Thứ sáu, 29/03/2024 05:03 (GMT+7)

Đi tìm hồn phố thị

MTĐT -  Thứ bảy, 03/08/2019 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội và nhiều đô thị khác, trong cơn lốc đô thị hóa đang ngày càng trở nên trẻ trung. Tuy nhiên, nó cũng khiến phần hồn phố thị mai một dần theo năm tháng.

Kinh tế phát triển và làn sóng đô thị hóa đang mang đến những đổi thay cho bộ mặt đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước không ít thách thức trong việc vừa bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, trong đó có kiến trúc, vừa phát triển không gian đô thị đáp ứng những yêu cầu của thời đại. Đầu tư Bất động sản xin giới thiệu chùm bài "Đi tìm hồn phố thị" liên quan đến chủ đề này.

Hà Nội và nhiều đô thị khác, trong cơn lốc đô thị hóa đang ngày càng trở nên trẻ trung. Tuy nhiên, nó cũng khiến phần hồn phố thị mai một dần theo năm tháng.

Trẻ hóa và mai một

Hồn phố thị chẳng phải gì xa lạ, mà nó ẩn sau nhiều khía cạnh của đời sống thị thành, trong đó có kiến trúc các công trình. Vậy, phần hồn này đã có sự biến đổi, bị ảnh hưởng như thế nào theo thời gian?

Để viết bài này, để đi tìm phần hồn phố thị của Thủ đô, người viết đã dành nhiều ngày để vào sâu hơn trong các con “ngõ nhỏ, phố nhỏ” Hà Nội, gặp các chuyên gia là kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa để tìm được những góc nhìn chuyên môn, vừa mang tính học thuật, lại vừa rất đời thường của họ. Ai đó, đều mang trong mình cái đau đáu trước sự biến chuyển của đô thị, trước thời gian.

Và không quá ngạc nhiên, khi hầu hết đều cho rằng, Hà Nội giờ khác quá. Cái mới mẻ của buổi mưa Âu, gió Mỹ dường như đang lấn át nhiều cái hồn phố thị truyền thống, các công trình kiến trúc từng gắn với một Hà Nội văn hiến đang chịu nhiều áp lực phải thay đổi.

Trong chuỗi bài viết này, người viết không có ý định phản bác sự tiến hóa của các công trình kiến trúc, vì đó là cuộc sống, kể cả các công trình cũ cũng cần viết tiếp câu chuyện phát triển mới của mình. Ở đây, chỉ muốn đề cập đến câu chuyện bảo vệ những nét đẹp, một phần hồn phố thị truyền thống, ở những khu vực lõi, nội đô lịch sử. Điều này thực tình cũng được quy định rõ trong Luật Thủ đô: cần bảo vệ (quy định cụ thể về khu vực, hạng mục bảo vệ tại Điều 10, Điều 11 của Luật Thủ đô).

Từ góc nhìn văn hóa

Cả buổi chiều trò chuyện với người viết, PGS-TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hơn một lần tỏ sự tiếc nuối những giá trị kiến trúc đẹp và rất khoa học của thành phố ngàn năm tuổi này dần mai một.

Nhìn nhận về biến chuyển của phố xá Thủ đô, nhà nghiên cứu văn hóa này lo lắng rằng, với cách phát triển như hiện nay, người ta đang làm mất dần kiến trúc của hệ thống quy hoạch rất khoa học trước đó. Đến nay, các phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, những trục cơ bản của phố Tây ngày trước giờ chỉ còn đường phố, hàng cây là cũ.

Còn hai bên thì khuôn viên nhà cửa, phố xá đã thay đổi, gần như mất hẳn những khuôn viên xưa, có diện tích từ 400 - 800 m2/khuôn viên. Những ngôi nhà 2 tầng trong các khuôn viên vuông vức như vậy bị phá, thay vào đó là các tòa nhà cao tầng. Đây là sự hủy hoại về cảnh quan kiến trúc đô thị Hà Nội rất đáng tiếc. Dù muộn, nhưng còn hơn không, chúng ta cần nhìn nhận và xem xét lại phương cách để cứu vớt và gìn giữ kiến trúc thời cận hiện đại của Hà Nội.

Hà Nội ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên.

Theo ông Huy, chúng ta có gần 100 năm Pháp thuộc, 60 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, mỗi thời đều tạo ra những phần ký ức, những phong cách, kiến trúc cần gìn giữ. “Tôi tin nếu giữ được những không gian kiến trúc này thì chúng không mâu thuẫn với phát triển, ngược lại chính giá trị kiến trúc này sẽ kích thích du lịch phát triển và giúp thành phố tăng thu nhập”, ông Huy nói và cho rằng, dù bất động sản đang là kênh đầu tư được rất nhiều đại gia ưa thích nhưng cũng mong các nhà  đầu tư bất động sản thay đổi suy nghĩ và tầm nhìn khi đầu tư lâu dài vào khu phố cổ và khu phố Tây.

Đừng chỉ nghĩ cách kiếm tiền duy nhất là phá các biệt thự cũ, hợp chúng lại để xây các nhà cao tầng mà sử dụng các khuôn viên và kiến trúc ở các khu phố này để kinh doanh, không chỉ du lịch mà nhiều dịch vụ khác nữa.

Hãy hướng những dòng kiến trúc hiện đại của thời hội nhập sang khu vực vùng ven trung tâm. Tất nhiên, không chỉ các chủ đầu tư, đó là trách nhiệm chính của người làm quy hoạch trong việc nâng tầm các công trình kiến trúc cũ/bất động sản ở các khu phố này lên để làm nổi lên tính văn hoá và bề sâu, chiều dài lịch sử. Làm được điều đó sẽ giúp chúng ta gìn giữ và bảo vệ được kiến trúc, di tích và văn hóa. Theo đó, tự khắc sẽ có nhiều khách du lịch và mang đến hiệu quả kinh tế.

“Rất buồn là chúng ta cứ chỉ tập trung vào khu khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long,  muốn xây lại điện Kính thiên, hoài vọng phục hồi về những thứ đã thành phế tích gần 2 thế kỷ. Nhưng những thứ đẹp đẽ của 100 năm nay, của 60 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội đang hiện hữu thì lại không nuối tiếc ”, PGS, TS. Nguyễn Văn Huy bày tỏ.

Đến góc nhìn chuyên môn

Nhìn nhận về câu chuyện kiến trúc đô thị ở thời điểm hiện tại đối với hạng mục nhà ở, theo ông Nguyễn Hồng Quang, Kiến trúc sư trưởng Văn phòng Kiến trúc Toobstudio thì nói chung, đô thị hóa sẽ dẫn tới những nhu cầu với lối sống mới, những công nghệ xây dựng mới, bản thân mỗi gia đình lại có nhu cầu về bất động sản nhiều hơn.

Vì vậy, có thể do phát triển nóng, nhanh nên chưa thực sự dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu thiết kế nhà ở phù hợp với lối sống và các nhu cầu mới. Trong khi các cụ xưa mất nhiều thời gian từ hỏi nghệ nhân, chọn gỗ, suy tính về kiến trúc và công trình mang chiều sâu hơn, tạo nên những nét văn hóa, hòa vào nếp văn hóa mang tính vùng miền.

Ngày nay, các vật liệu mới được phát triển từ công nghiệp hóa dẫn đến các công trình dần mất đi nét đặc thù. Nhu cầu lớn mà quỹ đất lại dần hạn hẹp, vì thế các ngôi nhà bị xen kẹt trong những không gian quá nhiều bê tông, không còn diện tích giành cho các không gian cây xanh và khoảng thở của đô thị nữa.

Cũng theo ông Quang, trước đây, ở Hà Nội, đặc biệt ở những ngôi nhà nhỏ, 2 - 3 tầng, có sân vườn, hoặc các nhà tập thể chỉ cao 5 tầng, đường phố gần gũi, có vỉa hè, sân trong xen kẽ tạo nên hồn đô thị, tạo nên những nét riêng có thì nay đang mất dần, như một sự tất yếu của đô thị hóa.

Hình ảnh Hà Nội xưa tại phố Bích Họa Phùng Hưng.

Các chuyên gia đều cho rằng, các hoạt động xây cất công trình, dự án, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng tại Thủ đô, đặc biệt là trong vùng lõi, khu phố cổ đều phải được xét duyệt cẩn thận, phải dựa trên quy hoạch chung của Thành phố. Chúng ta đã có quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô.

Và đây cần được coi là pháp lệnh về mặt xây dựng mà chúng ta có trách nhiệm tuân theo, tránh việc phát triển nóng và phá vỡ không gian đô thị. Đặc biệt, một điểm chung mà các chuyên gia đều rất nhấn mạnh, đó là các  quy hoạch cần mang tầm nhìn dài hạn, thậm chí đến cả trăm năm sau.

“Cần nhận thức rất rõ rằng, nếu việc quy hoạch chung cho Thủ đô ở thời điểm hiện tại là vượt quá năng lực thực hiện, thì không cần vội vã làm tất cả mọi việc mà nên có độ lùi lại. Nếu chưa làm được thì đừng phá huỷ nó. Có thể đến thời con, cháu chúng ta, khi có đủ tri thức, điều kiện thực hiện sẽ làm tốt hơn. Hãy mạnh dạn để thế hệ sau làm điều thay vì cố lằm mà ngoài sức mình”,  PGS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Hiện Hà Nội đang có sự quá tải về hạ tầng do sự tăng nhanh về quy mô dân số. Một định hướng đang được Thủ đô theo đuổi trong thời gian qua là giảm tải cho khu vực nội đô, khu phố cổ, hạn chế việc phát triển nhiều dự án chung cư, tòa nhà văn phòng tại nội đô. Tuy nhiên, điều khó hiểu là thi thoảng vẫn có những tòa cao ốc với quy mô cả trăm, cả nghìn căn hộ được mọc lên ngay trong các quận trung tâm.

Nhìn nhận về thực tế này, theo kiến trúc sư Lê Minh Quang, Giám đốc Văn phòng Kiến trúc MW Archstudio, chúng ta đã trải qua một giai đoạn tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà nội và TP.HCM. Điều này khiến cho dân số của hai đô thị này tăng lên chóng mặt.

Đô thị biến thành “cái rốn” thu hút và tập trung dân cư. Trong khi đó, kiến trúc có liên quan chặt chẽ đến mật độ dân số. Do đó, chỉ có giãn bớt tốc độ di dân, mật độ tập trung dân cư ở nội đô bằng cách phương án di dời trường học, bệnh viện, nhà máy và các cơ sở công quyền… ra khỏi nội đô để tạo khoảng thở cho đô thị.

Theo báo Đầu tư bất động sản

Bạn đang đọc bài viết Đi tìm hồn phố thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.