Thứ sáu, 29/03/2024 00:23 (GMT+7)

Đô thị hóa là “thủ phạm” gây ngập ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ ba, 06/08/2019 15:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngập úng cục bộ khi trời mưa lớn đã trở thành chuyện thường ngày của Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua. Mặc dù đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng hệ thống thoát nước Hà Nội vẫn “bất lực”.

Mới đây nhất là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc mưa kéo dài trong nhiều ngày đã khiến nhiều tuyến đường Hà Nội ngập sâu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân.

Các tuyến phố bị ngập nặng là: Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng (Cầu Giấy), Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui dân sinh số 3,5,6, km9+656), đường Tố Hữu (từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn), Phùng Khoang, Triều Khúc (Thanh Xuân)… với mức độ ngập từ 0,20-0,40m, phố Ngọc Lâm, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh (ngã tư Cổ Linh–Đàm Quang Trung, quận Long Biên) với mức độ ngập từ 0,1-0,2m.

Chiều 4/8, dù nước đã rút tại hầu hết những điểm ngập úng trên toàn thành phố Hà Nội, nhưng tại một số hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long và nút giao với Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) nước vẫn còn ngập sâu khiến các phương tiện giao thông di chuyển vô cùng khó khăn.

Đại lộ Thăng Long nút giao Thiên đường Bảo Sơn ngập nặng trong những ngày qua. Ảnh: TTXVN.

Lý giải về nguyên nhân khu vực hầm chui Đại lộ Thăng Long luôn trong tình trạng thoát nước chậm, ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng Thông tin Đối ngoại (công ty Thoát nước Hà Nội) lý giải, khu vực hầm chui Đại lộ Thăng Long rất trũng. Đặc biệt, hầm chui số 3,5,6 thất thấp so với xung quanh 50-60cm. Vì vậy, khi mưa lớn thì nước đổ dồn khu vực hầm.

Theo đại diện công ty Thoát nước Hà Nội, khi thiết kế làm Đại lộ Thăng Long đã không bố trí trạm bơm để tiêu úng tại chỗ.

"Bên cạnh đó, trước đây, khu vực này là đồng ruộng nên thoát nước dựa vào các mương nông nghiệp. Hiện, vẫn chưa có hệ thống bơm thoát nước đầu mối. Hơn nữa, khu vực này vẫn chưa có dự án cải tạo hệ thống thoát nước", ông Uyên nói.

Vì vậy, khi mưa lớn, hầm chui Đại lộ Thăng long chủ yếu tự thoát nước nhờ tuyến bơm nông nghiệp.

"Sau đó, nước được thoát đến một phần sông Nhuệ, một phần khu vực trạm bơm Yên Nghĩa", ông Uyên nói thêm.

Đại diện công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, trước đây, trạm bơm Yên Sở chỉ bơm thoát nước cho nội đô.

Ngập cả những nơi chưa bao giờ ngập

Trước đó, vào chiều ngày 25/7, chỉ sau trận mưa kéo dài hơn 1 tiếng, giao thông trên hàng chục tuyến phố từ  Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo cho tới Hàng Bún, Đường Thành, Hàng Nón, Tông Đản đều bị tê liệt do đường ngập nước.

Từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 4  trận mưa với cường độ từ 10 đến trên 100 mm. Lượng mưa mới chỉ ở mức trung bình, thế nhưng nhiều địa điểm trong thành phố đã bị ngập nặng chỉ sau hơn 30 phút mưa.

Có thể thấy tình trạng ngập úng tại Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng. Nó diễn ra ngay cả ở những nơi chưa bao giờ ngập như phố cổ.

Phố Cổ ngập sau trận mưa cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: Zing.

Đâu là nguyên nhân

Lý giải về vấn đề ngập úng ở Hà Nội, PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng đường phố ở Hà Nội là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cộng với việc quy hoạch hệ thống giao thông đô thị chưa có tầm nhìn chiến lược. Chính quy hoạch giao thông không khoa học và có tầm nhìn xa khiến cho khi trời mưa lớn, lượng nước không thể chan ra được gây nên ngập úng cục bộ. Để tìm ra một giải pháp thật sự hữu hiệu giải quyết triệt để ngay và luôn vấn đề ngập úng ở Hà Nội không hề đơn giản.

Tình trạng úng ngập trên các tuyến phố của Thủ đô mỗi khi mưa lớn là do năng lực hệ thống thoát nước còn hạn chế. Vấn đề quan trọng nhất trong giải pháp chống ngập úng ở TP. Hà Nội hiện nay là phải tập trung kiểm soát lại và làm chủ được tình trạng của hệ thống tiêu nước hiện có, khơi thông các cống rãnh, kênh mương tiêu nước để tập trung ra các sông ngòi dẫn nước ra các trạm bơm cưỡng bức.

Do đó, chúng ta cần tập trung xử lý từng vấn đề một và ưu tiên hiện nay, chính là kiểm tra hệ thống thoát nước hiện có. Đây là vấn đề mang tính cốt lõi vì chính sự phát triển nhanh chóng, thiếu cân đối của đô thị đã làm ảnh hưởng tới năng lực của hệ thống thoát nước đô thị. Làm thế nào để hệ thống tiêu thoát nước được thông suốt, dẫn nước ra các trạm bơm một cách nhanh nhất thì tình trạng ngập úng cục bộ trong các khu dân cư mới chấm dứt được, ông Chủng cho biết.

Mới đây, trao đổi với báo Giao thông về nguyên nhân ngập úng ở đô thị, GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi VN cho rằng, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, gần đây biến đổi về khí hậu, lượng mưa cục bộ xuất hiện nhiều. Mưa cục bộ là kiểu mưa có thể mưa dồn dập khu này nhưng các khu khác lại không mưa.

Thứ hai là phát triển bê tông hóa ồ ạt, thậm chí cả các tuyến đường nông thôn giờ cũng đều được bê tông hóa hết. Đây là nguyên nhân cốt lõi gây ngập úng ở các khu đô thị. Bởi, bê tông làm độ nóng mặt đường tăng lên, làm tăng lượng hơi nước gây cục bộ và làm giảm mức độ thấm nước bề mặt.

Thứ ba là do trong quá trình đô thị hóa, tình trạng lấn chiếm ao hồ, hệ thống thoát nước rất phổ biến. Những hệ thống thoát nước cũ trước đây để lại thì gần như không được cải tạo.

Ông cũng cho rằng, đã đến lúc phải quy trách nhiệm ai duyệt quy hoạch cho làm chung cư ồ ạt tại Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác. Rõ ràng, những người làm quy hoạch chưa hoàn thành trách nhiệm hoặc cố tình để hướng đến lợi ích nhóm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đô thị hóa là “thủ phạm” gây ngập ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.