Thứ năm, 18/04/2024 12:05 (GMT+7)

Điều chỉnh quy hoạch Khu trung tâm chính trị Ba Đình: Nhiều cơ quan bộ, ngành phải di dời

MTĐT -  Thứ bảy, 24/05/2014 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(tinnhanhmoitruong.vn)- Sáng 22/5, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo Quyết định số 2411/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký phê duyệt, mục tiêu của việc điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc ổn định lâu dài cho các cơ quan T.Ư và hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan toàn Khu trung tâm chính trị Ba Đình. Đồng thời, bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng Khu trung tâm chính trị Ba Đình là 134,5ha; được giới hạn bởi phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, Hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.

Tăng tỷ lệ cây xanh
Di tích Phủ Chủ tịch, diện tích 4,94ha; Bảo tàng Hồ Chí Minh, diện tích 6,2ha; nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, diện tích 0,74ha; chùa Một Cột, diện tích 0,44ha - là các khu được bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc, khuôn viên có thể cho phép cải tạo chỉnh trang.
Theo quy hoạch, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT sẽ di chuyển đến địa điểm mới. Cơ sở vật chất của Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê chuyển cho Văn phòng T.Ư Đảng sử dụng để làm việc. Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ NN&PTNT chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Toàn bộ khu dân cư phía Bắc Văn phòng Chính phủ sẽ di dời để mở rộng hoàn thiện không gian công viên ven Hồ Tây và khai thác không gian ngầm làm khu dịch vụ và đỗ xe chung. Với khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, di dời các hộ dân nhằm hoàn thiện không gian cho các cơ quan Chính phủ và Chủ tịch nước. Di dời toàn bộ khu tập thể Bộ Công an, khu tập thể Trung đoàn 275 (thuộc Bộ Tư lệnh Lăng). Quy hoạch cũng xác định sẽ di dời các hộ dân cư đang ở xen trong các biệt thự tại số 4, số 6 Hoàng Diệu, ngõ Nguyễn Cảnh Chân; giải tỏa khu nhà phía Nam thảm cỏ Quảng trường Ba Đình đến khu vực khác phù hợp quy hoạch của TP.

Quy hoạch cũng nêu rõ, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được quy hoạch bảo tồn thành Công viên văn hóa lịch sử trong quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nhằm phát huy tối đa các giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc. Theo đó, cơ cấu sử dụng đất của Khu trung tâm chính trị Ba Đình có sự điều chỉnh tăng khá lớn đối với loại đất dành cho cây xanh mặt nước, thảm cỏ quảng trường, bao gồm cả khu công viên văn hóa lịch sử (từ 16% lên 28,7%).

Xây dựng lộ trình để triển khai quy hoạch

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng nêu rõ: Khu trung tâm chính trị Ba Đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện, cần phải lập quy hoạch chi tiết có tầm nhìn ổn định, lâu dài; khẳng định vị trí trường tồn cùng đất nước. Nội dung điều chỉnh lần này được đánh giá là đồng bộ, khoa học, kết hợp tốt giữa xây dựng và bảo tồn.
Để cụ thể hóa và khẩn trương thực hiện các nội dung của đồ án Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã giao Sở QH - KT phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng khẩn trương bàn giao đồ án được duyệt cho các cơ quan chức năng để quản lý theo quy hoạch được duyệt. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với UBND quận Ba Đình và Tây Hồ, cùng các đơn vị liên quan tăng cường quản lý xây dựng đô thị trong khu vực, đảm bảo tuân thủ các nội dụng quy định của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Các Sở KH&ĐT, TN&MT và UBND quận Ba Đình, quận Tây Hồ phối hợp với Sở QH - KT nghiên cứu xây dựng kế hoạch lộ trình, biện pháp di dời các khu vực dân cư, GPMB bố trí các khu vực dân cư khác phục vụ tái định cư để triển khai đúng quy hoạch, tạo điều kiện cho các dự án trong khu vực.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, cùng với việc hoàn thiện Nhà Quốc hội cần tập trung hoàn tất thủ tục để phê duyệt quy hoạch bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, sớm triển khai phương án phục chế Bảo tồn điện Kính Thiên. Đồng thời, đề nghị các cơ quan và người dân trong khu vực điều chỉnh của quy hoạch tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của TP trong quá trình triển khai, thực hiện đồ án.
Ngày 21/5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo  đã ký Quyết định 2710/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP Hà Nội, tỷ lệ 1/2000. Theo đó, Khu trung tâm chính trị Ba Đình được chia làm 6 khu vực để kiểm soát phát triển, gồm: Khu trụ sở làm việc của Chính phủ, Chủ tịch nước và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, công viên Bách Thảo và một số cơ quan an ninh; Khu cơ quan T.Ư Đảng; Khu các cơ quan Quốc hội; Khu bảo tồn di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Khu biệt thự công vụ, ngoại giao, cơ quan; Khu phục vụ chung khu trung tâm Ba Đình.
Bạn đang đọc bài viết Điều chỉnh quy hoạch Khu trung tâm chính trị Ba Đình: Nhiều cơ quan bộ, ngành phải di dời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.