Thứ tư, 24/04/2024 20:34 (GMT+7)

Hà Nội tìm phương án cấp nước cho hồ điều hòa Thanh Xuân

MTĐT -  Thứ sáu, 14/06/2019 15:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để giải cứu hồ điều hòa Thanh Xuân khỏi tình trạng cạn nước, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết sẽ trình Thành phố xin chủ trương khoan thăm dò để cấp bổ sung nguồn nước cho hồ.

Theo báo Tiền Phong, UBND quận Thanh Xuân vừa có văn bản báo cáo TP. Hà Nội liên quan đến thông tin báo điện tử Tiền phong phản ánh về tình trạng ô nhiễm, cỏ dại mọc, nước hồ cạn tại Công viên 300 tỷ đồng.

Ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, công tác thực hiện duy trì vệ sinh hồ nước và vận hành trạm bơm điều hòa nước hồ trong công viên Thanh Xuân do Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội - Xí nghiệp thoát nước số 6 thực hiện theo hình thức đặt hàng theo đơn giá quy định hiện hành.

Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về việc ô nhiễm nước hồ và công tác vệ sinh môi trường hồ nước trong Công viên Thanh Xuân, quận  này đã họp kiểm điểm phê bình tập thể, cá nhân có liên quan và yêu cầu các đơn vị dọn vệ sinh sạch sẽ lòng hồ.

“Đến ngày 6/6, toàn bộ lòng hồ đã được dọn vệ sinh sạch sẽ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân  đã bàn giao mặt bằng sạch cho Xí nghiệp thoát nước số 6 tiếp tục duy trì hồ điều hòa”, văn bản báo cáo nêu rõ.

Theo đó, để bổ sung mực nước hồ, theo ông Thái, quận Thanh Xuân đã chủ động phối hợp với Sở TN&MT thống nhất và trình Thành phố xin chủ trương khoan thăm dò để cấp bổ sung nguồn nước cho hồ điều hòa tại Công viên Thanh Xuân.

Nắng nóng khiến mực nước tại hồ điều hòa bị cạn. Ảnh: Tiền phong.

“Ngày 7/6, Thành phố đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về việc thăm dò khoan giếng để cấp bổ sung nước cho Công viên Thanh Xuân và yêu cầu các Sở ngành rà soát báo cáo lại Thành phố. Sau khi được UBND Thành phố chấp thuận, quận Thanh Xuân sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay để đảm bảo mực nước hồ điều hòa”, vị này thông tin.

Công viên Thanh Xuân nằm trên địa bàn 2 quận Cầu Giấy và Thanh Xuân. Công trình có diện tích đất rộng hơn 13 ha, tổng vốn hơn 298,7 tỷ đồng với nguồn đầu tư từ ngân sách.

Công viên được xây dựng và chia thành 2 khu chức năng gồm hồ điều hòa diện tích khoảng 8 ha và phần hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, đường dạo 5,23 ha. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ như quảng trường phục vụ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, lễ hội, thể thao ngoài trời, nhà thuyền, bến tàu….

Nơi đây được xây dựng với kỳ vọng tạo nên một không gian xanh, với diện tích rộng lớn và trở thành “lá phổi” của cả khu vực.

Mặc dù mới đưa vào hoạt động gần 1 năm nay nhưng hồ điều hòa này luôn trong tình trạng ô nhiễm. Những ngày qua, do nắng nóng kéo dài, nước trong hồ bị cạn trơ đáy, lộ ra nhiều bèo và rác thải.

Người dân cho biết gần một năm từ khi khánh thành, hồ điều hòa Nhân Chính không được nạo vét và vệ sinh nên ô nhiễm. Rác thải gồm túi nylon, xốp, bát hương… nổi đầy mặt nước làm ảnh hưởng đến cảnh quan của công viên.

Mới đây, trao đổi với báo Kinh tế đô thị, ông Lê Hồng Thắng – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, đối với công tác duy trì vệ sinh môi trường (thu gom rác trên đường dạo và thảm cỏ) trong phạm vi công viên, Ban Quản lý dự án ký hợp đồng với HTX Thành Công. Đối với việc duy trì đảm bảo nước hồ điều hòa, Ban Quản lý dự án đặt hàng Xí nghiệp Thoát nước số 6 - Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là đơn vị được UBND TP giao quản lý thoát nước trên địa bàn TP để quản lý, duy tu, duy trì vệ sinh môi trường, duy trì mực nước hồ điều hòa.

Sau một thời gian đưa vào sử dụng, hồ nước tại Công viên Thanh Xuân nước có màu rêu, cây bụi mọc tại một số vị trí cạn nước, mực nước hồ chỉ khoảng 1,2m. UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án và Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - Xí nghiệp Thoát nước số 6 tổ chức kiểm tra, có phương án xử lý, dọn vệ sinh sạch sẽ toàn bộ lòng hồ điều hoà, đã hoàn thành trong ngày 6/6.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội tìm phương án cấp nước cho hồ điều hòa Thanh Xuân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.