Thứ sáu, 29/03/2024 21:33 (GMT+7)

Đề xuất 'giải tỏa trắng' ven kênh, rạch ở TP. HCM

MTĐT -  Thứ tư, 11/09/2019 14:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 10/9, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành; các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết: Đến nay, Thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu, trong đó đã cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông từ 30m - 60m. Theo quy hoạch được duyệt, không gian dọc sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành có chức năng là cây xanh, công viên và các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Mặc dù, quy hoạch và thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh rạch đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Tính định hướng kết nối khai thác tiềm năng cảnh quan không gian 2 bên bờ sông chưa được quan tâm đúng mức, một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trải qua nhiều giai đoạn nhưng lại thiếu đồng bộ do căn cứ vào các cơ sở pháp lý khác nhau. Tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như: xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê còn phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư đô thị hoá cao nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Nhã, các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát, xử lý những trường hợp lấn sông trái phép. Đồng thời, phải cương quyết không để xảy ra những trường hợp lấn chiếm trái phép trong thời gian sắp tới. Những lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì các cơ quan ban ngành, cơ quan chuyên môn có ý kiến để xử lý. Việc xử lý phải mang tình triệt để, đảm bảo những yêu cầu chung.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, thời gian qua, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ gây ra tình trạng sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch; đặc biệt, hệ thống quản lý chưa đồng bộ khiến các bờ sông đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án nhà ở ảnh hưởng đến dòng chảy.

Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM, Thành phố cần rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc. Đối với những dự án lấn chiếm trái phép kênh rạch cần có xử lý theo quy định của pháp luật, còn đối với những dự án do lịch sử để lại, trước đây đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phải có giải pháp điều chỉnh hợp lý.

Phát biểu tại hội thảo, kiến trúc sư Luigi Campanale dẫn lại câu chuyện của thành phố Milan (Ý). Theo ông, vào thế kỷ 19 Milan đã đứng trước những vấn đề mà TP.HCM đang đối mặt như đô thị hóa nhanh, các dòng sông ô nhiễm, ngập úng…

Khi đó chính quyền thành phố này từng lấp kênh, tuy nhiên do gặp phải sự phản ứng của người dân nên hoạt động này bị dừng và dần khôi phục lại những phần kênh đã lấp. Thực tế hiện nay chứng minh việc làm đó là chính xác, bởi các dòng kênh đã tạo nên cảnh đẹp của Milan hôm nay, đồng thời kết nối thành một hệ thống đổ ra biển.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ hệ thống sông, kênh, rạch tại TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức của quá trình đô thị hóa. Dù có vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP.HCM, việc quản lý, bảo vệ môi trường ven kênh, rạch chưa được coi trọng.

Đóng góp ý kiến cho hội thảo, ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu thực trạng khung cảnh tại các bờ kênh, rạch của TP đang mất mỹ quan nghiêm trọng.

Ngoài môi trường sống bị ảnh hưởng xấu, môi trường xã hội, điều kiện phát triển của cư dân tại những khu ổ chuột ven sông cũng bị giới hạn. Thiếu công trình tiện ích xã hội khiến trẻ em tại các khu nhà ven sông dễ phải đối mặt với tệ nạn, về lâu dài sẽ để lại những hậu quả lớn cho toàn cộng đồng.

Để giải quyết được thực trạng trên, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất áp dụng biện pháp "giải tỏa trắng" không gian dọc các tuyến sông, kênh, rạch để tạo dựng lại những không gian mới đầy đủ chức năng hơn.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười góp ý TP.HCM nên thực hiện cuốn chiếu theo từng đoạn, đầu tư xây dựng mới bao gồm tổ chức lại cho dân tái định cư lại. Tạo dựng cho dân tái định cư nhịp sống an toàn về kinh tế, xã hội.

Kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP cần nghiên cứu sâu kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch, làm kè và sử dụng đất ven sông. Theo ông Nhân, phải phân loại rõ chức năng sông theo các phần như giao thông, thoát nước, không gian chung, hay các dự án kinh doanh. Ông nhấn mạnh trong quá trình làm việc thực tế TP sẽ rà soát những vấn đề không hợp lý và điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, hiện hệ thống sông rạch chiếm 16,8% diện tích TP.HCM. Ngoài sông Sài Gòn có dài 256km, TP còn một hệ thống kênh rạch lớn nhỏ như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm... lên đến 112 tuyến, với tổng chiều dài hơn 900km.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất 'giải tỏa trắng' ven kênh, rạch ở TP. HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới