Thứ năm, 25/04/2024 10:41 (GMT+7)

Đề xuất xây khách sạn 36 tầng cạnh Hồ Tây: Vì sao biết sai vẫn xin?

MTĐT -  Thứ bảy, 05/05/2018 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù biết việc xây khách sạn cao 36 tầng ở khu vực hồ Tây là không đúng với quy hoạch nhưng UBND TP. Hà Nội vẫn cứ gửi văn bản lên xin ý kiến của Bộ Xây dựng.

 UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng tại khu đất số 200 đường Yên Phụ, phường Yên Phụ và Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Công ty cổ phần Khách sạn Thắng Lợi đang đề nghị Hà Nội chấp thuận đề xuất nghiên cứu lập và triển khai dự án. Doanh nghiệp này cũng đề xuất giữ nguyên khối công trình cao 1-3 tầng đã xây trên đất có mặt nước.

Khối dịch vụ khách sạn một tầng tại trung tâm khu đất được đề xuất dỡ bỏ, để xây mới công trình 36 tầng với chức năng tổ hợp dịch vụ, thương mại, khách sạn và căn hộ dịch vụ. Khu đất này có tổng diện tích hơn 42.000 m2, trước đó, từ năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý cho đơn vị này thuê để tiếp tục sử dụng làm khách sạn.

Khách sạn Thắng Lợi. Ảnh: Internet.

Dù UBND TP. Hà Nội biết, khu vực này không được phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây. Trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ điều này.

Ngoài ra văn bản của UBND TP. Hà Nội cũng nêu rõ, khách sạn Thắng Lợi thuộc loại công trình có kiến trúc đặc biệt, bảo tồn không gian và công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan. Hơn nữa, theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được UBND thành phố ban hành năm 2016, khu đất nằm tại vị trí không xây dựng công trình cao tầng.

Trên cơ sở Quy hoạch phát triển du lịch TP. Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến 2030 đã được phê duyệt, UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp khách sạn Thắng Lợi là cần thiết, phát huy lợi thế vị trí, tạo điểm nhấn cho khu vực Hồ Tây và du lịch thủ đô. Tuy nhiên, đề xuất xây dựng công trình cao 36 tầng của công ty này là vượt quá quy định, không phù hợp với quy hoạch của khu vực.

Dù đến nay, đề xuất trên vẫn chưa được Bộ Xây dựng phản hồi nhưng nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao biết sai nhưng Hà Nội vẫn cứ đề xuất lên trên?

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội gửi những đề xuất biết là không khả quan lên Bộ Xây dựng, trước đó, Hà Nội đã từng đưa ra lấy ý kiến về việc điều chỉnh, xây dựng công trình cao tầng tại khu vực Ga Hàng Cỏ...nhưng đã bị chuyên gia và Bộ Xây dựng phản đối.

Mới đây, Hà Nội cũng gửi đề xuất dự án cải tạo ga Hàng Cỏ tới các bộ, ngành để xin ý kiến. Trong đó, nếu theo đồ án cải tạo ga Hà Nội đã được UBND TP. Hà Nội thông qua thì khu vực này sẽ mọc lên các khối nhà cao từ 40 - 70 tầng.

Điều chỉnh xây dựng công trình cao tầng tại khu vực Ga Hàng Cỏ cũng từng bị dư luận phản đối. Ảnh: Internet.

Theo các chuyên gia, việc xây các khối nhà cao chót vót như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch khu vực ga Hà Nội, gây sức ép trực tiếp tới hạ tầng khu vực nội đô Hà Nội. Nên ngay lập tức bị giới chuyên môn cũng như người dân phản ứng gay gắt. Thậm chí cả Bộ Xây dựng và Bộ GTVT cũng không đồng tình, tỏ rõ lo ngại về đồ án này.

Đáng lưu ý, đồ án cải tạo ga Hà Nội đi ngược lại với những văn bản pháp lý trước đó, trong đó quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử ban hành vào tháng 4/2016, UBND TP. Hà Nội khẳng định, khu vực ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m); và việc này đi ngược lại với quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay UBND TP. Hà Nội vẫn chưa đưa ra thông tin dừng hoặc điều chỉnh đồ án cải tạo ga Hà Nội.

Việc Hà Nội gửi những đề xuất điều chỉnh quy hoạch lên các cấp, thậm chí lên Chính phủ đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thẳng trong hội nghị tổng kết công tác năm 2017 diễn ra ngày 16/1. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

“Có những trường hợp các chủ đầu tư thuyết phục, can thiệp để thay đổi quy hoạch. Đồ án quy hoạch chưa chất lượng, dẫn đến có những trường hợp vừa phê duyệt đã lại sửa” - Thủ tướng nói.

Nói về văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng ở Hồ Tây, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội nên thể hiện thái độ dứt khoát để tránh lặp lại những sai lầm cũ thay vì đi hỏi xin ý kiến Bộ Xây dựng.

“Đây là những bài học về việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng công trình cao tầng mà Hà Nội phải ghi nhớ để tránh mắc sai lầm”, ông Nghiêm nhắc nhở.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất xây khách sạn 36 tầng cạnh Hồ Tây: Vì sao biết sai vẫn xin?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành