Thứ năm, 28/03/2024 18:03 (GMT+7)

Quy hoạch đất đai và giấc mơ bay cao của nông nghiệp Việt Nam

KTS. Trần Huy Ánh -  Thứ tư, 08/07/2020 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cho đến tháng 7/2020, nhiều doanh nghiệp lớn tuyên bố nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, giấc mơ “cất cánh” cho nền kinh tế nông nghiệp Việt có vẻ đang hiện hình.

“Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có”

Đó là nhận định của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT. Ông cho rằng nông nghiệp số trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành công nghệ sinh học, công nghệ gen… nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone, từng hộ sản xuất có mọi thông tin, có thể đặt câu hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.

Diện tích đất nông nghiệp đang dần nhường chỗ cho bất động sản, khu công nghiệp. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng. 

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho biết tập đoàn này đã chọn mô hình hợp tác với đối tác OPTiM (Nhật Bản). Giải pháp là dùng máy bay không người lái nhỏ (drone) bay trên các cánh đồng chụp ảnh và chuyển về máy chủ phân tích hình ảnh. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh và sau đó chính chiếc drone này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh.

Như vậy sẽ tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu, đánh dấu và bỏ ra nơi đã phun thuốc, sản phẩm nông nghiệp sạch 100% không có thuốc trừ sâu. Nhật Bản đã áp dụng với các cánh đồng lúa mẫu lớn, không phải trồng lúa trong nhà kính tốn kém để tránh sâu bệnh… Có vẻ phù hợp với Việt Nam?!

Thế nhưng, Tập đoàn FPT đã hợp tác với Hitachi trồng cà chua và xà lách ở Gia Lâm mà không thể nhân rộng. VNPT định triển khai tại Hà Nam, nhưng vì quy mô nhỏ nên khó áp dụng mô hình theo kiểu Nhật. Hai tập đoàn cho rằng cần phải “dồn điền đổi thửa” tạo ra các cánh đồng mẫu lớn mới có thể làm nông nghiệp thông minh. Có thể hiểu là nông nghiệp Việt Nam muốn “cất cánh” thì cần nhập khẩu công nghệ, thiết bị lẫn mô hình quản trị.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp bản đồ số để quy hoạch nông nghiệp

Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long cho rằng “Làm nông nghiệp thông minh không thể thiếu bản đồ số nông nghiệp”, đây là công cụ giúp nông dân và doanh nghiệp biết được điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu... để quy hoạch cho nông nghiệp. Tuy vậy, cần đầu tư nhiều tiền và nhân lực cao cấp, trong khi nông nghiệp hiện nay thu nhập thấp nên khó thực hiện.

Bản đồ Phủ Ứng Hòa 1905 (trích) tỷ lệ 1/25.000: có đủ tên làng xóm, bờ ruộng, đường xá, sông ngòi, trồng trọt, giới hạn vùng ngập úng, chồng khít lên bản đồ cao độ mặt đất từ +0 đến +10m so với mặt biển. Bản  đồ hiện trạng sử dụng đất xã Đường Lâm năm 2005, thực hiện theo quy định của Bộ TNMT : thống kê tới 36 mã loại đất, 300 mầu  tô theo từng loại …Tỷ lệ bản đồ lớn (1/5.000) nhưng thông tin sơ sài , liệu có đủ dữ liệu để lập  quy hoạch nông nghiệp?

Từ năm 2000, Việt Nam đã đầu tư công nghệ thông tin cho ngành Địa chính – Đất đai. Toàn ngành số hóa bản đồ, tin học hóa quản lý đất đai, mua máy móc, đào tạo tin học cho cán bộ từ trung ương tới địa chính xã  phường; Chuyển đổi hệ tọa độ VN 2000 bản đồ toàn quốc để thống nhất với chuẩn đo đạc toàn cầu; Bộ Tài nguyên và môi trường đồng bộ, tích hợp hai hệ thống bản đồ: đất ở đô thị và nông thôn (do ngành Địa chính, và ngành Xây dựng quản lý), với đất nông lâm ngư nghiệp (do ngành Ruộng đất, Nông nghiệp quản lý).

Trong 20 năm (2000-2020), ngân sách cấp hàng ngàn tỷ đồng cho việc lập hồ sơ số quản lý đất đai; kiểm kê, cập nhật hàng năm và tổng kiểm kê 5 năm/lần từ xã phường, quận huyện, tỉnh thành, kết quả cuối cùng đưa về Bộ Tài nguyên và môi trường. Riêng đợt kiểm kê năm 2005 chi 256 tỷ đồng, trong đó 33 tỷ đồng tại TW, chiếm 13 %, nhiều hơn 9 lần chi phí cho một tỉnh.

Trong triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và môi trường có nhiệm vụ hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch khác, trong đó có quy hoạch nông nghiệp.

Một triệu hộ nông dân Hà Nội với viễn cảnh “nông thôn thông minh”

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư (6/2020) Bộ trưởng NN&PTNT cam kết đồng hành cùng hơn một triệu hộ nông dân Thủ đô để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nông nghiệp Thủ đô.

Định hướng quy hoạch giảm 60% diện tích đất nông nghiệp , giáo hàng chục ngàn Ha đát lập dự án BĐS vào hành lang thoát lũ , một triệu hộ nông dân còn bao nhiêu đất để phát triển nông nghiệp? 

Nhân chuyện này, tác giả bài viết đã hỏi chuyện ba hộ nông dân Hà Nội hàng ngày có mặt chợ cóc sau nhà. Cô cháu người Tây Tựu (Từ Liêm) mang những mớ rau tươi ngon, hoa quả mùa nào thức ấy mà không thuốc trừ sâu, hóa chất… ấy là vì cô đến từng thửa ruộng, biết từng người trồng: “Trong làng nhà ai bón thuốc cháu biết, buôn từ nơi khác về cháu biết. Cháu mà mang những thứ độc hại về chợ này bán cho ai? Bà con mua rau của cháu hơn hai chục năm rồi”.

Cô cháu từ Mê Linh sang mang theo những bông hoa ly 5 nhánh tròn trịa, cúc, hồng rực rỡ: “Hoa trồng bằng hạt giống Hà Lan đấy ạ, trồng hạt nào ăn chắc hạt ấy mà đẹp nên bán chạy. Quê cháu có cả kho lạnh to bằng xưởng may để cất cành, bông, hạt giống hoa, rau nhập khẩu”.

Vợ chồng hàng thịt cá chạy từ Thường Tín lên phố: “Nhà cháu mua cả đàn, mấy chục con lợn từ trong Tết, nên vẫn giữ giá thấp. Mổ con lợn chỉ bán một phần, nhiều món trên phố không ăn phải xay làm giò chả, xúc xích giao siêu thị. Chân giò từ lò mổ Cầu Diễn có nhiều nhưng trên phố ăn ít, cháu đem về quê cháu bán chạy.

Có tin ta nhập khẩu thịt từ Nga, Thái nhưng thịt lợn ta tươi ngon mà còn bán chậm, cháu bớt đi hai phần, thay bằng thứ khác. Khách hỏi sao nhà cháu bán đắt hơn giá trên TV, thì có mua được thịt trên đó đâu để bán rẻ. Cháu đang giao hàng đặt qua mạng để tăng khách đấy ạ”. 

Các ông bà nông dân chạy chợ có chung một ý: “Ruộng làng cháu giờ không biết thế nào? Nay bảo mở đường, mai lại nhà máy, đô thị về lấy đất. Nước sông hồ giờ ô nhiễm nặng, nuôi cá mà chết cả bè là sạt nghiệp… làm nông bấp bênh lắm. Chỉ mong Nhà nước giao đất ruộng ổn định vài chục năm, có đủ nước sạch, chúng cháu đào ao thả cá, nuôi lợn gà, trồng rau, hoa quanh năm thì đỡ vất vả”.

Đối mặt với thiên tai, dịch bệnh lại thiếu vốn, kỹ thuật cao, thông tin thị trường, vậy mà nông nghiệp Việt Nam vượt qua thiếu đói lại còn xuất khẩu lúa gạo, hoa quả cá tôm… ấy là nhờ thông minh tuyệt đỉnh và nỗ lực phi thường của bà con nông dân.

Chỉ cần được giao đất làm nông lâu dài cho nông dân giống như giao đất cho doanh nghiệp làm khu công nghiệp, bất động sản. Đất làm nông phải có đủ nước sạch, bà con ta tự biết chọn cây con nuôi trồng, tậu máy mua thuốc để làm ra nông sản chất lượng cao, hiệu quả tốt …

Thông minh chưa chắc, nhưng nông nghiệp bình thường mà bền vững thì đã rõ.

 KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch đất đai và giấc mơ bay cao của nông nghiệp Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.