Thứ sáu, 19/04/2024 10:58 (GMT+7)

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ bảo đảm tiến độ

MTĐT -  Thứ năm, 12/06/2014 10:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi có thông tin Trung Quốc cấm các doanh nghiệp (DN) nước này đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, dư luận đặt vấn đề về những công trình hạ tầng giao thông có sự tham gia của một số DN Trung Quốc với tư cách nhà thầu, chủ đầu tư đã và đang triển khai thời gian qua liệu có bị ảnh hưởng? Chiều 11-6, Báo Hànộimới đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về vấn đề này.

- Những dự án đầu tư hạ tầng giao thông có sự tham gia của các DN Trung Quốc hiện đang triển khai như thế nào thưa ông?

- Một số nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng các dự án giao thông ở Việt Nam như dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dự án đường từ cầu Nhật Tân đến sân bay quốc tế Nội Bài, dự án Quốc lộ 5, dự án đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành… Riêng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (trên địa bàn Hà Nội) thì đối tác Trung Quốc vừa là nhà đầu tư vừa là nhà thầu.

Sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trái phép ở thềm lục địa nước ta đã có những ảnh hưởng nhất định tới các dự án giao thông đang được triển khai. Cụ thể, trong khoảng 20 ngày các dự án giao thông có đối tác Trung Quốc tham gia đều tạm dừng thi công, một số dự án thì chuyên gia và công nhân Trung Quốc đã rút về nước. Nhưng sau khi Chính phủ nước ta nêu rõ quan điểm tiếp tục duy trì hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, bảo đảm an toàn cho các nhà đầu tư, thì cách đây 10 ngày, các chuyên gia và công nhân Trung Quốc đã trở lại làm việc bình thường.

- Vậy dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông mà DN của Trung Quốc vừa là chủ đầu tư vừa là nhà thầu đã triển khai đến đâu, thưa ông?

- Dự án Cát Linh - Hà Đông hiện nay đã làm xong 219 trụ/420 trụ, làm xong kết cấu phần dưới của 11/12 nhà ga, đã lao được 50 phiến dầm lên trụ; hiện đang tiếp tục thi công các trụ còn lại cũng như các nhà ga khác. Bộ GTVT cũng cử đoàn công tác của Bộ sang khảo sát tại Trung Quốc chuẩn bị cho việc đưa cán bộ, công nhân sang để thực hiện đào tạo chuyển giao công nghệ về vận hành đường tàu. Dự kiến đầu tháng 7 tới đoàn sẽ bắt đầu khóa đào tạo tại Trung Quốc kéo dài trong thời gian 4 tháng. Hiện Bộ GTVT cũng đã hoàn thành công tác tuyển dụng nhân sự và chuẩn bị các yếu tố cần thiết để đưa công nhân sang Trung Quốc.

- Trong cuộc trả lời báo chí ngày 10-6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cho biết, Bộ GTVT vừa làm việc với tổng thầu Trung Quốc về dự án Cát Linh - Hà Đông. Ông có thể cho biết những thông tin cụ thể hơn?

- Đúng vậy, Bộ GTVT đã mời chủ đầu tư là tổng thầu từ Trung Quốc sang làm việc. Trong cuộc họp này, chúng tôi yêu cầu phía đối tác phải bảo đảm đúng tiến độ thời gian cũng như chất lượng công trình. Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà thầu đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Họ cũng đã cam kết với chúng tôi thực hiện tốt phần việc của mình. Ngược lại, Bộ GTVT cũng đang phối hợp với TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ của dự án.

Cùng với các nhiệm vụ trên, lãnh đạo Bộ cũng giao Cục Đường sắt phối hợp với phía tổng thầu rà soát lại dự toán công trình, xem xét lại các vấn đề phát sinh, rà soát lại tổng dự toán… nhằm xem xét việc đầu tư cũng như tính hiệu quả của dự án. Nói chung, Bộ GTVT quyết tâm chỉ đạo sát sao để dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có thể chạy thử vào cuối năm 2015 và đến đầu quý II-2016 bắt đầu vận hành thương mại.
Bạn đang đọc bài viết Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ bảo đảm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?