Thứ năm, 18/04/2024 23:52 (GMT+7)

Nhiều khu đô thị quanh đại lộ Thăng Long “cứ mưa là ngập”

MTĐT -  Thứ ba, 31/07/2018 10:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bỏ ra hàng tỷ đồng để mua nhà, nhưng khi chuyển về ở, không ít người lại sợ hãi bởi vừa bước vào mùa mưa, nhiều khu vực ở đại lộ Thăng Long (Hà Nội) trở thành điểm đen về ngập úng.

Đặc biệt nút giao đại lộ Thăng Long và Lê Trọng Tấn là nơi dễ bị ngập sâu. Chỉ cách đây ít ngày, “điểm đen” này bị ngập nhiều ngày, gây thiệt hại lớn về tài sản, đảo lộn cuộc sống của người dân, giao thông tê liệt…

Mưa to là thấp thỏm

Mới chuyển về ở từ tháng 4-2018, nhưng anh Nguyễn Văn Hoàng ở tầng 29 tòa nhà Sông Đà Hoàng Long dự án The Golden An Khánh đã chứng kiến không ít lần khu vực này bị ngập úng. Chia sẻ về đợt ngập nặng sau trận mưa lớn kéo dài ngày 21-7 vừa qua, anh Hoàng chỉ biết lắc đầu “khoe” về cái “rốn ngập” mà gia đình mình đang ở.

Đường gom khu vực đại lộ Thăng Long cứ mưa to là ngập nặng.

Anh Hoàng cho biết, có những điểm ngập sâu đến ngang thân ôtô. Ôtô, xe máy cứ đi vào là chết máy. “Sáng ngày ra vợ chồng tôi đi làm cho con lên yên xe, sau đó bì bõm dắt qua chỗ ngập. Ra đến đại lộ Thăng Long thì tiếp tục đi trên vỉa hè vì dưới lòng đường đại lộ nước cũng lênh láng. Cũng may xe máy không nổ dắt qua vẫn đi được. Cứ ra khỏi nhà là phải mang theo quần áo để đến chỗ làm thay, con cái đi học cũng khổ sở. Hôm nào đi làm về thấy trời có dấu hiệu mưa to là lại sợ ngập”, anh Hoàng chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, anh Trần Quang Hòa (ở khu đô thị Geleximco trên đường Lê Trọng Tấn) ngán ngẩm cho biết, khu vực này có mưa to là khu đô thị lại chìm trong biển nước. Ngập nặng nhất là đợt mưa ngày 21- 7.

"Khu nhà tôi bị cô lập trong nước lũ. Các tuyến đường nội bộ của khu đô thị này đều ngập sâu ở mức từ 30-60cm khiến giao thông tê liệt. Người dân không thể di chuyển, tầng hầm ngập sâu trong nước", anh Hòa nói. Nhiều người dân phải đắp bao cát để ngăn nước vào và sơ tán hàng hóa, nước vẫn dâng cao tràn đầy tầng hầm. Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại khá lớn do để xe máy, hàng hóa ở tầng hầm.

Mới chỉ chuyển về khu đô thị Nam An Khánh được hơn 1 năm nhưng gia đình anh Vũ Dũng Kiên đã phải tính tới phương án bán nhà đi nơi khác. Anh Kiên cho hay, vợ chồng anh bỏ ra gần 10 tỷ đồng để mua một biệt thự liền kề ở đây. Lúc mua được giới thiệu là hạ tầng tốt nhất có thể và có không gian sống trong lành, yên ả. Thế nhưng về ở đây gặp cảnh ngập úng thì hoàn toàn chán nản.

“Cứ mưa to là đường sá biến thành sông, kể cả các đường nội bộ. Ôtô đi không được, xe máy có chỗ phải xuống dắt qua vì nước đến thắt lưng. Ở thế này thì quá khổ, bỏ ra cả đống tiền mà lúc nào cũng thấp thỏm nắng mưa. Chẳng lẽ cứ sống mãi thế này”, anh Kiên bức xúc.

Phá vỡ quy hoạch

Người dân sống tại các dự án hai bên đại lộ Thăng Long đang quen dần với việc gọi đại lộ này là “con đường đau khổ” bởi tình trạng cứ mưa là ngập úng ở đây. Tuy vậy lật lại hồ sơ về dự án này, có thể thấy rõ tình trạng này đã được dự báo bởi hàng loạt những sai phạm.

Cuối năm 2010, liên quan đến đại lộ Thăng Long, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận có nhiều sai phạm, khuyết điểm của chủ đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án là Vinaconex và một số cơ quan, đơn vị liên quan. Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ khâu lập, thẩm định và trình duyệt thiết kế, tổng mức đầu tư dự án, kết quả thanh tra cho thấy, chất lượng công tác lập tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán chưa cao, có nhiều sai sót.

Trong khi đó, công tác thẩm tra, thẩm định, trình duyệt chưa chặt chẽ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai dự án. Về thiết kế, theo Quyết định 2013/QĐ ban hành năm 2003 của Bộ trưởng Giao thông vận tải thì chiều rộng nền đường dự án tối thiểu là 140m. Nhưng thực tế, chiều rộng nền đường tối đa chỉ còn 134m, hụt mất 6m (trừ đoạn xả lũ sông Đáy). Một số khu đô thị (trong đó có khu được bàn giao quỹ đất sai đối tượng khi triển khai dự án), khu công nghiệp dọc hai bên tuyến đường tiến hành san lấp mặt bằng cao hơn cao độ theo quy hoạch được duyệt, không có đường gom nội bộ mà lại kết nối trực tiếp với đường gom thuộc tuyến đại lộ Thăng Long.

Thiết kế cao độ đường gom và hệ thống thoát nước hai bên tuyến đường thực tế không đúng quy định. Cao độ đường gom không được lấy theo cao độ san nền khu vực tuyến đường đi qua. Có 25km cao độ đường gom thấp hơn cao độ nền xây dựng hai bên đại lộ Thăng Long từ 0,5 - 1,5m.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ cách thiết kế các hạng mục này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, gây mất an toàn giao thông khi tuyến đường đi vào khai thác. Tuy nhiên, có một thực tế là từ thời điểm kết luận của Thanh tra Chính phủ được đưa ra tới nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có các phương án khắc phục.

Trao đổi với PV, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc khu vực đại lộ Thăng Long mưa to là ngập đúng như kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đây. Thời gian qua, khu vực này là khu vực phát triển khá nóng với hàng loạt dự án các khu đô thị, khu chung cư được triển khai đưa vào hoạt động. Thế nhưng có một thực tế là hệ thống hạ tầng, hệ thống thoát nước mạnh ai nấy làm.

“Đa số các dự án cốt cao hơn rất nhiều so với đường gom của đại lộ Thăng Long, nhưng khi hoàn thành dự án cứ kết nối thẳng để tận dụng hệ thống đường gom này, do đó cứ mưa là nước lại dồn vào hệ thống đường gom này thì ngập úng là đương nhiên. Tuy nhiên, để không gây ra tình trạng ngập úng thì phải có hồ điều hòa. Cả một khu vực lớn với hàng loạt dự án mà không có hồ điều hòa thì rất khó để giải quyết bài toán gây ngập”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm nói thêm, chúng ta đã nói nhiều đến nguyên nhân nhưng chưa có giải pháp. Hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo, tuy nhiên còn chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bị bê tông hóa cao. Do vậy đôi khi hệ thống thoát nước bị quá tải.

Mặt khác, việc sinh hoạt, tổ chức sản xuất, kinh doanh làm tăng nhu cầu nước thải xả ra các cống. Hiện tượng xả rác của người dân còn chưa được ngăn chặn triệt để. Nhiều người dân có thói quen xả rác, quét lá cây khiến cống bị tắc, khi có mưa thì rác nổi lềnh phềnh.

Theo CAND

Bạn đang đọc bài viết Nhiều khu đô thị quanh đại lộ Thăng Long “cứ mưa là ngập”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.