Thứ sáu, 19/04/2024 07:08 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Phúc được mất thế nào từ sân golf Gia Khau?

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 08/11/2019 11:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Sân golf gần nguồn nước hậu quả rất khôn lường, sân golf tưới tiêu sẽ sinh ra nhiều chất độc hại, dự án nào đang làm rồi thì thôi đành, cái chưa làm thì nên thôi...", nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ.

Viễn cảnh lợi nhuận trăm tỷ và những tác động đến môi trường

Ngày 4/9/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 2288/SKHĐT-KTĐN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xin ý kiến tham gia thẩm định chủ trương đầu tư Dự án sân golf Gia Khau (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên) của Công ty Cổ phần khai thác vật liệu xây dựng An Thịnh.

Được biết, ngày 27/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 9263/BKHĐT-KTDV về việc bổ sung sân golf Gia Khau, tỉnh Vĩnh Phúc vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Hiện, dự án đang xin ý kiến tham gia thẩm định chủ trương đầu tư.

Ảnh minh họa sân golf.

Theo đề xuất của Công ty Cổ phần khai thác vật liệu xây dựng An Thịnh, dự án sân golf Gia Khau (thôn Gia Khau, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có diện tích khoảng 85ha, trong đó, rừng sản xuất chiếm: 27,92ha, đất khai thác đá 47,84ha; đất khác chiếm 9,24ha. Tổng vốn đầu tư 828,82 tỷ đồng. Định hướng trở thành sân golf cao cấp 18 hố tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng sân golf Gia Khau nhằm tạo ra cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu thể thao, vui chơi giải trí cho khách hàng du lịch cũng như nhân dân địa phương có nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi thể thao và rèn luyện thể chất; Cung cấp dịch vụ giải trí và thể thao;

Kinh doanh dịch vụ và dụng cụ sân golf; Xây dựng và kinh doanh cho thuê villa và khách sạn; Cung cấp các dịch vụ liên quan gồm: Nhà hàng, massage, tắm hơi; Dịch vụ vận chuyển khách chơ golf.

Đại diện Công ty Cổ phần khai thác vậy liệu xây dựng An Thịnh, ông Trần Văn Tám cho biết, dự án sẽ có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, với diện tích chiếm đất chủ yếu là đất đồi núi, trồng rừng sản xuất thì giá trị không đáng kể (khoảng 30 triệu đồng/năm/hộ). Trong khi đó nếu chuyển đổi kinh doanh sân golf thì ước tính lợi nhuận đạt hơn 107 tỷ đồng/năm, giải quyết lao động thường xuyên, lao động thời vụ hơn 300 – 350 lao động.

Ngoài ra, theo đề xuất đầu tư, nhà đầu tư cho rằng, trong thời gian hoạt động, dự án sân golf Gia Khau tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đóng góp vào Ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu như: Tiền cho thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế, phí khác.

Sân golf Gia Khau tiếp giáp hồ Trại Ngỗng. 

Trước đó, trong 2 bài viết Chuyện lạ tại Vĩnh Phúc: Một xã nghèo có đến 2 dự án sân golf? và Xã nghèo có 2 sân golf ở Vĩnh Phúc: Bất ngờ về thông tin chủ dự án, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phản ánh việc dự án sân golf Gia Khau tiếp giáp với hồ Gia Khau (hay còn gọi là hồ Trại Ngỗng) cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho bà con trong vùng, lượng hóa chất trong quá trình xây dựng, vận hành sân golf tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn, trong khi đây là nguồn nước duy nhất tại địa phương, bà con chưa có nguồn nước thay thế, hệ thống nước sạch chưa được đầu tư xây dựng.

Việc xây dựng sân golf mặc dù được UBND xã Trung Mỹ ủng hộ nhằm phát triển kinh tế địa phương, tuy nhiên, chính quyền nơi đây cũng hết sức lo ngại những ảnh hưởng, tác động từ sân golf đến môi trường, đến sức khỏe người dân.

Qua tham khảo một số địa phương có sân golf, họ sử dụng rất nhiều thuốc hóa học, nếu không cỏ không phát triển được, vì thế hệ thống xử lý chất thải phải đảm bảo, nếu không rất nguy hiểm, đã đầu nguồn thì nhiều người phải chịu ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ cho biết. 

Ngoài ra, Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010, ngành Tài nguyên và Môi trường phát đi có thông tin, “một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp). Trong đó, có các chất như axit silic, ô xít nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…”.

