Thứ năm, 18/04/2024 15:44 (GMT+7)

Hà Nội dứt khoát cho xây bến xe sát Vành đai 3, có hợp lý?

MTĐT -  Thứ năm, 21/06/2018 14:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù lên kế hoạch là đến năm 2030 di chuyển hàng loạt các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Gia Lâm ra ngoài phạm vi vành đai 4. Nhưng Hà Nội lại cấp phép xây dựng bến xe Yên Sở ngay cạnh vành đai 3.

Cụ thể, theo VietnamNet đưa tin, tháng 5 vừa qua, trong báo cáo gửi Thường trực Thành uỷ Hà Nội về Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm đến 2030 và tầm nhìn 2050, UBND TP. Hà Nội nêu: Các bến xe khách liên tỉnh được bố trí tại khu vực các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4; từng bước thay thế toàn bộ các bến xe hiện có đang khai thác sử dụng nằm sâu trong khu vực nội đô...

Tuy nhiên, cũng tại Đồ án quy hoạch trên, UBND TP. Hà Nội lại đi ngược nguyên tắc "bố trí bến xe khách ra ngoài vành đai 4" khi cho xây dựng bến xe khách Yên Sở (phía Nam) sát vành đai 3 tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Theo đó, bế xe này sẽ có diện tích rộng khoảng 3,2 ha trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch mới.

Khu đất được cho là sẽ quy hoạch làm bến xe Yên Sở. Ảnh: Tiền Phong. 

Theo quyết định xây dựng bến xe khách Yên Sở do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký cuối năm 2016, việc xây dựng bến xe khách liên tỉnh kết hợp bãi đỗ xe, là để góp phần hình thành mạng lưới bến xe khách đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao; giảm tải cho bến xe khách khu vực phía Nam thành phố, phục vụ phần lớn các tuyến vận tải hành khách từ các tỉnh, thành phố phía Nam và Đông Nam thành phố.

Bến xe khách kết hợp bãi đỗ xe Yên Sở có công suất xe khách tuyến cố định 800 - 1.000 lượt xe/ngày đêm (giai đoạn đầu khai thác 400 lượt xe/ngày đêm); công suất xe tải khoảng 200 xe.

Thời hạn hoạt động của dự án bến xe là 50 năm, thời gian hoàn thành trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, do người dân phản đối chính sách bồi thường và cho rằng việc quy hoạch bến xe tại Phường Yên Sở là bất hợp lý.

Đáng nói, mấy năm trở lại đây, nút giao đường vành đai 3 – cao tốc Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) những năm gần đây được Hà Nội xác định là “điểm đen” về ùn tắc giao thông. Việc cho di dời các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát hay Nước Ngầm… nhưng lại cho phép xây dựng ngay một bến xe mới tại một khu vực “điểm đen” giao thông như vậy, liệu có phù hợp quy hoạch?

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hùng (51 tuổi, phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, việc xây dựng Bến xe Yên Sở ngay cạnh đường vành đai 3, giữa khu dân cư và Khu đô thị Gamuada rất không hợp lý.

“Bến xe Yên Sở không khác gì bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm. Đặc biệt, bến xe này chỉ cách Bến xe Nước Ngầm có hơn 1km, trong khi các bến xe hiện nay đã có kế hoạch chuyển ra khu vực vành đai 4 để giảm ùn tắc cho nội đô. Mỗi dịp cao điểm, nút giao vành đai 3 – Pháp Vân đã thường xuyên ùn tắc, giờ thêm Bến xe Yên Sở ngay cạnh chắc chắn chỉ tạo thêm ùn tắc”, ông Hùng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt cho rằng, việc Hà Nội cho xây dựng Bến xe Yên Sở sát đường vành đai 3 là trái quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 của chính Hà Nội. Cần thực hiện chuyển đồng loạt, không nên bến đi, bến ở lại.

“Quyết định xây dựng Bến xe Yên Sở chưa dám nói tới lợi ích gì ở đó, nhưng rõ ràng về tổ chức giao thông, quy hoạch là bất thường”, ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, khi vẫn tồn tại Bến xe Yên Sở trong nội đô, Hà Nội sẽ không thể thu hút được đầu tư tư nhân vào bến xe khác ở khu vực vành đai 4 như quy hoạch và chủ trương của thành phố.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội dứt khoát cho xây bến xe sát Vành đai 3, có hợp lý?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.