ-PV) này đã được cơ quan chức năng chi trả tiền theo phương án, nhưng phía Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Văn hóa vẫn chưa bàn giao cho cơ quan chức năng để thực hiện giải phóng mặt bằng" - ông Hiếu cho biết thêm.

Trước đó, tháng 12/2019, Đài Tiếng nói Việt Nam có công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai. Công văn này được gửi đồng thời tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo.

Theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của TP Hà Nội, một số công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

Tuy nhiên, với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm phát sóng Bạch Mai, Đài tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND TP. Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Trạm phát sóng Bạch Mai bị dỡ trước ngày lập hồ sơ di tích?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.