Thứ sáu, 19/04/2024 02:11 (GMT+7)

“Hà Nội phải có trách nhiệm với các dự án bãi đỗ xe ngầm dở dang”

Cẩm Anh -  Thứ năm, 04/04/2019 15:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội hiện có nhiều dự án bãi đỗ xe triển khai kiểu “rùa bò", đất dự án bị doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, thu lợi bất chính chưa được xử lý, thế nhưng nhiều dự án mới vẫn tiếp tục được đề xuất.

Nhiều dự án đắp chiều, dự án mới vẫn được đề xuất nghiên cứu

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy. Dự án có tổng mức dự kiến đầu tư 565 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và huy động hợp pháp của doanh nghiệp để triển khai.

Dự kiến xây dựng 3 tầng hầm, trong đó tầng hầm 1 bố trí chức năng thương mại, dịch vụ. Tầng hầm 2 và 3 bố trí làm nơi đỗ xe. Ngoài ra, trên ô đất còn có khối công trình nổi cao khoảng 9m với diện tích xây dựng 725m2.

Dự án dù mới chỉ đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư, thế nhưng đã vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt từ phía người dân. Trong khi đó, Hà Nội hiện có nhiều dự án bãi đỗ xe triển khai kiểu “rùa bò", đất dự án bị doanh nghiệp sử dụng sai mục đích để thu lợi bất chính mà vẫn chưa được xử lý thì nhiều dự án mới tiếp tục được nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu.

Công viên Cầu Giấy. 

Hàng loạt 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại: Công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) đều chưa được khởi công…

Lại nói về Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ, ngoài dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy đang được lấy ý kiến cư dân, công ty này còn là chủ đầu tư Dự án bãi đỗ xe ngầm phía dưới khuôn viên đất Công viên cây xanh thể thao (thuộc khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tổng kinh phí của dự án này là 300 tỷ đồng.

Thông báo số 269/TB-UBND ngày 19/3/2018, UBND Thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương giao Công ty Tây Hồ nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư xây dựng 05 bãi đỗ xe ngầm.

Điều đặc biệt là dù nắm trong tay loạt dự án “khủng” nhưng Công ty Tây Hồ chỉ có tổng vốn điều lệ 255 tỷ đồng. Đáng lưu ý, số lượng lao động mà công ty đăng ký chỉ vỏn vẹn 5 người. Trong đó, ông Chu Văn Lý là Chủ tịch HĐQT và ông Lê Quang Trường là Giám đốc công ty…

Dự án bị bỏ ngỏ, lãnh đạo Thành phố phải có trách nhiệm

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TGS, hiện nay, các điểm đỗ xe được cấp phép trên địa bàn Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Còn lại, 90% phương tiện của người dân vẫn phải để ở vỉa hè, đường, sân chung cư, cơ quan…

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS. 

Chính vì vậy, xây dựng bãi đỗ xe ngầm là tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội. Lãnh đạo Thành phố cũng đã thông qua 7 dự án bãi đỗ xe ngầm trước đó, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có dự án nào được thực hiện và thực hiện đúng mục đích ban đầu đặt ra.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng phải có trách nhiệm trong việc này. Họ là những người đại diện cho người dân, thay mặt dân dân giám sát thực hiện. Được người dân trao quyền thì họ cũng phải có nghĩa vụ đảm bảo các quyền lợi của người dân”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Làm gì để chủ đầu tư không ôm đất gây lãng phí?

Hiện có tình trạng đất bị biến tướng thành nhà hàng, kinh doanh dịch vụ diễn ra phổ biến ở các dự án bãi đỗ xe. Tiêu biểu nhất phải nhắc đến như Dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nguyên Hồng (quận Ba Đình), Cống hóa mương Nghĩa Đô (đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy)… Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cũng lo ngại Dự án Bãi đỗ xe ngầm công viên Cầu Giấy lại đi vào "lối mòn cũ".

Nhiều năm qua, thay vì làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ trên 14.000 m2 đất (thuộc Dự án Cống hóa mương Nghĩa Đô) thì chủ đầu tư “xẻ thịt” cho thuê kinh doanh, nhà hàng.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, có 3 giải pháp để doanh nghiệp, các chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch, không ôm đất gây lãng phí, sử dụng đất sai mục đích, thu lợi bất chính, cụ thể:

Thứ nhất, phải sát sao từ khâu lựa chọn Nhà đầu tư. Rất nhiều dự án “treo” là do năng lực yếu của chủ đầu tư như thiếu vốn, thiếu nguồn lực, kinh nghiệm và hồ sơ pháp lý không đầy đủ. Vì vậy đấu thầu thực hiện dự án phải công khai, minh bạch.

Thứ hai, Nhà nước cần kiên quyết xử lý những dự án treo theo đúng luật. Đối với các dự án khi đã quá hạn, nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn tiếp 12 tháng thì phải thu hồi, kể cả khi chủ đầu tư xin gia hạn nhưng sau 12 tháng vẫn không triển khai được vẫn phải tiến hành thu hồi.

Thứ ba, Chính quyền địa phương cần sát sao giám sát thực hiện dự án, tiến hành thu hồi nếu phát hiện sai phạm. Phải có thái độ quyết liệt trong việc xử lý các chủ đầu tư “ôm dự án” chậm triển khai nhưng cũng cần xem xét thấu đáo lý do dự án chậm triển khai. Nếu lỗi không phải do năng lực doanh nghiệp thì cần phải xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Còn nếu chủ đầu tư không đáp ứng được năng lực thực hiện dự án, cố tình chây ì, không thực hiện, tìm cách chuyển nhượng hay muốn chuyển đổi mục đích sử dụng ban đầu thì phải kiên quyết thu hồi.

Bạn đang đọc bài viết “Hà Nội phải có trách nhiệm với các dự án bãi đỗ xe ngầm dở dang”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.