Thứ sáu, 29/03/2024 13:12 (GMT+7)

TS. Phạm Sỹ Liêm: “Đất 'đắp chiếu' nói nhiều nhưng không thay đổi”

Bạch Thúy (Thực hiện) -  Thứ tư, 14/03/2018 21:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo về việc xử lý đất dự án quá 3 năm không triển khai đã gây một hiệu ứng tích cực từ sự quan tâm của dư luận xã hội...

Những dự án "găm đất" hàng thập kỷ, khiến tài nguyên đất bị lãng phí, các hộ dân đi không nỡ, ở chẳng xong do dự án treo là câu chuyện nhức nhối tại Hà Nội nhiều năm qua. Mới đây, Chủ tịch Thành phố đã có văn bản yêu cầu các quận/huyện kiểm tra, rà soát lại, và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện.

Đây được xem là quyết sách quyết liệt đối với các doanh nghiệp cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất vàng. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, đợt rà soát tới đây của các quận huyện sẽ mang lại hiệu quả thực sự, thay vì việc rà soát xong rồi tiếp tục bỏ hoang.

Để có cái nhìn đa chiều về nội dung trên, PV Môi Trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi phỏng vấn trực tiếp với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Thưa T.S, ông có đánh giá như thế nào về việcChủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận/ huyện kiểm tra, rà soát lại, và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện?

Tôi nghĩ đây là chủ trương rất đúng đắn. Không phải cứ "đắp chiếu" là đã thu hồi mà có khâu rà soát trước đó để tìm ra nguyên nhân gì phải "đắp chiếu" và căn cứ vào thực tế đấy, ra quyết định thu hồi hay như thế nào.

Đây là chủ trương quan trọng và đúng đắn vì đó là mối quan hệ Nhà nước với thị trường, đất đai cấp ra thị trường chủ yếu là các dự án kinh doanh bất động sản.

Nhưng có điều, không phải bây giờ mới có chủ trương… Trước đây, cũng nhắc rất nhiều đến các dự án "đắp chiếu" này, nhưng việc thi hành còn gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, nói nhiều nhưng tình hình vẫn không thay đổi gì. Đấy mới là yếu tố cần quan tâm.

Theo tôi tìm hiểu và đánh giá sơ bộ, trên cả nước có khoảng 20% các dự án bị "đắp chiếu" như vậy. Không phải tình trạng này chỉ xảy ra ở thị trường bất động sản sôi động những thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà còn xảy ra ở Đà Nẵng, Vinh, thậm chí cả ở Tây Nguyên.

Từ thực tế phản ánh nhiều năm qua, có những dự án đã "đắp chiếu" xấp xỉ 10 năm. Vậy ông có thể cho biết những dự án đó phân loại mức độ "đắp chiếu" như thế nào?

Trước tiên, có lẽ chúng ta gọi là "đắp chiếu" nhưng phải phân loại các cấp độ "đắp chiếu" nó ở những mức độ thế nào để xử lý?

Mức độ thứ 1, dự án được cấp đất nhưng chưa khởi động gì, việc cấp đất này mới chỉ trên giấy chưa đi vào thực tế, đối với dự án này thì thu hồi cũng không có ảnh hưởng gì.

Mức độ thứ 2, dự án đã tiến hành giải phóng mặt bằng để lấy đất, bồi thường xong rồi nhưng khởi công hay chưa thì đất đai đã sẵn sàng nhưng vẫn không được sử dụng. Có nghĩa mức độ đắp chiếu này nhà đầu tư đã bỏ ra 1 món tiền khá lớn để bồi thường chứ không chỉ nói trên miệng nữa vì nhiều nguyên nhân khác buộc dừng lại.

Mức độ thứ 3, đã giải phóng mặt bằng, đã xây cất một phần nào đó trên dự án đất nhưng không hiểu lý do gì cũng lại "đắp chiếu" cho đến bây giờ.

Theo ông, nguyên nhân do đâu mà dẫn đến tình trạng “đắp chiếu” các dự án như vậy?

Một là, chủ quan của bản thân doanh nghiệp - bên nhận đất, chẳng hạn: Dự án đang triển khai thì doanh nghiệp lục đục nội bộ, thay đổi lãnh đạo hay một số lý do khác… do đó dừng lại vì không được sự ủng hộ từ những nhà đầu tư.

Nguyên nhân này không nên chấp nhận, vì đã đầu tư thì phải có quyết định đa số trong nội bộ, nếu đầu tư mới chỉ trong ý định, chưa động gì đến đất đai thì dừng cũng không làm ảnh hưởng đến ai nhưng đã đầu tư đến mức giải phóng mặt bằng. Bao nhiêu gia đình mất đất, chuyển đất cho dự án, bao nhiêu sự thay đổi to lớn của người dân.

