Thứ bảy, 20/04/2024 13:08 (GMT+7)

Hà Nội liệu có thể xử lý dứt điểm tòa nhà 8B Lê Trực?

MTĐT -  Thứ ba, 19/11/2019 11:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND TP Hà Nội tái khẳng định “công tác xử lý đối với công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực phải được tiếp tục triển khai”.

Theo báo CAND, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản trả lời cử tri huyện Hoài Đức về đề nghị thành phố xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực.

Trả lời kiến nghị này, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc triển khai xử lý công trình sai phạm số 8B Lê Trực phải trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục pháp lý và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, bộ phận công trình trong và sau khi thực hiện biện pháp tháo dỡ cũng như biện pháp thi công tháo dỡ cũng phải được tiến hành thận trọng, nghiêm túc, chặt chẽ, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng đối với người và thiết bị thi công. 

Ngoài việc tháo dỡ công trình, Công an TP Hà Nội vẫn khẩn trương tổ chức điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ để xác minh hậu quả thiệt hại của khách hàng mua căn hộ, thiệt hại của nhà nước trong quá trình cưỡng chế (nếu có) tại 3 dự án (8B Lê Trực, 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh) kết luận, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với công tác tháo dỡ giai đoạn 2, UBND TP Hà Nội cho biết, trong giai đoạn chờ Bộ Xây dựng cho ý kiến và phối hợp hướng dẫn xử lý, UBND quận Ba Đình sẽ tiếp tục chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tháo dỡ (trường hợp cần thiết sẽ đăng tải công bố công khai thông tin để mời đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập phương án phá dỡ theo quy định); ứng tiền từ ngân sách quận để triển khai thực hiện, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư phải thanh toán, nộp đủ số tiền tháo dỡ đã ứng trước. Tại văn bản này, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã thống kê lại quá trình xử lý sai phạm tại công trình.

Tòa nhà 8B Lê Trực

Điều đáng nói, ngày 9/5, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn, ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế lập phương án tháo dỡ theo hình thức chỉ định thầu.

Tuy nhiên, ngày 15/5, Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST có văn bản gửi UBND quận Ba Đình từ chối tham gia lập thiết kế phương án tháo dỡ giai đoạn 2 công trình sai phạm. Trước sự việc trên, UBND quận Ba Đình đã có văn bản báo cáo UBND TP, Sở Xây dựng; đồng thời có văn bản gửi Bộ Xây dựng để tiếp tục chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Tiếp đó, ngày 2/8, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng, đặc biệt quan tâm chỉ đạo đơn vị tư vấn của Bộ lập phương án tháo dỡ giai đoạn 2 trên cơ sở hồ sơ hiện có và khảo sát kiểm định.

Trong giai đoạn chờ Bộ Xây dựng cho ý kiến và phối hợp hướng dẫn xử lý, UBND quận Ba Đình tiếp tục chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tháo dỡ (trường hợp cần thiết sẽ đăng tải công bố công khai thông tin để mời đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập phương án phá dỡ theo quy định); ứng tiền từ ngân sách quận để triển khai thực hiện. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải thanh toán, nộp đủ số tiền tháo dỡ đã ứng trước. Dự kiến tiến độ hoàn thành trong năm 2019.

Cũng nhắc lại sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực nằm gần với trụ sở Quốc hội, theo báo Pháp Luật TP.HCM,  ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho rằng sai phạm từ nhiệm kỳ trước đã được phát hiện nhưng đến nay xử lý chưa xong, chỉ có một vài cán bộ cấp phường, quận bị xử lý trong khi họ không có thẩm quyền quyết định nhiều trong việc cho xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực.

“Kỷ cương không nghiêm dẫn đến việc xây dựng trái phép. Tôi đề nghị điều chỉnh luật thì phải coi lại chỗ đó, dứt khoát là phải xử lý cho nghiêm. Không có chuyện phạt cho tồn tại” - ông Dũng nói.

Không có căn cứ pháp lý để đập bỏ tòa nhà

Tuy nhiên theo Reatimes, bộ hồ sơ pháp lý để Tòa nhà 8B Lê Trực sinh được “bảo hộ” bằng hàng chục con dấu đầy uy quyền của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương tới địa phương.

Đầu tiên là Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ký về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng.

Đây là văn bản có ý nghĩa quyết định, chi phối nhiều văn bản cấp dưới buộc phải tuân theo vì đây là văn bản quy phạm pháp luật, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.

Muốn đập bỏ tòa nhà 8B Lê Trực, trước hết phải có văn bản cấp cao hơn bãi bỏ giá trị pháp lý của Quyết định này. Nhưng đến nay, văn bản đó chưa có.

Thứ hai, là Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc Chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án tại số 8B phố Lê Trực. Theo đó, tổng diện tích khu đất 5.683,5m2 (trong đó, 1.941,82m2 đất để mở đường của thành phố; 3.741,68m2 là đất dự án). Tại văn bản này xác định: “Khối cao tầng có khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng (tính cả chiều cao khối đế) và 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm”. Tổng chiều cao công trình là 69,1m (tính từ độ cao sàn tầng 1 đến đỉnh mái).

Đây cũng là một văn bản rất quan trọng, một lần nữa xác định tính pháp lý về quy hoạch và kiến trúc của dự án. Tuy nhiên, đến nay, văn bản này đã bị 2 văn bản khác vô hiệu hóa. Một là Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 của điều chỉnh công trình này xuống còn 18 tầng, chiều cao công trình 53m. Hai là khi UBND quận Ba Đình ra quyết định cắt ngọn của Tòa nhà xuống còn 18 tầng.

Nếu chiếu theo các quy định hiện hành thì 2 văn bản này được ban hành không tuân thủ với các quy định của pháp luật và không có giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, hai văn bản nêu trên vẫn tồn tại và điền chỉnh hầu hết hành vi của các cơ quan hành pháp cấp dưới.

Tiếp theo là Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 7/4/2009 của Sở Xây dựng Hà Nội thông báo Kết quả thẩm định thiết kế cở sở. Theo đó, Sở đã xác định tất cả các văn bản nêu trên là phù hợp với các quy định hiện hành, trong phần những lưu ý, yêu cầu đối với chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế có đoạn viết: “Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở, Chủ đầu tư cần gửi hồ sơ về Sở Xây dựng để xác nhận và lưu trữ trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Các bước thiết kế tiếp theo do Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt (sau khi dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) nhưng không được trái với thiết kế cơ sở đã được thẩm định...".

Chỉ cần nêu sơ 3 văn bản trên đây đã có thể thấy rằng, về căn cứ pháp lý, đến giờ này không thể tiếp tục phá dỡ Tòa nhà 8B Lê Trực được nữa.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội liệu có thể xử lý dứt điểm tòa nhà 8B Lê Trực?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