Thứ tư, 17/04/2024 06:42 (GMT+7)

Doanh nghiệp đề xuất lấp góc đẹp nhất hồ Thành Công xây chung cư

Cẩm Anh -  Chủ nhật, 22/12/2019 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Doanh nghiệp muốn mở rộng diện tích công viên và hồ Thành Công về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Đổi hơn 4.000m2 mặt hồ, nhà nước không cần hỗ trợ?

Về phương án cải tạo Khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), doanh nghiệp có 2 đề xuất. Thứ nhất, hực hiện theo đúng quy hoạch phân khu và các quy chế, quy định hiện hành. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì nhà nước phải hỗ trợ bố trí chợ tạm và bù lỗ cho dự án.

Theo đó, 100% cư dân chung cư được tái định cư tại chỗ, tỷ lệ đền bù 1,0; bãi đỗ xe ngầm 3 tầng; chiều cao công trình chung cư tối đa 24 tầng; điểm nhấn là công trình thương mại cao 35 tầng…

Hồ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội). 

Đáng chú ý, trong phương án thứ 2, chủ đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao. Theo phương án này thì dân số sẽ gia tăng dự kiến là 10%.

Theo đó, với phương án này chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư, nhà nước không cần hỗ trợ, công năng của hồ nước không đổi vì diện tích bù đắp lớn hơn…

Trước đó, tháng 4/2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.

Nhận định về đề xuất này, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, các hồ nước gắn với cảm xúc, kỷ niệm của người dân và tham gia vào bảo vệ môi trường, cảnh quan... Thay đổi diện mạo của hồ để giảm diện tích không gian trống tiếp cận với đường là làm giảm lợi ích chung của cộng đồng dân cư đang được hưởng.

Việc lấp đi 1 góc hồ, thay vào đó là xây dựng chung cư cao tầng, khai thác lợi thế kinh doanh tức là chủ đầu tư đang muốn chuyển lợi ích cộng đồng thành lợi ích của một số cá nhân, doanh nghiệp.

Đưa thêm cây xanh, mặt nước vào khu trung tâm của khu Thành Công là giải pháp tốt nhưng không được “đánh đổi” bằng lấp đi một phần hồ nước”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết.

Nhiều lo ngại

Các phương án cải tạo khu chung cư cũ đều đồng loạt đề xuất áp dụng phương án điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, nâng chiều cao công trình và số lượng dân số.

Cải tạo các khu tập thể cũ là việc làm cấp thiết. 

Cụ thể, Khu tập thể Kim Liên nằm trên địa bàn phường Kim Liên và Phương Mai (quận Đống Đa) được đề xuất điều chỉnh mật độ xây dựng toàn khu từ 25,56% lên 36,8% (chỉ tiêu quy hoạch và Quy chế cao tầng hiện nay quy định mật độ xây dựng là 25,19%). Chiều cao công trình nâng lên tối đa cao 40 tầng (quy chế là 24 tầng). Diện tích sàn xây dựng hiện trạng 219.656 m2 đề xuất nâng lên 881.500 m2.

Với Khu tập thể Văn Chương, Công ty CP Đầu tư Bất động sản toàn cầu (GP-Invest) đề xuất áp dụng phương án nâng dự án từ 18 tầng lên thành 30 tầng, 3 tầng hầm, đồng thời thành phố giao chủ đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án nhà ở tại khu đất khác trong khu vực (dự kiến khu vực nhà máy nước Ngô Sỹ Liên) để tái định cư 1 phần khu tập thể Văn Chương và đảm bảo cân bằng tài chính cho dự án…

Tại khu tập thể Thủy Lợi, Công ty CP Tập đoàn T&T đề nghị UBND thành phố xem xét chấp thuận phương án điều chỉnh tăng chiều cao công trình tối đa 24 tầng (theo Quy chế của thành phố-PV) lên 35 tầng; dân số hiện trạng từ 5.335 người lên 8.394 người…

Trong khi đó, thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Hà Nội đang khó điều tiết giảm dân số nội đô lịch sử từ 1,3 triệu dân xuống còn 800 nghìn dân nhằm cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Các nhà đầu tư cho rằng, các phương án điều chỉnh này sẽ đảm bảo cân bằng được lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trên thực tế, hầu hết các khu chung cư cũ nằm ở khu vực nội thành, bị hạn chế phát triển dân cư theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, dẫn đến rất khó cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chiều cao cũng có những ý kiến quan ngại sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của thành phố và tạo thêm áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông cho khu vực nội đô.

Điều này cho thấy, Hà Nội đang phải thực hiện bài toán ngược để giải quyết vấn đề chung cư cũ. Trong khi đáp số của nó lại không nằm trong tay cơ quan quy hoạch kiến trúc mà cần cả sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.

Trong 28 khu đang làm thí điểm, nếu cần thiết Hà Nội sẽ báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng để điều chỉnh quy hoạch nằm trong khung quy định của luật theo hướng có lợi nhất cho cộng đồng, cho thành phố”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh chia sẻ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp đề xuất lấp góc đẹp nhất hồ Thành Công xây chung cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới