Thứ bảy, 20/04/2024 12:46 (GMT+7)

TP.HCM xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức

MTĐT -  Thứ tư, 01/04/2020 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo UBND TP.HCM, việc sáp nhập ba quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ và TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Khu công nghệ cao TP.HCM là một trong các trụ cột có sẵn để thành lập thành phố phía Đông.

Ảnh: Minh Tú

UBND TP.HCM vừa có văn bản 1157 ngày 30.3 gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.

Tại văn bản trên, UBND TP.HCM cho biết, nhằm hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM, UBND TP.HCM xây dựng đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM, trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Theo dự kiến, thành phố phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 211,57 km2, quy mô dân số 1.169.974 người. Tuy nhiên, việc sáp nhập ba quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ và TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, UBND TP.HCM đã xin ý kiến và nhận được phúc đáp của Bộ Nội vụ tại công văn 980 ngày 26.2.2020 đề nghị: "... UBND thành phố xin ý kiến Bộ Xây dựng nội dung liên quan đến hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị”.

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị đối với trường hợp TP.HCM sáp nhập ba quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố. 

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận thành phố phía Đông dự kiến được thành lập sẽ “không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp" tương tự như một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại Nghị quyết số 653/2014/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ý tưởng thành lập khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (thành phố phía Đông) được TP.HCM ấp ủ từ nhiều năm qua. Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018, UBND TP.HCM đã nêu ý tưởng xây dựng khu Đông của thành phố thành khu đô thị sáng tạo, dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Theo đó, Khu Đại học Quốc gia TP.HCM với 18 đại học thành viên và viện nghiên cứu. Khu Công nghệ cao TP.HCM giai đoạn 1 và 2 rộng khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao. Đồng thời, trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha từng bước được hình thành. Ngoài ra, khu Đông còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Dự kiến sau khi hình thành, thành phố phía Đông sẽ kết nối 3 chức năng gồm: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao...

Thành phố phía Đông sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế; góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp…

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