Thứ sáu, 26/04/2024 07:34 (GMT+7)

Kè hồ Hoàn Kiếm bằng bê tông cỡ lớn: Không cẩn thận sẽ phá nát bờ hồ

MTĐT -  Thứ ba, 19/11/2019 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu quận Hoàn Kiếm sớm tổ chức đấu thầu dự án chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm.

Đáng chú ý, người đứng đầu TP. Hà Nội cho biết: "Sau 2 năm nghiên cứu, thành phố sẽ dùng công nghệ mới đó là dùng những khối bê tông nặng 2 tấn để kè xung quanh hồ", ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, mỗi khối bê tông dài khoảng 1m, được đặt thẳng xuống bờ hồ mà không phải dịch chuyển hay đào bới bất cứ thứ gì.

“Tôi tin khi kè xong bờ hồ bằng những khối bê tông này, kết hợp với trang trí ánh sáng, hồ Hoàn Kiếm sẽ rất đẹp”, ông Chung nói thêm.

Bờ hồ Hoàn Kiếm đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Internet.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Đất Việt, KTS Ngô Doãn Đức lo ngại những giải pháp mang tính manh mún, không khoa học thể sẽ phá nát hồ Hoàn Kiếm.

Ông cho hay, việc chỉnh trang, cải tạo hồ Hoàn Kiếm cần sớm được tiến hành, song phải cẩn thận, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, cũng như các mạch nước ngầm.

Ông cho rằng, việc cải tạo, chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm phải được nghiên cứu tổng thể, bền vững, không thể hôm nay mang một khối bê tông thả xuống hồ rồi ngày mai thấy không phù hợp thì lại trục vớt nó lên và vứt thứ khác xuống được.

Vị KTS cũng lưu ý, mối quan tâm với hồ Hoàn Kiếm là rất đặc biệt, do đây không chỉ là di tích quốc gia mà còn có vị trí rất nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng về văn hóa, lịch sử, do đó, phải thận trọng.

Do đó, vị KTS cho rằng, nếu Hà Nội muốn đưa những khối bê tông nặng 2 tấn, dài 1m xuống hồ Hoàn Kiếm thì cần phải đưa ra lấy ý kiến công khai để các chuyên gia, nhà khoa học góp thêm ý kiến.

"Liệu đây đã là giải pháp tốt nhất chưa? Liệu còn giải pháp nào tốt hơn không? Cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là với các chuyên gia về quy hoạch, chống sạt nở, để có giải pháp toàn diện", KTS Ngô Doãn Đức góp ý.

Vẫn theo vị KTS này, việc Hà Nội lấy lý do công nghệ trên đã thí điểm ở hồ Trúc Bạch thấy ổn và muốn áp dụng vào hồ Hoàn Kiếm là chưa thuyết phục. Vị trí của hồ Trúc Bạch với hồ Hoàn Kiếm khác nhau hoàn toàn, kể cả về quy mô, tính chất lịch sử... do đó, không thể tự tin khẳng định vì mô hình này tốt ở hồ Trúc Bạch thì sẽ phù hợp với hồ Hoàn Kiếm được.

Vị KTS cũng lo ngại, việc đưa những khối bê tông nặng như vậy xuống hồ có thể sẽ có những tác động mạnh, gây ảnh hưởng tới sự ổn định bền vững của hồ.

"Việc công khai lấy ý kiến chỉ giúp cho Hà Nội có được giải pháp tốt hơn, khả thi hơn, hiệu quả hơn vì thế, đây là chủ trương chung, là tốt thì Hà Nội không nên thực hiện kiểu "đánh du kích", "đánh trận" như vậy, rất khó hiểu", KTS Ngô Doãn Đức nói thêm.

Bờ hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu. Ngoài việc gây mất mỹ quan cho một điểm du lịch nổi tiếng, tình trạng xuống cấp còn gây nguy hiểm cho người dân và khách tham quan.

Nhiều người cho rằng việc nạo vét, hút bùn lòng hồ là nguyên nhân khiến phần bờ kè bị sụt và sạt lở.

Trước đó, năm 2018, UBND quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch thay thế hơn 20 loại gạch, đá xung quanh Hồ Gươm bằng đá tự nhiên granite dầy 10cm, có nguồn gốc từ Bình Định.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, nhiều năm qua hạ tầng quanh hồ Gươm không được đầu tư đồng bộ đã xuống cấp. Sau nhiều đợt sửa chữa, hiện vỉa hè quanh hồ Gươm có hơn 20 loại gạch đá lát khác nhau dẫn tới thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Kè hồ Hoàn Kiếm bằng bê tông cỡ lớn: Không cẩn thận sẽ phá nát bờ hồ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.