Thứ sáu, 26/04/2024 17:24 (GMT+7)

Vi phạm trật tự xây dựng “nở rộ” do thiếu kiên quyết trong xử lý?

MTĐT -  Thứ năm, 05/12/2019 11:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng “nở rộ” và phức tạp, trong khi đó các cơ quan chức năng lại chưa giải pháp chấn chỉnh. Nhất là khi còn nhiều vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý.

'Nở rộ' vi phạm trật tự xây dựng

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội về kết quả xử lý các công trình vi phạm TTXD còn tồn đọng năm 2015 - 2016 trên địa bàn TP từ tháng 5/2019 đến nay, UBND các quận, huyện mới xử lý được 2/40 trường hợp, còn tồn đọng 38 trường hợp chưa xử lý, không đạt kết quả và tiến độ theo yêu cầu.

Tình trạng vi phạm TTXD diễn ra ở hầu hết các quận, huyện, thị xã, trong đó nổi cộm lên một số địa bàn như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất…

Trước vấn nạn này, đầu năm 2019, lần đầu tiên Sở Xây dựng Hà Nội buộc phải “bêu” tên công khai các công trình vi phạm tồn đọng (phát sinh giai đoạn 2015 - 2016). Dẫn đầu là quận Hoàn Kiếm (8 trường hợp), tiếp theo là Hai Bà Trưng (7 trường hợp), quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì (mỗi nơi 5 trường hợp), Ba Đình (3 trường hợp), Nam Từ Liêm (3 trường hợp)…

Dự án số 8B Lê Trực đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, trong danh sách này có sự góp mặt của những dự án lớn như: Dự án Đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê số 8B Lê Trực (Ba Đình); Tòa nhà Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai (Hai Bà Trưng); Chung cư cao tầng số 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân); Công trình chức năng hỗn hợp Đại Thanh và Công trình hỗn hợp nhà ở - Trung tâm thương mại CT5 Tân Triều (Thanh Trì); Nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân); Tòa HH01 và tòa 04 - HH02 dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ (Nam Từ Liêm)...

Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch còn chưa bám sát với yêu cầu định hướng thực tiễn, yêu cầu quản lý. Quy hoạch là tầm nhìn dài hạn nhưng chưa gắn kết với quy hoạch trọng điểm, trọng tâm dẫn tới thực trạng xây dựng tràn lan những công trình không phép, sai giấy phép xây dựng.

Còn tại TP.HCM, trao đổi với Nhịp sống kinh tế, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại những quận huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh.

Thống kê cho thấy, mỗi năm tại TPHCM có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Nếu như năm 2017 có 2.856 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày) thì đến năm 2018 có 2.419 công trình (6,6 vụ vi phạm/ngày). 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình. Như vậy bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.

Các công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Việc nhiều công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua có nguyên nhân là sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị địa phương.

Chưa minh bạch và thiếu kiên quyết xử lý

Trao đổi về vấn đề này với KTĐT, Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh, mặc dù tình trạng vi phạm TTXD diễn ra ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, nhưng các công trình có mức độ vi phạm nghiêm trọng lại chủ yếu xảy ra ở các quận, xuất phát từ giá trị thương mại lớn của các mảnh đất tại khu vực trung tâm.

“Quỹ đất hẹp khiến cho giá đất tại khu vực trung tâm cao hơn gấp nhiều lần so với các khu vực khác. Khi các trung tâm thương mại tổng hợp được xây dựng lên, vì mục đích lợi nhuận các chủ đầu tư đã không “ngần ngại” trong việc vi phạm TTXD, tự ý thay đổi thiết kế, chồng thêm tầng, cắt xén diện tích sử dụng công cộng (khuôn viên cây xanh, nhà sinh hoạt cộng đồng…)” - ông Trần Tuấn Anh nói.

Cùng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho biết, hiện nay, các chế tài xử phạt vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư, vì lợi ích to lớn từ những mảnh đất “vàng” tại trung tâm mà các chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt để “được” làm sai.
“Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP khung xử phạt hành chính tối đa đối với các hoạt động xây dựng là 1 tỷ đồng, số tiền này không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà chủ đầu tư thu được từ hàng chục căn hộ sai phép” - ông Ánh nhìn nhận.

Trong khi đó, trao đổi với báo Công Luận, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân còn do cơ quan quản lý Nhà nước thiếu năng lực, quyết liệt trong xử lý vi phạm. Mặt khác lại có tình trạng phân biệt đối xử, khi các chủ đầu tư lớn vi phạm lại xử lý theo hướng “nể nang”, nhưng với nhà ở riêng lẻ của người dân lại quá khắt khe, đã khiến việc xử lý bị chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch còn chưa bám sát với yêu cầu định hướng thực tiễn, yêu cầu quản lý. Quy hoạch là tầm nhìn dài hạn nhưng chưa gắn kết với quy hoạch trọng điểm, trọng tâm dẫn tới thực trạng xây dựng tràn lan những công trình không phép, sai giấy phép xây dựng.

Còn theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên nhân còn đến từ những người thi hành công vụ, nhưng không làm tròn trách nhiệm, thiếu minh bạch trong việc xử lý khiến một số vi phạm không xử lý được triệt để như: 8B Lê Trực, Chung cư HH Linh Đàm… Trách nhiệm trực tiếp chính là các cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng tại địa phương, từ cấp phường, xã đến quận, huyện và tỉnh, thành phố. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài và tiếp diễn sẽ khiến niềm tin của người dân bị mài mòn.

Theo ông để khắc phục tình trạng này, các cấp có thẩm quyền phải có thái độ kiên quyết trong việc quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng. Các tỉnh, thành phố làm sai Bộ Xây dựng phải “thổi còi”, báo cáo Thủ tướng; quận, huyện làm sai tỉnh, thành phố phải xử lý; phường, xã làm sai quận, huyện phải xử lý.

Đồng thời, Nhà nước cần tập trung nguồn nhân lực, kinh phí lập và duyệt quy hoạch phân khu. Nhất là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị (hiện mới đạt chưa đến 40%) và công khai minh bạch tạo điều kiện quản lý và triển khai thực hiện, chống được cơ chế “xin - cho” trong cấp phép xây dựng. Ngoài ra, Thanh tra xây dựng các cấp cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Thanh tra Bộ Xây dựng cần tập trung thanh tra, làm điểm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để làm rõ trách nhiệm của các cấp cơ quan quản lý nhà nước từ thành phố xuống.

Việc chưa quyết liệt trong xử lý với các vi phạm về trật tự xây dựng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như: gia tăng dân số, áp lực giao thông tăng cao, rác thải, ô nhiễm môi trường… Các cấp có thẩm quyền cần sớm có những biện pháp kiên quyết, đồng bộ để giải quyết triệt để các công trình sai quy hoạch để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm khác sẽ phát sinh.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm trật tự xây dựng “nở rộ” do thiếu kiên quyết trong xử lý?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới