Thứ sáu, 29/03/2024 07:35 (GMT+7)

Gần 4,5 tỷ USD đầu tư các công trình chống ngập

MTĐT -  Thứ hai, 18/12/2017 16:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều giải pháp chống ngập đã được mổ xẻ tại hội thảo “Giải pháp cải tạo kiến trúc cảnh quan nội đô, giao thông đô thị và chống ngập úng cho TPHCM”.

Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nêu một cách tiếp cận về nguyên nhân gây ngập cho TP. Đó là, diện tích bề mặt không thấm trong thực tế lớn hơn tỷ lệ sử dụng để thiết kế hệ thống thoát nước. Mặt khác, lượng mưa đang tăng dần nên các hệ thống thoát nước được xây dựng mới sẽ bị quá tải, không đảm bảo hoạt động theo đúng chu kỳ tràn cống đã được thiết kế. Việc phát triển đô thị trên những khu vực thấp cũng làm gia tăng nguy cơ bị ngập.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước kết nối mang tính khu vực cho các khu dân cư mới đang diễn ra rất chậm so với tốc độ đô thị hóa, nên khả năng xuất hiện những điểm ngập mới là điều chắc chắn. Với tình trạng hầu hết các diện tích đất sẵn có đã được dành cho các mục đích khác, nên để bổ sung không gian điều tiết nước mưa cho TPHCM, cần có các hồ chứa tập trung.

“Giải pháp này kết hợp với các giải pháp công trình có thể hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do ngập, lụt gây ra”, ông Hoàng Tùng khẳng định.

Đối với giải pháp chống ngập “cứng”, trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của TPHCM là giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi, rộng 550km² với khoảng 6,5 triệu dân; triển khai giải pháp cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường.

Đối với giải pháp ngắn hạn, trong năm nay, TP đã triển khai 5 đoàn kiểm tra xử lý các công trình lấn chiếm trên kênh rạch, phục vụ nạo vét khơi thông dòng chảy hiện trạng kênh thoát nước; xử lý cấp bách các điểm ngập do hệ thống cống bị hư hại, lún sụt bằng các giải pháp kỹ thuật hoặc các dự án quy mô nhỏ; lắp đặt bơm phụ trợ, trạm bơm để tăng cường năng lực tiêu thoát nước và ngăn triều của hệ thống thoát nước đô thị...

Về giải pháp trung và dài hạn, TPHCM tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải. Đáng chú ý nhất là 2 dự án trọng điểm: Nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 32km, để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500ha; Nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km, giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 703ha.

Ngoài ra, TP cũng đang bố trí vốn để trước mắt xây dựng 3 hồ điều tiết là Gò Dưa rộng 23ha (quận Thủ Đức), Bàu Cát 0,4ha (quận Tân Bình) và Khánh Hội 4,8ha (quận 4). Việc xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao được thực hiện tại Bình Hưng, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát, Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân.

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM), để thực hiện toàn diện các giải pháp chống ngập cho đến năm 2020, TP cần khoảng 100.000 tỷ đồng (gần 4,5 tỷ USD). Do chưa đủ vốn, TP sẽ điều chỉnh và bố trí ưu tiên các hạng mục để thực hiện cho phù hợp thực tế.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết Gần 4,5 tỷ USD đầu tư các công trình chống ngập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.