Thứ ba, 19/03/2024 09:11 (GMT+7)

TP.HCM: Tìm lối thoát cho nhà xây tạm

MTĐT -  Chủ nhật, 08/12/2019 11:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 7/12, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM, nhiều đại biểu đã đề cập đến những vấn đề lớn của TP như quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra trong thời gian qua.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, tại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng xét trên thực tế tại địa phương ông, một trong những lý do khiến người dân xây dựng trái phép, không phép là vì đất của họ đang bị quy hoạch.

“Trách nhiệm của chúng ta là giữ quy hoạch nhưng chúng ta chưa tổ chức thực hiện quy hoạch đó thì ảnh hưởng đến người dân rất nhiều. Lần nữa, tôi kiến nghị có nghiên cứu quy định để người dân được xây dựng tạm trên đất quy hoạch” – ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, khẳng định bất cập mà ông Lê Trương Hải Hiếu nêu là có thật. Theo ông Thắng, việc quy hoạch công viên, đường giao thông, trường học mà không đủ nguồn lực thực hiện khiến người dân bức xúc, đòi hỏi phải sớm thực hiện để người dân được đảm bảo các quyền của mình.

 “Thực tế có câu chuyện đan xen là mình phải giữ quy hoạch để tổ chức thực hiện, mà thực tế các công trình công cộng phục vụ người dân nhưng không đủ kinh phí nên phải giữ thời gian quy hoạch dài, xung đột với quyền lợi người dân” – ông Thắng nói.

Ông cho rằng đối với trường hợp nhà nước chưa tổ chức thực hiện quy hoạch thì có thể cho người dân thực hiện quyền này. “Nhưng người dân đặt vấn đề rằng: tôi làm công trình tạm rồi thì phải chứng nhận sở hữu công trình đó vì tiền người dân bỏ ra từng đồng phải được ghi nhận… Vì vậy, vừa rồi có kiến nghị sở TN&MT xem xét công nhận sở hữu công trình tạm. Nhưng quy định của pháp luật chưa đề cập nội dung đó” – ông Thắng nói và cho rằng bất cập về vấn đề quy hoạch và quyền lợi về đất của người dân đang ngày càng nóng lên. Làm sao phải giải quyết nhu cầu ở có thật của người dân đối với đất của người dân bị vướng quy hoạch công trình công cộng.

Theo Zing, nói về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn cũng đồng tình và giải thích thêm về bất cập trong quy định hiện tại. Theo ông, trước đây, người dân được cấp giấy phép xây dựng tạm theo Quyết định 27/2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 (Quyết định 27).

Tuy nhiên, sau đó, Quyết định 26/2017/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 (Quyết định 26) về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn được ban hành thay thế để phù hợp với Luật Xây dựng và hạn chế trình trạng xây "chui”, xây không phép, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, Quyết định 26 không đề cập đến việc bồi thường, hỗ trợ cho các công trình, nhà ở hiện hữu như Quyết định 27, gây khó khăn cho chính quyền địa phương khi giải quyết vụ việc cụ thể.

Đại diện Sở Xây dựng chỉ ra thêm vấn đề khi thực thi Quyết định 26 là nhiều nơi trong TP chỉ mới thực hiện quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000, trong khi Quyết định 26 áp dụng cho quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Thêm vào đó, Luật Xây dựng quy định về việc cấp giấy phép có thời hạn tối đa không quá 3 lần đối với trường hợp nằm trong đồ án quy hoạch phân khu nhưng chưa triển khai thực hiện, hoặc chưa có quyết định thu hồi đất.

"TP đang xin ý kiến Bộ Xây dựng về cấp giấy phép cho những trường hợp còn tồn tại nhà ở hiện hữu, chưa đăng ký sở hữu để đảm bảo quyền lợi cho người dân", đại diện này thông tin.

Chia sẻ với các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định vi phạm trật tự xây dựng không phải chỉ xảy ra năm 2019, mà đã tiếp diễn nhiều năm qua. “Nhưng năm nay trước thông tin báo chí và người dân phản ánh, thấy rằng cần phải được chấn chỉnh quyết liệt” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, vừa qua các địa phương như huyện Bình Chánh, Củ Chi, quận Thủ Đức mới kiểm tra sơ bộ nhưng tựu trung lại đều là những vi phạm. “Vụ 111 biệt thự sai phép ở quận 7, tôi đã cho thanh tra toàn bộ sự việc này thì có rất nhiều cái làm không đúng, sự phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ dẫn đến những sai sót trong thực tế. Cũng phải tính toán xem 111 biệt thự này mới xong phần thô, tiếp theo sẽ xử lý như thế nào để không làm tổn hại của cải xã hội mà vẫn chấn chỉnh được các sai phạm” - ông Phong lý giải.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Tìm lối thoát cho nhà xây tạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.