Đối với việc triển khai dự án, nhà đầu tư khẳng định, doanh nghiệp có năng lực và khả năng tài chính đủ mạnh để triển khai nhanh theo kế hoạch, đồng thời cam kết áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại trong quá trình hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải, phun thuốc, chăm sóc cây cỏ, đảm bảo môi trường.

Tuy nhiên, chính Nhà đầu tư cũng thừa nhận, dự án sân golf Gia Khau triển khai thực hiện sẽ tác động đến môi trường theo cả 3 giai đoạn gồm: Chuẩn bị mặt bằng, thi công và vận hành. Trong đó, tác động nhiều đến môi trường chủ yếu nằm ở giai đoạn chuẩn bị mặt bằng và giai đoạn thi công.

Đáng lưu ý, tại mục các nguồn gây tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động trong giai đoạn vận hành, Công ty Cổ phần khai thác vậy liệu xây dựng An Thịnh cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật là tác nhân ảnh hưởng đến nước mặt và nước ngầm khu dự án và hồ Gia Khau ở mức thấp, dài hạn và không thể tránh khỏi; ảnh hưởng từ chất thải nguy hại ở mức cao, dài hạn và có thể kiểm soát, ngoài ra cũng có các tác nhân ảnh hưởng ở mức trung bình dài hạn, có thể kiểm soát và một số các tác nhân khác tác động ở mức thấp, ngắn hạn nhưng không thể tránh khỏi.

Không đánh đổi kinh tế lấy môi trường

Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ, chúng tôi được biết, trên địa bàn xã Trung Mỹ ngoài dự án sân golf Gia Khau đang xin ý kiến tham gia thẩm định chủ trương thì tại dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo cũng có quy hoạch sân golf. Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư, hiện đang triển khai xây dựng. 

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo cũng có quy hoạch sân golf đang triển khai xây dựng.

Việc một xã nghèo, đồng bào chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu nhưng tập trung đến 2 dự án sân golf, trong khi tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều sân golf nhưng hoạt động không hiệu quả khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Vĩnh Phúc có khái niệm không đúng vì vậy với 3 dự án sân golf của tỉnh đã đi vào hoạt động chỉ bằng 1 sân golf của Hòa Bình (Lương Sơn)”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Kháng Chiến – Đại diện nhà đầu tư – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Việt trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Đoàn công tác liên ngành về quy hoạch sân Golf về việc UBND huyện Vĩnh Phúc đề nghị bổ sung hai dự án sân Golf Gia khau (huyện Bình Xuyên) và Bàn Long (huyện Tam Đảo) vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 vào ngày 11/8/2015.

Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị làm rõ mức độ cần thiết của việc trên địa bàn một xã có đến 2 sân golf. Đồng thời, cần đánh giá tác động môi trường cạnh hồ nước khi sử dụng hóa chất trồng cỏ, nêu rõ danh mục thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất phục vụ sân golf.

Đề nghị các đồng chí địa phương làm rõ mức độ cần thiết phải có nhiều sân golf như thế, một xã có cần đến 2 sân golf không? Thậm chí một huyện có cần như thế không? Có cần đất làm mục tiêu khác hay đất làm sân golf, tính rõ mục tiêu kinh tế đạt bao nhiêu, tác động môi trường như thế nào?

Đề nghị làm rõ, đặt lên bàn cân giữa kinh tế và môi trường có đáng để đánh đổi hay không? Phải đảm bảo mục tiêu của Chính phủ là không đổi kinh tế lấy môi trường”, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ các vấn đề nêu trên.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII. 

Mặc dù khẳng định sân golf có đem lại những lợi ích kinh tế, tuy nhiên, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dự án sân golf có những điểm bất cập, đáng chú ý là tốn một diện tích đất lớn, không phải là môn thể thao quần chúng, đồng thời có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đối với trường hợp xã Trung Mỹ, nguyên Thứ trưởng kiến nghị hủy bỏ dự án sân golf Gia Khau.

Tôi biết xã Trung Mỹ, không nên xây sân golf tiếp giáp nguồn nước của bà con, làm như vậy là mất đi tính ổn định cuộc sống của đồng bào, đừng bắt đồng bào chịu hậu quả môi trường, sân golf gần nguồn nước hậu quả rất khôn lường, sân golf tưới tiêu sẽ sinh ra nhiều chất độc hại, dự án nào đang làm rồi thì thôi đành, cái chưa làm thì nên thôi”, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Tỉnh Vĩnh Phúc được mất thế nào từ sân golf Gia Khau?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.