Thứ sáu, 29/03/2024 20:51 (GMT+7)

Di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô, vì sao vẫn chậm trễ?

MTĐT -  Thứ ba, 10/09/2019 17:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội trên địa bàn 12 quận, có 186 địa điểm hiện đang là các cơ sở sản xuất phải di dời. Trong đó có nhiều nhà máy có quy mô rất lớn, nằm ở khu “đất vàng” của Thủ đô.

Trong 7 quận nội thành, đứng đầu là địa bàn quận Đống Đa với 16 cơ sở sản xuất: Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (460 Trần Quý Cáp) rộng hơn 13.000m2, Cty Cơ khí ô tô 3-2 (18 Giải Phóng) rộng hơn 14.000 m2. Nhiều không kém là quận Hai Bà Trưng với 14 cơ sở, trong đó có Cty CP bánh kẹo Hải Hà (25 Trương Định), Cty TNHH Nhà nước MTV Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Dệt Minh Khai... Địa bàn quận Ba Đình có Nhà máy Bia Hà Nội (183 Hoàng Hoa Thám) với diện tích 50.000m2 - khu vực đã được quy hoạch làm đất phát triển đô thị (đất hỗn hợp, công cộng đô thị, trường học và cây xanh).

Trong số các cơ sở này, Sở TN&MT đã xác định 26 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trong đó có Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường tiền thân là Nhà máy cơ khí Cầu Đường thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, có trụ sở tại 460 Trần Quý Cáp. Theo phản ánh, nhiều hoạt động như in ấn, giặt là, cho thuê kho bãi khiến cho cư dân xung quanh bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi…

Tháng 10/2018, Sở TN&MT Hà Nội đã quan trắc nước thải tại đây, kết quả cho thấy nhiều thông số ô nhiễm trong nước thải như: COD, TSS, asen… Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cty vẫn tiếp tục hoạt động.

Hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông. 

Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội đã được đưa ra từ những năm 1992 nhưng đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này được đặt ra.

Sau vụ cháy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi văn bản lên Chính phủ đề nghị rà soát tất cả các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm còn nằm lại trong dân cư, và đề nghị di dời các cơ sở này khỏi các khu dân cư.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tại Quy hoạch điều chỉnh Thủ đô Hà Nội năm 1992 đã xác định rõ phải cải tạo các khu công nghiệp trong nội đô để đảm bảo không gây cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, quy hoạch đã đặt vấn đề phải di dời một số cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành và lúc đó, Hà Nội cũng đã có chính sách để ưu tiên di dời các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên giới thiệu địa điểm thích hợp; hình thành các cụm công nghiệp vừa và nhỏ để các cơ sở sản xuất di dời ra như cụm công nghiệp Minh Khai, Mỹ Đình, Đông Anh…

Đáng nói, tại thời điểm này, Hà Nội đã đặt vấn đề ưu tiên nếu các chủ đầu tư cơ sở công nghiệp có liên kết hợp lý, đưa ra chức năng phù hợp quy hoạch thì sẽ được tham gia đầu tư xây dựng.

Đến Quy hoạch Thủ đô năm 1998, đã xác định rõ ràng hơn là di dời các khu và cụm công nghiệp ra khỏi nội đô. Hà Nội đã bổ sung một loạt chính sách  ưu tiên để thực hiện việc di dời như ưu đãi về thuế và giá trị sử dụng đất...

Tiếp đến, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (năm 2011) một lần nữa khẳng định yêu cầu trên và thêm vào đó là Luật Thủ đô 2013 đã xác định phải di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, xây dựng những đô thị vệ tinh các khu công nghiệp mới để tạo điều kiện cho các cơ sở di dời.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, khu Cao Xà Lá (Cao su Sao Vàng, Xà phòng, thuốc lá Thăng Long) và Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những nơi phải di dời sớm.

Hà Nội cũng đã bố trí địa điểm để di dời, nhưng vì cả chủ quan lẫn khách quan mà đến nay vẫn chưa di dời. Đáng nói, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông chưa di dời nhưng lại tiếp tục sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ngay tại nội đô.

Trao đổi với báo Lao động, lãnh đạo Sở TN-MT TP.Hà Nội cho biết, sau sự cố hoả hoạn tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các phương án di dời cơ sở công nghiệp theo phương thức bắt buộc. “Chúng tôi sẽ thông báo trước cho doanh nghiệp và chỉ tiêu quy hoạch khu đất sau khi di dời cơ sở sản xuất, ghi rõ địa điểm dời đến, cơ chế hỗ trợ về vốn, đất đai… Vấn đề là vì giá trị khu đất, nên nhiều doanh nghiệp muốn duy trì, không muốn nhả ra” - vị lãnh đạo này nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi sự cố cháy nổ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ đề nghị các địa phương rà soát các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm còn hoạt động trong các khu dân cư. “Giải pháp căn cơ, lâu dài vẫn là di dời các cơ sở này ra khỏi các khu dân cư, các đô thị cư dân đông đúc” - ông Thức nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô, vì sao vẫn chậm trễ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới