Thứ sáu, 26/04/2024 17:39 (GMT+7)

Người dân Hà Nội bày tỏ lo ngại về chất lượng công trình ga ngầm C9

Ngọc Anh -  Thứ ba, 13/03/2018 05:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau bản vẽ phối cảnh chi tiết về tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo­ được trưng bày ngày 9/3, nhiều người đã bày tỏ lo ngại về chất lượng công trình...

Được biết, Ga ngầm C9 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2. Phương án quy hoạch chỉ rõ ga C9 sẽ được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Hoàn Kiếm.

Thông tin và bản vẽ chi tiết được trưng bày từ ngày 9/3 – 31/3 tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm để lấy ý kiến người dân.

Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, chiều sâu 17,45m, có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân Ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m. 

Ga ngầm C9 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2.

 Ga có bốn cửa lên xuống, gồm cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu.

Ngay sau khi thông tin được chia sẻ và lấy ý kiến của người dân Thủ đô thì có nhiều luồng dư luận đưa ra. Người thì phấn khởi trước thông tin cũng không ít người con Thủ đô tỏ ra e ngại trước dự án này. Vì sao lại có những ý kiến trái chiều như vậy? PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã vào cuộc tìm hiểu.

Chia sẻ với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, anh Đinh Minh Tâm, trú tại quận Hai Bà Trưng nói: “Tôi ủng hộ phương án xây dựng tàu địa ngầm, nó sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề ách tắc giao thông đang còn tồn tại ở Hà Nội, về lâu dài đất nước mình có cơ hội phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới nhiều hơn”.

Vào những ngày cuối tuần có hàng vạn người tới hồ Gươm giải trí.

 Là học sinh đang học lớp 11 trường Phạm Hồng Thái, em Nguyễn Tiến Đức cho biết: “Em nghĩ nó sẽ mang nhiều tiện ích đến cho người dân Thủ đô  như là về buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là khi có tàu địa ngầm chúng em đi học dễ dàng hơn và đương nhiên sẽ không phải lo tắc đường!”.

Ông Tô Đình Thắng, 66 tuổi, người dân sống tại quận Hoàn Kiếm phấn khởi ủng hộ: “Để là một thành phố văn minh nên có những công trình hiện đại như tàu địa ngầm. Tôi đi Châu Âu hoặc sang Trung Quốc thôi, thấy người ta đi tài địa ngầm tương đối đông, nhìn thấy thành phố vắng người cảm thấy dễ chịu hơn”.

Gắn bó với Hà Nội từ khi chào đời, do đó anh Đinh Minh Tâm bày tỏ nhiều băn khoăn: “Tuy nhiên, chúng ta nên cân nhắc về đường lên xuống trong khu nội đô, có thể dịch chuyển những cửa đó ra xa các khu phố Cổ, vì trung tâm phố Cổ là nơi giao lưu văn hóa của nhiều nước. Bởi vậy, việc cân nhắc đặt các cửa sao cho phù hợp với khung cảnh của Hà Nội, tránh phá vỡ các vấn đề về lịch sử, văn hóa của Hà Nội".

Lo ngại về chất lượng công trình bà Đỗ Thị Thảo, người dân sống tại quận Hai Bà Trưng, thường xuyên tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ nhưng vấn đề là có làm được để cho nhân dân hưởng hay không mới là điều quan trọng? Tôi đi rất nhiều nước như Singapore, Malaysia người ta cũng phát triển cái này ghê lắm. Chỉ sợ rằng công trình không được hoàn hảo và nhất là việc xây dựng của mình tôi vẫn chưa tin tưởng lắm!”.

Rõ ràng, kế hoạch xây dựng tàu địa ngầm được phần lớn người dân ủng hộ và tán thành. Tuy nhiên, chất lượng và tiến độ công trình có được đảm bảo như cam kết hay không lại là một câu chuyện khác.

Bạn đang đọc bài viết Người dân Hà Nội bày tỏ lo ngại về chất lượng công trình ga ngầm C9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới