Thứ bảy, 20/04/2024 10:44 (GMT+7)

Mời nước ngoài phá dỡ tòa 8B Lê Trực: Dân còn phải chờ đến bao giờ?

MTĐT -  Thứ ba, 18/02/2020 11:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, thừa nhận chưa biết khi nào xử lý xong công trình vi phạm trật tự xây dựng này.

Dân vẫn mòi mỏi chờ đợi

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tuấn, 61 tuổi, người mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực buồn bã cho biết, ký hợp đồng mua nhà khi còn đang công tác mong về già có chỗ ở ổn định dưỡng già nhưng đến nay, đã nghỉ hưu gần 1 năm, vẫn chưa biết khi nào được nhận nhà. Suốt mấy năm qua, gia đình 2 thế hệ của ông trước đây giờ đã thành “tam đại đồng đường” trong ngôi nhà tập thể vỏn vẹn hơn 50 m2, sinh hoạt rất bất tiện.

Theo ông Tuấn, thời gian đầu công trình 8B Lê Trực mới bị xử lý cưỡng chế tầng 19 và tum thang, ông Tuấn cũng như nhiều người mua nhà khác còn kiên nhẫn chờ đợi. Những tưởng cơ quan chức năng của TP.Hà Nội sẽ nhanh chóng kết thúc xử lý sai phạm để chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện, giao nhà. Nhưng càng chờ, càng thấy vô vọng, quá sốt ruột với tiến độ xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cơ quan chức năng TP.Hà Nội tại công trình 8B Lê Trực, ông Tuấn cùng nhiều người khác đã không ít lần căng băng rôn kêu cứu, đội đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng.

Mới đây nhất là gửi đơn kiến nghị, kêu cứu lên tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, tương lai ngày nhận nhà tại 8B Lê Trực vẫn mịt mờ với hàng chục người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực.

Công trình sai phạm 8B Lê Trực.

“Nguyện vọng của những người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực là chúng tôi chỉ muốn nhận được căn hộ mình đã dồn tiền chi trả, số tiền không hề ít, hàng tỉ đồng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được bàn giao. Nguyên nhân chưa được bàn giao là cơ quan chức năng của Hà Nội kiểm tra, kết luận công trình có vi phạm trật tự xây dựng, cần xử lý xong phần sai phạm trước khi chủ đầu tư thi công tiếp để bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà từ năm 2015 đến nay, TP.Hà Nội chỉ mới cưỡng chế phá dỡ được tầng 19 và tầng tum thang của công trình, gọi là giai đoạn 1 từ cuối năm 2016. Giai đoạn 2, Hà Nội yêu cầu phá dỡ tầng 17 và tầng 18 của tòa 8B Lê Trực vi phạm chiều cao theo giấy phép xây dựng, nhưng hơn 3 năm qua, tiến độ cưỡng chế xử lý vi phạm vẫn dậm chân tại chỗ. Như vậy, làm sao không nghi ngờ năng lực cán bộ chuyên môn cũng như đặt nghi vấn về sự tắc trách của các cấp lãnh đạo quận Ba Đình, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP.Hà Nội?”, ông Tuấn nói.

Nhiều người mua nhà cũng bày tỏ nỗi bức xúc khi trong gần 5 năm qua, Thủ tướng 6 lần chỉ đạo TP.Hà Nội phải xử lý xong vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực, dù vậy, tiến độ xử lý vi phạm vẫn trì trệ, bế tắc.

Vì sao chưa xác định thời gian phá dỡ?

Trong buổi họp báo ngày 12/2, liên quan đến việc xử lý vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, hiện nay chưa tìm được đơn vị tư vấn thiết kế, phá dỡ, việc thiết kế phá dỡ này rất khó khăn vì cần đảm bảo an toàn cho công trình hiện tại và sau này. Hiện chưa có đơn vị đủ năng lực, nên chỉ làm công việc chuẩn bị, còn khi nào tìm được sẽ thông tin đến báo chí sau.

Vị lãnh đạo quận Ba Đình cho biết thêm, đang tích cực tìm đơn vị tư vấn, phá dỡ, thậm chí đã xin ý kiến thành phố về việc đi thuê đơn vị tư vấn nước ngoài, khi các phương án phá dỡ được phê duyệt, việc phá dỡ sẽ mất khoảng 1 đến 2 tháng.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam khẳng định, không nên lấy lý do này làm cái cớ để kéo dài thời gian xử lý vi phạm. Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận việc tháo dỡ công trình 8B Lê Trực mà không cần tới sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài.

KTS nêu rõ, những sai phạm tại công trình 8B Lê Trực rất rõ ràng. Ở đây không chỉ là vấn đề về kinh tế, lợi ích mà còn là câu chuyện về an ninh, pháp luật. Tòa 8B Lê Trực bắt buộc phải "cắt ngọn", kiên quyết xử lý vi phạm, không thể tiếp tục kéo dài thời gian.

Về vấn đề năng lực của các doanh nghiệp tham gia phá dỡ, vị KTS nhấn mạnh phải được xem xét từ cả phía chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chứ không phụ thuộc vào riêng ý kiến, quan điểm hay lựa chọn của chủ đầu tư.

Ông khẳng định, có rất nhiều công trình phá dỡ phức tạp, khó khăn hơn tòa 8B Lê Trực mà các doanh nghiệp trong nước vẫn làm được và không cần nhờ tới sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài.

"Hà Nội không nên kêu khó, lấy lý do phải tìm kiếm đơn vị phá dỡ từ nước ngoài để cố tình kéo dài thời gian, lùi, hoãn thời gian phá dỡ thêm nữa.

Trong mọi giải pháp đều có thể bảo đảm an toàn cho công trình, chỉ cần các cơ quan chức năng quyết tâm làm. Trường hợp, sau khi phá dỡ còn có những yếu tố rủi ro các đơn vị thi công sẽ thực hiện gia cố thêm để bảo đảm cho công trình", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói rõ.

Một nút thắt quan trọng được vị KTS đề cập chính là quyền lợi của người mua nhà liên quan tới việc cấp phép của các cơ quan chức năng.

KTS Đào Ngọc Nghiêm nhắc lại những phản ứng ầm ĩ liên quan tới việc cấp phép về chiều cao, số tầng và tiếp tục khẳng định yêu cầu phải đáp ứng được tổng hòa các yếu tố trên.

Riêng về chiều cao của từng tầng sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được quy định theo luật định. Không thể lấy lý do, số tầng vượt nhưng chiều cao tòa không vượt hay ngược lại, đó là lý do không thuyết phục.

Mặc dù người mua nhà khi khẳng định mua theo giấy phép xây dựng nhưng KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc này cũng cần phải xem lại. Theo đó, cần phải xem xét lại cả trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quá trình cấp giấy phép xây dựng cho công trình 8B Lê Trực, làm rõ công trình có thuộc diện cấp giấy phép xây dựng không, giấy phép xây dựng cấp có đúng không?

Sẽ xảy ra tình huống, nếu giấy phép xây dựng sai, cần hủy bỏ để cấp lại không? Như vậy, phải xác định ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc cấp giấy phép này?

"Cần nhấn mạnh rằng, tòa nhà sai phạm về chiều cao, diện tích, là phải xử lý, không có chuyện nhôi nhai cho tồn tại. Không thể chấp nhận chuyện đó.

Nên nhớ, xử lý sai phạm của tòa nhà không chỉ để bảo đảm về quy hoạch, kết cấu mà còn phải đảm bảo cả tính pháp lý nữa.

Còn mối quan hệ mua bán giữa chủ đầu tư và người dân sẽ căn theo việc xử lý trách nhiệm liên quan tới việc cấp phép cho dự án này. Đó là mối quan hệ khác, sẽ được xử lý sau khi xử lý sai phạm của tòa nhà.

Xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch, làm sai quy hoạch là phải xử lý. Còn ai cấp phép, cấp phép đúng hay sai sẽ phải bị xử lý và phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của mình", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói rõ.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Mời nước ngoài phá dỡ tòa 8B Lê Trực: Dân còn phải chờ đến bao giờ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