Thứ ba, 16/04/2024 22:29 (GMT+7)

Dự án bãi xe ngầm có nguy cơ phá nát quy hoạch Hà Nội

MTĐT -  Thứ hai, 20/05/2019 15:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt các khu đô thị được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch.

Lo ngại dự án bãi đỗ xe sẽ “xẻ thịt”, phá hỏng không gian công viên, những ngày qua người dân sống xung quanh công viên Cầu Giấy đã căng băn rôn phản đối dự án bãi xe tại đây.

Hàng loạt các khu đô thị được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch. Người dân tại đây chỉ còn cách gửi đơn kiến nghị khắp nơi và xuống đường căng băng rôn phản đối để bảo vệ nơi mình sống đúng như giá trị ban đầu.

 Sáng 12/5, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại khu Đoàn Ngoại giao, phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã cùng nhau căng băng rôn, đi bộ quanh khu đô thị khi nhiều bức xúc suốt 2 năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. Trước đó, cư dân tại đây rất nhiều lần xuống đường căng băng rôn, tuần hành phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch so với ban đầu, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ.

Hàng loạt đề xuất làm bãi đỗ xe ngầm trong các công viên cây xanh khiến người dân Hà Nội không chỉ lo ngại về môi trường sống của mình bị ảnh hưởng mà còn băn khoăn về tính pháp lý, cũng như việc thực hiện quy hoạch giao thông tĩnh Thủ đô trong nhiều năm qua.
“Soi” kỹ những bản quy hoạch này thấy một thực tế đáng buồn: quy hoạch một đằng thực hiện một nẻo.
Dự kiến sẽ có 100 bãi đỗ xe, trong đó riêng các quận nội thành có 36 bãi đỗ được xây dựng tại các vị trí cơ quan, đơn vị sản xuất được di dời. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hầu hết 36 vị trí được quy hoạch bãi đỗ xe trên đã biến thành trung tâm thương mại, tòa chung cư cao 30 đến 40 tầng.

Từ năm 2010 đến nay, thành phố Hà Nội có chủ trương xây bãi xe ngầm trong công viên. Từ đây, ngoài 7 dự án thành phố đang giao cho các sở ngành nghiên cứu triển khai, nhiều doanh nghiệp dưới sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương cùng “đua nhau” đề xuất xây dựng các bãi đỗ xe ngầm trong công viên. Công viên Cầu Giấy cũng đang được nhà đầu tư tư nhân đề xuất “xẻ” khoảng 1.400m2 mặt bằng để làm bãi đỗ xe 3 tầng hầm. Tuy là ngầm nhưng xem qua đề xuất của các nhà đầu tư, dễ dàng thấy rằng, mặt bằng đất công viên tại vị trí bãi đỗ xe hầu hết đều được sử dụng cho các công trình phụ trợ, như nhà điều hành, thoát hiểm, thông gió… Việc người dân lo ngại dự án bãi đỗ xe sẽ “xà xẻo” đất công viên là hoàn toàn có cơ sở.

Công viên Cầu Giấy đang được nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm.

 Đại diện Sở QH&KT và Sở Xây dựng Hà Nội đều cho rằng, do ngân sách thành phố còn hạn hẹp nên để có mặt bằng và hạ tầng cho các đơn vị chuyển đi thành phố phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Theo hình thức này, nhà đầu tư sẽ lo mặt bằng, làm hạ tầng ở ngoại thành để đơn vị được di chuyển đến ổn định sản xuất.

Cách di dời theo kiểu “xã hội hóa” này mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng đô thị.

Tuy có mục tiêu di dời để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường nhưng chính tại những vị trí được di dời lại mọc lên các tòa nhà cao ốc, khiến mật độ dân cư tăng cao hơn gấp nhiều lần. Đánh giá về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng,việc chuyển đổi trên khiến Nhà nước và cộng đồng xã hội thiệt đơn, thiệt kép.

Mục tiêu giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường không thực hiện được khi mật đô dân cư tại đây tập trung đông, thậm chí còn cao hơn lúc chưa di dời; thứ hai, về kinh tế, nhà đầu tư chỉ bỏ một chi phí nhỏ theo kiểu hỗ trợ di dời, được giao đất không qua đấu giá nên theo nhiều chuyên gia, hình thức này không khác gì nhà đầu tư chỉ bỏ con tép để bắt con cá kình. Vì sao lại có chuyện này? Có hay không lợi ích nhóm?

Dư luận xã hội đều cho rằng, các quy hoạch do Chính phủ và Quốc hội quy định là pháp lệnh nhà nước, không ai được phép vi phạm. Những UBND tỉnh, thành phố được cấp trên phân công hay ủy quyền, ban bố các quy hoạch trong phạm vi địa phương, cũng phải được xem như pháp lệnh. Các cơ quan có trách nhiệm thực thi nghiêm túc, không được lấy cớ do yêu cầu của chủ đầu tư mà tùy tiện thay đổi.

