Thứ sáu, 29/03/2024 02:19 (GMT+7)

Tàu Cát Linh - Hà Đông: An toàn đo bằng 20 ngày chạy trơn tru?

KTS. Trần Huy Ánh -  Thứ năm, 16/07/2020 10:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cả đoàn tàu nhập khẩu giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng từ bất cứ quốc gia/tập đoàn quốc tế nào cũng cần đáp ứng những yêu cầu an toàn toàn theo thông lệ quốc tế...

Tháng 6/2020, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Ông Nguyễn Đức Chung đã làm rõ các điều kiện để Hà Nội tiếp nhận vận hành thương mại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là dự án do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm Chủ đầu tư, Hà Nội là đơn vị thụ hưởng.

Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ chỉ tiếp nhận khi công trình đã được Bộ GTVT nghiệm thu an toàn và bàn giao. Theo quy trình nghiệm thu thì Hội đồng Nghiệm thu nhà nước nghiệm thu toàn bộ công trình này về độ an toàn, chất lượng vận hành toàn hệ thống. Sau khi nghiệm thu phải có 20 ngày chạy thử nghiệm an toàn trước khi bàn giao cho Hà Nội vận hành thương mại.

Tư vấn ACT của Pháp yêu cầu tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cấp hồ sơ quản lý chất lượng/nguồn gốc xuất xứ của đầu máy, toa xe để tiến hành đánh giá, nghiệm thu. Ảnh: Zing. 

Đại diện tổng thầu Trung Quốc cho biết đã bổ sung các hồ sơ hoàn công theo yêu cầu, dự kiến trong tháng 7/2020 các hạng mục dự án nghiệm thu xong. Sau đó, tổng thầu sẽ được thanh toán kinh phí theo quy định của hợp đồng.

Còn theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian hoàn thành dự án không chỉ phụ thuộc vào tổng thầu Trung Quốc mà còn phải được Tư vấn ACT (liên danh Apave-Certifier-Tric) của Pháp đánh giá an toàn. Để tiến hành nghiệm thu, tư vấn ACT đòi hỏi tổng thầu phải cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh lai lịch của đoàn tàu toa xe.

Dù khẳng định tất cả hồ sơ liên quan đến đoàn tàu toa xe theo tiêu chuẩn Trung Quốc đã được đáp ứng đầy đủ nhưng khi ACT yêu cầu đưa ra một số hồ sơ, tiêu chuẩn thì tổng thầu không thể đáp ứng. Lý do là vì tư vấn ACT vào thời kỳ giữa của dự án nên hồ sơ thời gian trước tư vấn yêu cầu tổng thầu không thể cung cấp đúng.

Trong đó, liên quan đến thông tin đầu máy, toa xe chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, đại diện tổng thầu khẳng định: Đầu máy toa xe dự án được đặt hàng của Công ty đường sắt Bắc Kinh đạt chất lượng ISO 9001 quốc tế. Và do không thể cung cấp một số hồ sơ để đánh giá an toàn, tổng thầu Cát Linh - Hà Đông cho biết sẽ thí nghiệm hiện trường từng thiết bị để làm căn cứ nghiệm thu dự án.

Kiểm tra bảo trì bánh xe dưới sàn trong xưởng (bảo trì đầu máy, toa xe) tại Aylesbury, Vương quốc Anh. Bánh xe được căn chỉnh, gia công đảm bảo cấu hình chính xác. 

Cần nhớ, từ cuối năm 2019 đơn vị tư vấn đánh giá an toàn dự án của Pháp chỉ rõ: “Dự án không bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng, không đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và không đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định”.

Tin tức cho thấy các bên liên quan, gồm: Chủ đầu tư, tổng thầu, đơn vị tiếp nhận dự án, Tư vấn AVT… đã rất nỗ lực khẩn trương các công tác nghiệm thu, bàn giao, tuy vậy vướng mắc do thiếu “hồ sơ quản lý chất lượng/nguồn gốc xuất xứ của đầu máy, toa xe”. Là hành khách tương lai sử dụng đoàn tầu, cá nhân tôi nhận thức đầu máy, toa xe của dự án do bất cứ công ty, tập đoàn nào cung cấp thì cũng được lắp ráp từ hàng ngàn, hàng vạn chi tiết do các nhà sản xuất chi tiết cung cấp.

Mỗi một chi tiết đều có thông tin liên quan: Xuất xứ thời gian xuất xưởng, thời hạn sử dụng an toàn; Tiêu chuẩn sản xuất, tính chất cơ lý: độ bền vật liệu, chu kỳ thay thế do suy hao/tần xuất vận hành an toàn; Một số thiết bị điện tử, tự động hóa liên quan đến an toàn vận hành, khai thác còn kèm theo các thông tin kiểm định, thí nghiệm đặc biệt...

Bảo dưỡng được lập trình theo số giờ chạy, theo thời gian hoặc theo chu kỳ theo dõi tình trạng là gần nhất. Các dữ liệu dựa trên chương trình máy tính, nhưng thể hiện trên bảng điện tử treo tường  theo thời gian thực để bảo trì tàu theo kế hoạch.

Có thể hình dung, một máy bay chở vài trăm hành khách đòi hỏi mức độ an toàn như thế nào thì đoàn tàu chở 944 hành khách mỗi chuyến, tốc độ cao có yêu cầu không thể kém hơn, hơn nữa đoàn tàu này sẽ chạy hàng chục lượt mỗi ngày, chạy quanh năm và nhiều năm thì không thể căn cứ vào thông tin của người bán hàng cung cấp, lại không thể chỉ chạy trơn tu trong 20 ngày, mà đương nhiên phải tuân thủ theo quy trình an toàn thông thường.

Mỗi một con cá con tôm, quả chuối quả vải người Việt Nam bán ra nước ngoài đều phải theo tiểu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế thì cả đoàn tàu nhập khẩu giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng từ bất cứ quốc gia/tập đoàn quốc tế nào cũng cần đáp ứng những yêu cầu an toàn toàn theo thông lệ quốc tế.

Bài viết là quan điểm cá nhân của KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết Tàu Cát Linh - Hà Đông: An toàn đo bằng 20 ngày chạy trơn tru?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.