Thứ năm, 28/03/2024 17:17 (GMT+7)

Hà Nội yêu cầu xử lý nhà 63 căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới

MTĐT -  Thứ ba, 07/05/2019 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với 63 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh mới trên địa bàn UBND các quận, huyện. Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu, cần khẩn trương xử lý dứt điểm.

Trước tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ồ ạt "mọc" lên gây mất mỹ quan đô thị khi thực hiện mở đường theo quy hoạch trên địa bàn Thủ đô, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi thực hiện mở đường theo quy hoạch.

Theo TTXVN, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn có dự án đường quy hoạch đi qua chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo”; kiên quyết thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND và Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh các trường hợp công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường.

Các địa phương phải chỉ đạo UBND các phường, xã, đội quản lý trật tự xây dựng và các đơn vị phòng ban chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, xử lý kiên quyết vi phạm; xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng mà không được xử lý theo Chỉ thị số 20/CT-UBND.

Cũng theo chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, đối với trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn đọng cũ trước năm 2005, UBND các quận xây dựng lộ trình xử lý và cam kết tiến độ thực hiện.

Theo thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 120 nhà không đủ điều kiện về mặt bằng. Ảnh: Internet.

Mặc khác, UBND các quận tiếp tục vận động hợp thửa, hợp khối các trường hợp giữ nguyên trạng chỉnh trang để từng bước xóa bỏ công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Đối với 63 trường hợp phát sinh mới trên địa bàn UBND các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai cần khẩn trương xử lý dứt điểm, thực hiện thu hồi sau khi hết thời gian hợp thửa hợp khối (30 ngày).

Theo thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 120 nhà không đủ điều kiện về mặt bằng, hay còn gọi là nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng nhà mỏng, méo, dị dạng còn lớn hơn nhiều.

Để phát triển thành một đô thị hiện đại, Hà Nội đang tiếp tục cải tạo và mở rộng thêm nhiều tuyến đường. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều nhà mỏng, méo tiếp tục mọc lên, làm mất mĩ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân ở trong những ngôi nhà này.

Mới đây nhất là liên quan đến dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cắt xén các công trình nằm trong chỉ giới và thi công mở rộng đường theo quy hoạch. Đến nay, thành phố đã đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 796 hộ gia đình, 55 cơ quan và đã bố trí 609 căn hộ chung cư tái định cư.

Theo UBND quận Bắc Từ Liêm, sau cắt xén giải phóng mặt bằng, qua rà soát, có 71 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Trong đó, phường Cổ Nhuế 1 có 29 trường hợp, phường Cổ Nhuế 2 có 35 trường hợp, phường Xuân Đỉnh có 7 trường hợp. Theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND ngày 6/5/2011 của UBND TP Hà Nội, các trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông có diện tích dưới 15m2 và có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m, cần được xử lý.

Những căn nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội không còn là chuyện lạ, trước đó, dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4 km vừa hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng cũng vướng tình trạng này khi tuyến phố Võ Chí Công đã xuất hiện một số căn nhà méo mó.

Từng trao đổi với vov về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, Luật thủ đô 2013 đã có quy định, ra cơ chế đặc thù cho Hà Nội khi cải tạo hoặc mở rộng các tuyến đường thì được phép tính toán rộng ra 2 bên. Rộng đến đâu là do HĐND thành phố quyết định. Đất giải phóng mặt bằng theo ranh giới được Hội đồng nhân dân duyệt tính theo giá chung. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế và thiếu nguồn lực nên việc giải tỏa, đền bù vẫn chỉ trong giới hạn khuôn khổ diện tích đường và vỉa hè.

“Vấn đề đặt ra là thu hồi đất để làm gì? Để làm những trạm chờ xe buýt, cây xanh vườn hoa, để làm những bảng thông báo ý nghĩa giá trị lịch sử… nhưng chúng ta không làm được. Việc tổ chức hợp khối các nhà nhỏ lẻ xung quanh, nhưng họ không hợp tác mà họ cứ xây dựng theo cá nhân. Hiện nay, Hà Nội rất lúng túng trong việc này, chung quy lại vẫn là nguồn lực và cơ chế pháp lý”, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội yêu cầu xử lý nhà 63 căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.