Quy hoạch nhiều bãi xe bị biến tướng

Bức xúc của người dân chung quanh Dự án bãi xe ngầm trong công viên Cầu Giấy không chỉ nằm ở việc “mập mờ” lấy ý kiến người dân, mà còn bởi trước đó chính khu đô thị Dịch Vọng đã bị điều chỉnh phá vỡ quy hoạch cũ gây áp lực giao thông, hạ tầng lên cả khu vực.

Ông Bùi Đình Tân, Phó Ban quản trị tòa nhà N04B2 (Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết: “Chính việc điều chỉnh quy hoạch quá nhiều đã khiến khu đô thị Dịch Vọng quá tải, hệ lụy là ùn tắc giao thông, rồi lại phải điều chỉnh quy hoạch để làm bãi xe trong công viên Cầu Giấy khiến cư dân bất bình”.

Theo ông Tân, dự án Chung cư N04B1 và N04B2 có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2001. Trong đó quy định Khu đô thị mới Dịch Vọng có chiều cao xây dựng tối đa là 11 tầng. Các công trình nhà ở chung cư có bố trí kết hợp dịch vụ ở tầng 1 và tầng 2, tầng 1 phải có chiều cao tối thiểu là 4km. Khoảng các giữa 2 đầu hồi công trình tối thiểu là 15m.

Thực tế hiện nay, chung cư N04B1 sát vào chung cư N04B2 (trong cùng 1 ô đất) với khoảng cách chỉ còn khoảng 5m. Chiều cao tòa nhà N04B1 cũng được nâng lên là 17 tầng, quá 6 tầng so với quy hoạch ban đầu.

Theo quy hoạch phường Dịch Vọng có 5 điểm thuộc bãi đỗ xe tĩnh, tuy nhiên theo ghi nhận, chỉ có 1 ô đất đã được làm bãi xe cao tầng và đưa vào sử dụng. Nhiều khu đất hiện nay đang biến tướng thành nhà hàng tạm bợ.

Nhiều cư dân tòa N07B3 đề xuất: “Chính quyền địa phương cần làm hết những bãi đỗ xe trong quy hoạch rồi mới tính đến phương án làm bãi xe ngầm”. Trong đó, người dân đề cập đến cả dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (phố Nguyễn Khánh Toàn) hàng nghìn mét vuông sử dụng sai mục đích nhưng đến nay vẫn chưa bị thu hồi.

Không chỉ tại quận Cầu Giấy, nhiều ô đất ở các vị trí “vàng” trên địa bàn Thủ đô cũng bị biến tướng. Tiêu biểu như ô quy hoạch bãi đỗ xe công cộng hơn 15.000m2 sàn tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) hiện nay đã mọc lên chung cư M5 (Đây là toà nhà chung cư thuộc doanh nghiệp của thành uỷ Hà Nội)

Cấp thiết giảm áp lực dân số nội đô

Liên quan đến bãi xe ngầm, TS Trần Hữu Minh, chuyên gia GTVT, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Đây là phương án vô cùng tốn kém về mặt xã hội và có thể là một vòng luẩn quẩn”. Phương án đỗ xe ngầm đòi hỏi các chi phí lớn về xây dựng, khai thác vận hành. Cùng đó là các yêu cầu về thông gió, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, xử lý úng ngập… Bởi vậy, nếu so với phương án đỗ xe trên mặt đất, đỗ xe ngầm là phương án vô cùng tốn kém về mặt xã hội.

Ngoài ra, quy hoạch bãi xe ngầm phải có liên thông với các phương tiện vận tải công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, và giao thông phi cơ giới như các không gian đi bộ, đi xe đạp để giúp người dân di chuyển thuận tiện. Nếu một bãi đỗ xe ngầm rất lớn mà đỗ xe rồi lại phải đi lên mặt đất rồi lại đi xuống ga tàu điện ngầm hoặc đi rất xa mới tới ga đường sắt trung tâm thì không ổn.

Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng bãi đỗ xe ngầm chứa được khoảng 2.000 phương tiện ở khu vực trước cổng Nhà hát Lớn, vườn hoa Cổ Tân, trước cửa khách sạn Hilton. Nguồn: Internet

 Theo ông Minh, hiện nay Hà Nội có mật độ dân cư tập trung rất cao, như quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa mật độ có thể lên tới khoảng 40.000 người/km2. Nếu tính thêm số lượng người vãng lai (chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng một số cuộc điều tra khảo sát cho thấy số dân cư vãng lai có thể vào khoảng 40 – 50%), có thể thấy khu vực nội đô Hà Nội là một trong những khu vực có mật độ dân cư cao nhất thế giới.

Với mật độ như vậy, không hạ tầng nào chịu nổi và ùn tắc giao thông là điều không thể tránh khỏi, do đó muốn giải bài toán ùn tắc giao thông kinh niên của Hà Nội thì có nhiều giải pháp nhưng căn cơ và quan trọng nhất là phải quy hoạch đô thị và sử dụng không gian cho phù hợp hơn. Đặc biệt, cần quyết tâm phát triển các đô thị vệ tinh, đưa các cơ sơ sản xuất ra khỏi nội đô”. TS Trần Hữu Minh cho hay.

Trong những năm qua, Hà Nội liên tục xin ý kiến các cấp có thẩm quyền “xin” triển khai các dự án nhà ở vượt chiều cao quy hoạch, hay thậm chí đưa cả đất cây xanh thành dự án. Việc này đặt ra câu hỏi về việc Hà Nội đang chiều lòng nhà đầu tư theo hướng: “Tăng diện tích, giảm tiện ích”.

Tại các khu vực nội đô, dọc các phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) có khá nhiều bãi đất “vàng” đã giải phóng mặt bằng từ khá lâu nhưng vẫn chưa triển khai để chờ điều chỉnh quy hoạch: 22-24 Hàng Bài; 31-35 Lý Thường Kiệt;… UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc tại 2 khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt (14 tầng, 1 tum); khu đất 45 Lý Thường Kiệt (12 tầng). Trong khi quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình trong khu vực nội đô lịch sử do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 7/4/2016 không cho phép xây các công trình cao trên 9 tầng tại khu vực này.

KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp bất động sản phải tối đa hóa lợi nhuận thì họ sẽ làm. Bản quy hoạch là thỏa hiệp có tính pháp lý, đó là lợi ích của xã hội và của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chính người đưa ra loạt căn cứ để cấp phép quy hoạch, và chính họ đưa ra căn cứ để sửa quy hoạch đó. Việc này khiến bản quy hoạch trở nên không có giá trị.

Trao đổi với phóng viên về dự án bãi đỗ xe ngầm trong công viên Cầu Giấy, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà nội cho biết: Dự án do nhà đầu tư đề xuất và đang trong giai đoạn nghiên cứu, lấy ý kiến dân cư trong khu vực.

“Nếu đồng thuận sẽ làm cơ sở thực hiện các thủ tục về bổ sung quy hoạch, lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, đại diện Sở này thông tin.

Như vậy, về nguyên tắc, tuy nhà đầu tư đề xuất nhưng UBND thành phố Hà Nội cũng đã tiếp nhận đề xuất này và giao cho các sở ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, thực hiện các thủ tục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu được thực hiện, sẽ có 14.500m2 đất công viên Cầu Giấy được dành cho xây dựng bãi đỗ xe ngầm 3 tầng hầm.

Trong đó có 2 tầng để xe, một tầng làm thương mại, riêng phần mặt đất (mặt bằng công viên hiện nay) sẽ được bố trí xây dựng các công trình phụ trợ như nhà điều hành, thang thoát hiểm, cửa thông gió, và nhà bảo vệ…

Về cơ bản, mặt bằng công viên Cầu Giấy tại đây sẽ được sử dụng chính cho bãi đỗ xe. Lo ngại dự án bãi đỗ xe sẽ “xẻ thịt”, phá hỏng không gian công viên, những ngày qua người dân sống xung quanh công viên Cầu Giấy đã căng băn rôn phản đối dự án bãi xe tại đây.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trước việc thiếu bãi đỗ xe hiện nay, việc nghiên cứu để xây dựng các bãi đỗ xe nổi, ngầm là điều cần phải làm.

Tuy nhiên, việc thành phố cần làm hiện nay là thực hiện nhanh chóng và nghiêm túc các quy hoạch đã được duyệt. 11 bãi đỗ xe ngầm trong tổng số 75 dự án bãi đỗ xe trong quy hoạch vừa được HĐND thành phố thông qua năm 2018 hiện chưa có dự án nào được thực hiện thì cần tập trung hoàn thiện.

KTS Trần Trọng Hanh cũng cho rằng, trong khi quỹ đất giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh còn thiếu trầm trọng thì những vị trí đất di dời các trụ sở cơ quan, xi nghiệp, cần ưu tiên cho bãi đỗ.

Nay các vị trí đất phục vụ giao thông lại chuyển cho tư nhân xây nhà cao tầng để bán thương mại thì thật sự khó hiểu, trong khi đó các dự án bãi đỗ xe ngầm lại cứ thi nhau chạy vào xà xẻo đất công viên thì người dân phản ứng, bức xúc là có cơ sở, ông Hanh đánh giá.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Theo quy hoạch bến, bãi đỗ xe đến 2030 tầm nhìn 2050 được HĐND TP Hà Nội thông qua cuối năm 2018, toàn thành phố sẽ có 1.480 bãi đỗ xe công cộng tập trung với diện tích gần 1.200 ha; trong đó có 74 bãi đỗ xe ngầm (chủ yếu trong khu vực nội đô lịch sử); 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là bãi đỗ xe mặt đất.

Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm giữa năm 2018, lãnh đạo thành phố cho biết, để giải quyết nhu cầu bãi đỗ xe tĩnh, Hà Nội xây dựng quy hoạch bãi xe ngầm trên địa bàn các quận, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Một số khu vực thành phố kêu gọi đầu tư bãi xe ngầm như Cung thể thao Quần Ngựa; sân trước, sân sau của Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô; trước cửa Công viên Thống Nhất; trước cửa Nhà hát Lớn...

Bạn đang đọc bài viết Dự án bãi xe ngầm có nguy cơ phá nát quy hoạch Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.