Về bản thân doanh nghiệp tổn thất đống tiền giải phóng mặt bằng nhưng xã hội thiệt hại còn nhiều hơn gây bất bình cho dư luận xã hội bởi thiệt hại về mặt tinh thần không thể bù đắp, chẳng qua vì lợi ích chung hoặc vì sức ép người dân phải dọn đi.

Không ai đang sống yên lành, làm ăn buôn bán thuận lợi lại muốn như thế, bồi thường bao giờ cũng chỉ phần nào. Vì lợi ích chung, dân phải dọn đi mà doanh nghiệp lại không làm gì thì không ổn.

Dự án Khu nhà ở Văn La (Hà Đông, Hà Nội) đã bỏ hoang gần 10 năm nay. (Ảnh infonet)

Hai là, khách quan có thể thay đổi về thị trường khiến cho dự án hiệu quả không rõ ràng khiến chủ đầu tư ngại ngần dừng lại xem biến động thị trường rồi thấy thị trường cứ tiếp tục bất lợi nên tiếp tục "đắp chiếu".

Căn cứ vào biến động của thị trường, lúc mới đầu tư thị trường đang sôi động có nhu cầu, nhưng đầu tư rồi thì thấy không như mình dự đoán hay cũng có nhưng không lớn nên chỉ làm một phần nào đó.

Mặt khác thị trường thay đổi mà dừng lại thì tiền của doanh nghiệp cũng như đất đai của nhà nước bị "găm lại" không sinh ra lợi ích. Trong đô thị, đất đai bỏ hoang gây ra cảnh quan đô thị xấu xí. Đất đai phải đóng thuế nhưng đang xây dựng, chưa đi vào vận hành vậy nhà nước lại mất 1 khoản thuế mà không sinh lợi. 

Một trong những dự án "đắp chiếu" lâu năm tại phố Nguyễn Đình Chiểu,TP. Hà Nội.

Xin ông cho ý kiến về giải pháp với tình trạng "đắp chiếu" đất dự án như hiện nay?

Tôi nghĩ rằng những dự án “đắp chiếu” nhiều năm mà chưa thu hồi được thì bản thân việc "đắp chiếu" đó có nguyên nhân khó khăn. Nhưng mặt khác đang định thu hồi thì người ta đến “bôi trơn” chính quyền, chính quyền làm ngơ bỏ tiếp, thậm chí trước lúc giao đất thì người ta cũng đã phải “bôi trơn” một khoản tiền.

Hiện nay theo bối cảnh nạn tham nhũng tràn lan, tôi nghĩ 1 dự án được cấp đất, không phải tất cả nhưng 1 số nào đó đều phải mất phí “bôi trơn”. Mà đã nhận phí “bôi trơn” mà bây giờ thu hồi lại đất thì vô cùng bất tiện. Thế thì để xử lý các dự án "đắp chiếu" không phải chỉ vì hiệu quả đất đai mà kết hợp nhiệm vụ chống tham nhũng, như thế mới làm được nhanh gọn. 

Chúng ta rút kinh nghiệm chủ trương thì đúng mà không làm được nên phải có những biện pháp xây dựng thể chế thích hợp thêm vào để cho công việc thực hiện trôi chảy.

Xin cảm ơn TS. Phạm Sỹ Liêm đã dành thời gian chia sẻ cho bạn đọc Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Giao Sở TN&MT rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa đất vào sử dụng; báo cáo TP trước ngày 30/4/2018.

 Hà Nội khó có tiền hoàn trả cho chủ đầu tư ngay lập tức

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng nhận định, thu hồi là đúng nhưng thu hồi làm gì cần xem xét bài học kinh nghiệm từ việc di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện và cơ sở ô nhiễm. Việc di dời được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, song đến nay, cũng chưa có nhiều chuyển biến.

Phải chăng từ chủ trương mới này của Thủ tướng, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía chính quyền địa phương. Bên cạnh thu hồi, đặt ra định hướng khai thác đất vàng vì mục tiêu đô thị chứ không đơn thuần để gia tăng các công trình cao tầng phục vụ lợi ích nhóm.

“Vướng mắc nhất là những dự án đã thu tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách. Đồng thời, doanh nghiệp đã triển khai một vài hạng mục trên đất như quây hàng rào, khoan thăm dò địa chất…. nay thu hồi, Hà Nội khó có tiền hoàn trả cho chủ đầu tư ngay lập tức.

Do đó, cần có cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Có thể đền bù những tổn thất cho các chủ đầu tư sau khi có được nguồn tiền từ việc bán đấu giá những mảnh đất đó. Không thể vì quyền lợi của một vài chủ đầu tư kém năng lực mà để hoang những ô đất trong trung tâm Thủ đô được”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết TS. Phạm Sỹ Liêm: “Đất 'đắp chiếu' nói nhiều nhưng không thay đổi”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới