Thứ năm, 28/03/2024 21:22 (GMT+7)

Hà Nội: Đề xuất xây đường hầm hồ Tây, thu phí nội đô để giảm ùn tắc

MTĐT -  Thứ tư, 13/09/2017 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xây dựng đường hầm dưới hồ Tây, phát triển đường ven sông Hồng, xây thêm cầu, thu phí giao thông nội đô… là những giải pháp được các đơn vị nêu ra trong ý tưởng chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Sau 8 tháng phát động cuộc thi “Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030”, Hội đồng thi tuyển không chọn được đơn vị đoạt giải Nhất, chỉ có giải Nhì (trị giá giải thưởng 100.000 USD) thuộc về liên danh giữa một đơn vị của Việt Nam và đối tác Nhật Bản.

Tại buổi thông tin về kết quả cuộc thi, đại diện Sở GT-VT Hà Nội cho biết, trong phương án dự thi, liên danh đưa ra cách giải quyết ùn tắc nút giao Pháp Vân bằng giải pháp dài hạn là xây đường trên cao dọc sông Kim Ngưu kết nối với đường vành đai 2, 3 trên cao; cải tạo nút Pháp Vân kết nối với đường trên cao dọc sông Kim Ngưu.

Cuộc thi tìm ý tưởng chống ùn tắc cho Hà Nội đã xuất hiện đề xuất xây dựng một đường hầm xuyên hồ Tây

Với nút giao Lê Văn Lương, liên danh đề xuất xây hầm chui ngã tư Lê Văn Lương và đường vành đai 3. Phương án làn đảo chiều (sử dụng một đến hai làn đường đối diện tại giờ cao điểm sáng, chiều) được kiến nghị áp dụng tại các trục giao thông chính hướng tâm như Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Giải Phóng…

Đặc biệt, liên danh giữa đơn vị của Việt Nam và Nhật Bản còn có ý tưởng xây dựng tuyến taxi nước trên Hồ Tây góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại hai bờ Bắc - Nam. Bến taxi nước được bố trí tại các quảng trường, công trình công cộng dịch vụ, khoảng cách giữa các bến là 1-1,2 km đường thủy.

Hình ảnh mô tả đường hầm xuyên hồ Tây

Đáng chú ý, bên cạnh các giải pháp từ đơn vị đoạt giải Nhì còn có nhiều giải pháp “độc đáo” được các đơn vị tham gia thi đưa ra. Ví dụ như đề xuất của Liên danh công ty tư vấn Almec Corporation - Công ty tư vấn Nippon Koei và Công ty Cổ phần công trình giao thông Hà Nội (HATOS).

Cụ thể, đơn vị này đề xuất xây dựng cầu nằm ở vị trí giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên. Để có chức năng của đường hướng tâm, cầu sẽ gồm đoạn qua hồ Tây và qua sông Hồng. Trong đó, đoạn qua sông Hồng sẽ được xây cầu và đoạn qua hồ Tây là đường hầm dưới lòng đất.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất phát triển đường ven sông dọc sông Hồng để cải thiện chức năng đường vành đai; Xây dựng cầu ở vị trí giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy để đáp ứng nhu cầu giao thông ở phía Đông của sông Hồng.

Những đề xuất trên được đưa ra dựa trên nhận định rằng, sự phát triển của khu mua sắm và dân cư lớn đang diễn ra bên bờ kia của sông Hồng. Ùn tắc giao thông đã xảy ra trên cầu qua sông Hồng và nó đã trở thành nút thắt cổ chai của giao thông trong thành phố. Và nhu cầu giao thông qua sông Hồng dự kiến sẽ tăng hơn trong tương lai.

Khu vực được đề xuất đối với người tham gia giao thông

Chính vì vậy, cần có một “Mạng lưới đường bộ” cho Hà Nội. Đặc biệt, cần chuyển hướng giao thông từ khu vực trung tâm của thành phố bằng việc phát triển đường vành đai và cải thiện nút thắt cổ chai bằng cách xây các cầu bắc qua sông Hồng.

Cùng với giải pháp phát triển hạ tầng, một trong các giải pháp được đưa ra là tiến hành thu phí nội đô. Người tham gia giao thông sẽ bị thu phí để tiếp cận một tuyến đường hay khu vực cụ thể.

Đây có thể là lệ phí đơn giản hoặc là loại phí tổng thể hơn trên tất cả các tuyền đường dựa vào cự ly phương tiện đi lại. Người tham gia giao thông bị thu phí nhiều hơn khi đi trên tuyến đường hay đi vào một khu vực trong giờ cao điểm, thường vào giờ cao điểm buổi sáng.

Nói chung có 5 hệ thống thu phí nội đô chính bao gồm: từ vành đai vào nội đô, giấy phép vào khu vực, lệ phí hành lang và mạng lưới. Khu vực thu phí thường được lựa chọn để giảm ùn tắc giao thông trong trung tâm thành phố như quận trung tâm thương mại.

Theo An ninh thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đề xuất xây đường hầm hồ Tây, thu phí nội đô để giảm ùn tắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.