Thứ sáu, 29/03/2024 02:07 (GMT+7)

Lào Cai: DN không mặn mà tham gia Dự án Cảng hàng không Sa Pa

Vương Liễu -  Thứ ba, 31/07/2018 14:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện tại mới chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quan tâm đến Dự án, ngoài ra, chưa có doanh nghiệp nào có văn bản chính thức gửi tỉnh Lào Cai trình bày sự quan tâm, đề xuất tham gia.

Dự án hoàn toàn có tính khả thi

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), sân bay quân sự cấp II với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.778 tỷ đồng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.  

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến phản đối từ dư luận. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, giải quyết bài toán giao thông, tăng trưởng kinh tế bằng cách xây dựng sân bay dường như không phải cách làm hiệu quả đối với Lào Cai.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Vương Trinh Quốc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai.

Trụ sở UBND tỉnh Lào Cai.

Được biết, Cảng hàng không Sa Pa đã được Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Vào ngày 8/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng và giao cho UBND tỉnh Lào Cai làm Cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền tổ chức lập đề xuất dự án tại Văn bản số 56/TTg-KTN theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trao đổi về tính khả thi của dự án, ông Quốc cho biết, các luận chứng kinh tế, sự cần thiết phải đầu tư cũng như các yếu tố để đưa Cảng hàng không Sa Pa vào trong quy hoạch đã được tỉnh, các bộ, ngành tính toán, khẳng định rõ.

Hiện nay, UBND tỉnh Lào Cai mới đang đề xuất, chính thức gửi văn bản lên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Bộ giao thông vận tải đưa ra các phương án, sự cần thiết và mức độ hiệu quả của việc đầu tư xây dựng sân bay này.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không Sa Pa được thiết kế các tuyến bay nội địa từ Vinh trở vào, gồm Vinh, Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc.

Ngoài ra, khi hoạt động hàng không dân dụng phát triển sẽ tiếp tục nghiên cứu mở các chuyến bay đi và đến các Cảng hàng không khu vực Tây Nam Trung Quốc và các Cảng hàng không khu vực Đông Bắc Á.

Quy mô dự kiến đầu tư cho thấy, trong giai đoạn 1 (đến năm 2020) sân bay đạt công suất 560.000 khách/năm và 600 tấn hàng hóa/năm, loại máy bay khai thác là A320, A321 và tương đương, kinh phí đầu tư khoảng 4.745 tỷ đồng (đã bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng của cả dự án).

Lý giải về nguồn khách và lượng hàng hóa vận chuyển, ông Quốc cho biết, Cảng hàng không Sa Pa sẽ phục vụ khách tính từ Vinh trở vào. Lượng khách du lịch đến Lào Cai liên tục tăng nhanh qua các năm. Năm 2016, Lào Cai đón 2,1 triệu khách, năm 2017 là 2,8 triệu, dự kiến 2018 là 3,5 triệu.

Trong số 3,5 triệu khách, khách nội địa chiếm 74%, trong đó có đến hơn 50% khách chủ yếu đến từ các tỉnh Miền Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Phú Quốc… 26% còn lại là khách quốc tế, đến từ hơn 80 quốc tịch. Lào Cai có khu du lịch quốc gia Sa Pa thu hút khách trong cả 4 mùa, là nơi thích hợp nghỉ dưỡng, hấp dẫn bởi sự hoang sơ, kỳ vỹ của dãy Hoàng Liên Sơn cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc.

Cảng hàng không Sa Pa dự kiến xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Về hàng hóa, hiện tại Lào Cai có nhiều sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp nặng, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản.

Ngoài ra, còn có các sản phẩm nông sản khác, tỉnh đang hình thành các vùng chế biến nông sản công nghệ cao, để tạo ra sản lượng lớn, đáp ứng khối lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến.

Trước ý kiến cho rằng, Lào Cai đã có đường sắt và đường cao tốc Nội Bài –Lào Cai rất thuận tiện, việc xây dựng sân bay sẽ gây lãng phí, không đem lại hiệu quả kinh tế, ông Quốc nhận định, mỗi loại hình giao thông có thị trường, khách hàng riêng, có cách khai thác và đem lại hiệu quả riêng. Việc có thêm sân bay là nhằm hoàn thiện các loại hình giao thông phục vụ cho việc phát triển kinh tế.

Cá nhân ông cho rằng, UBND tỉnh Lào Cai xây dựng sân bay là rất có tính khả thi, ông có nhiều kỳ vọng vào Dự án này và chắc chắn hiệu quả mà nó đem lại sẽ giúp Lào Cai nâng cao vị thế.

Không phải tất cả các hạng mục đều kêu gọi xã hội hóa

Trong văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Lào Cai có đề xuất phương án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư quan tâm kết hợp hỗ trợ từ ngân sách đia phương.

Trao đổi về vấn đề này, ông Quốc cho biết, “dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng sẽ lấy từ ngân sách địa phương, đường băng trong cơ cấu là khoản lớn nhất đang tính là sẽ đầu tư huy động từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tháp không lưu do Cục hàng không quản lý, đây là sân bay lưỡng dụng cấp 4C, sân bay quân sự cấp II, vậy nên sẽ có đầu tư ngân sách từ Bộ quốc phòng theo quy định".

Cũng theo ông Quốc, các khu phụ trợ như cây xăng và các hạ tầng kỹ thuật khác thì mời Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tham gia cùng đầu tư cung cấp các dịch vụ cho cảng, còn lại đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP chỉ còn phần nhà ga.

Được biết, UBND tỉnh sẽ kêu gọi từ các nhà đầu tư quan tâm, trong cơ cấu còn phần đó, chứ không phải tất cả đều kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Tuy nhiên, thông tin từ Chánh văn phòng UBND tỉnh cho hay, hiện tại mới chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quan tâm đến Dự án, ngoài ra, chưa có doanh nghiệp nào có văn bản chính thức gửi tỉnh Lào Cai trình bày sự quan tâm, đề xuất tham gia vào việc đầu tư xây dựng nhà ga, cây xăng, hay khu phục trợ.

Bạn đang đọc bài viết Lào Cai: DN không mặn mà tham gia Dự án Cảng hàng không Sa Pa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.