Thứ sáu, 29/03/2024 14:55 (GMT+7)

Hà Nội: Đã có ý tưởng quy hoạch 15/20 chung cư cũ

MTĐT -  Thứ tư, 28/08/2019 14:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo UBND TP. Hà Nội 15/20 chung cư cũ trên địa bàn TP, cơ quan chức năng đã báo cáo ý tưởng quy hoạch với UBND TP, là cơ sở để triển khai thủ tục tiếp theo.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 268/BC-UBND, báo cáo Bộ KH&ĐT về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

Theo đó, báo cáo UBND TP. Hà Nội cho biết, 15/20 chung cư cũ trên địa bàn TP, cơ quan chức năng đã báo cáo ý tưởng quy hoạch với UBND TP, là cơ sở để triển khai thủ tục tiếp theo. 5 khu còn lại đang được nghiên cứu lập phương án.

Báo cáo cũng nêu nhiều kết quả nổi bật thành phố đã đạt được trong phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, thủy lợi, cấp nước cũng như trong các lĩnh vực phát triển thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao…

Đặc biệt, trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%; hoàn thành lập một số đồ án (trong đó đã phê duyệt thiết kế đô thị tuyến đường Xuân Thủy); phê duyệt 10 nhiệm vụ thiết kế đô thị; phê duyệt quy định quản lý quy hoạch kiến trúc cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân…

Những năm qua, Hà Nội đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố từ hơn 10 năm trước. Để thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều vướng mắc khiến sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như giậm chân tại chỗ khi mới chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng, chiếm chưa tới 1%; 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng; 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

Trước đó, tại một buổi toạ đàm, ông Bùi Tiến Thành - Phó phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, về thực trạng chung cư cũ cũng như quá trình triển khai cải tạo, Hà Nội “không kiến nghị suông mà chúng tôi đã làm rồi”.

Theo ông Thành, thực trạng của các chung cư của Hà Nội hiện nay là rất đặc thù bởi đa số tòa nhà chất lượng xuống cấp, dân số thay đổi nhiều so với ban đầu. Nếu như cải tạo, xây dựng lại bằng nguồn vốn ngân sách của nhà nước thì số lượng nhà cung cư quá lớn và chi phí quá nhiều, ngân sách thành phố không đảm đương được, kể cả có sự hỗ trợ của trung ương cũng rất khó.

“Vậy nên, giải pháp bắt buộc phải là xã hội hóa, các nhà đầu tư tham gia cùng địa phương để cải tạo”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói.

Theo ông Thành, Hà Nội đã rà soát các chung cư cũ, hiện có 1.579 chung cư cũ và phân loại thành 4 cấp và kiểm định hàng năm.

Hiện chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn thành phố không nhiều. Với nhà chung cư cấp D, Sở Xây dựng tham mưu thành phố ra quyết định di dời và ra phương án tạm cư để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian phá dỡ nhà chung cư.

Hiện có 3 chung cư nguy hiểm cấp D nhà đầu tư đã tham gia xây dựng, cải tạo. Trong đó 2 nhà nguy hiểm cấp D sắp hoàn thành.

Hiện còn 4 nhà chung cư cấp D trên địa bàn quận Ba Đình thành phố chưa triển khai được, vì chưa có sự đồng thuận của người dân. Nhà đầu tư khi được giao sửa chữa, cải tạo hay xây lại thì họ phải lập quy hoạch 1:500, trong đó có bước điều tra khảo sát xã hội học, tuy nhiên, nhiều người dân không tham gia, không đồng thuận.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đã có ý tưởng quy hoạch 15/20 chung cư cũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.