Thứ sáu, 19/04/2024 16:03 (GMT+7)

Đặt tên đường phố Hà Nội, cần những tiêu chí gì?

MTĐT -  Thứ ba, 30/07/2019 12:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù TP. Hà Nội chưa hề có quyết định nào đặt tên cho con đường mới đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng ra đường Võ Chí Công thế nhưng, lại có con đường tên "Ngô Minh Dương" tồn tại suốt thời gian qua.

Ngày 29/7, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội Tô Văn Động đã có văn bản gửi UBND quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các phường sở tại khẩn trương kiểm tra, rà soát, tháo dỡ biển tên đường Ngô Minh Dương, báo cáo kết quả về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trước ngày 30/7/2019.

Văn bản của Sở cũng khẳng định, Ngô Minh Dương là nhân vật nào đó không rõ lai lịch, không có tên trong Ngân hàng tên đường, phố Hà Nội cũng như chưa có trong các Quyết định đặt tên đường, phố của TP.Hà Nội.

Con đường mang tên một nhân vật không rõ lai lịch. Ảnh: Internet.

Trước đó, những ngày qua, người dân xôn xao khi một con đường vừa hoàn thành bất ngờ được đặt tên một cách tự phát là "đường Ngô Minh Dương".

Biển tên đường "Ngô Minh Dương" được dựng lên trên con đường 60 m với 10 làn xe chạy ngang qua khu đô thị Ngoại giao đoàn, nối đường Phạm Văn Đồng với đường Võ Chí Công. Đoạn đường do dự án Tây Hồ Tây thi công, đưa vào sử dụng từ giữa năm 2018.

Sau khi báo chí phản ánh, tấm biển ghi tên đường "Ngô Minh Dương" đã được tháo xuống. Tên đường "Ngô Minh Dương" cũng đã "biến mất" trên Google Maps.

Trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thị Hương Chà - Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, đơn vị có tuyến đường đi qua cho biết, UBND phường không thực hiện việc cắm biển và chưa nắm rõ vì sao lại đặt tên đường như vậy.

"Phường đã có văn bản đề nghị UBND Quận Bắc Từ Liêm yêu cầu các đơn vị có liên quan giải trình. Trong thời gian tới, phường mong muốn các đơn vị thi công dự án khu Ngoại giao đoàn và Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây sớm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng để bàn giao con đường cho phường quản lý.

Khi đó, việc đặt tên sẽ được các sở, ngành của thành phố hoàn thiện theo đúng quy trình để con đường có tên chính thức chứ không bị tự ý đặt tên "Ngô Minh Dương" như thời gian vừa qua", Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo kiến nghị.

Theo người dân sinh sống quanh tuyến đường này, tấm biển "Ngô Minh Dương" xuất hiện từ khi con đường được khánh thành cách đây 2 năm.

Thế nhưng, vụ việc mới bắt đầu gây xôn xao từ một bài viết trong nhóm facebook của cư dân khu Ngoại giao đoàn với thắc mắc: "Ngô Minh Dương là ai?". Bài viết có nội dung:

"Ngô Minh Dương - là tên con đường 60 mét với 10 làn xe thênh thang chạy ngang qua khu đô thị Đoàn Ngoại Giao - Star Lake, kết nối đường vành đai 3 Phạm Văn Đồng với đường vành đai 2 Võ Chí Công.

Tên đường này có thể dễ dàng tìm thấy trên Google maps và ai đi vào khu Đoàn Ngoại giao cũng nhìn thấy biển tên đường cắm ngay cửa ngõ. Các bác cho hỏi Ngô Minh Dương là ai ạ?".

Con đường 60 mét với 10 làn xe thênh thang. Ảnh: Infonet.

Việc tự ý đặt biển tên đường Ngô Minh Dương không những không đúng với thẩm quyền mà còn ảnh hưởng đến trật tự giao thông và gây nhầm lẫn cho người dân sinh sống tại đây. Đến nay, thành phố Hà Nội và cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định đặt tên đường trong khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây thuộc địa bàn phường Xuân Tảo.

Được biết, mỗi năm, Hà Nội sẽ tổ chức một lần đặt và đổi tên đường phố cho các tuyến phố mới, các tuyến phố điều chỉnh địa giới. Việc đặt tên phải do UBND các quận, huyện đề xuất lên Sở VH&TT Hà Nội, trình Hội đồng khoa học đặt và đổi tên đường phố cấp TP lựa chọn từng tên gọi phù hợp trong ngân hàng tên đường đã xây dựng trước đó. Sau đó, Sở VH&TT Hà Nội làm tờ trình xin ý kiến của UBND TP và trình HĐND TP xem xét, cho biểu quyết trong các kỳ họp.

Với người yêu Hà Nội, tên đường, tên phố không chỉ gợi nhớ những địa danh mang tính điểm đến mà còn là nét văn hóa và cả chiều dài lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Các đường phố ở Thủ đô ngày nay được đặt tên không phải tùy tiện, ngẫu hứng, mà phần lớn tuân theo một quy tắc đã có từ năm 1945. Chính vì vậy, không bao giờ tên đường phố được phép đặt hoặc lựa chọn một cách tự phát.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 6686, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng TP Hà Nội. Theo đó, công tác đặt, đổi tên được sẽ phải trải qua nhiều vòng kiểm kê, nghiên cứu, thẩm định của các sở ngành của thành phố rồi mới tham mưu cho UBND thành phố, trình HĐND thành phố để thông qua tại các kỳ họp thường niên. Vậy nên việc xuất hiện một cái tên đường mà chính quyền địa phương cũng không biết, HĐND thành phố chưa thông qua đã gây rất nhiều bất ngờ cho người dân.

Trao đổi với vov, KTS Ngô Doãn Đức, người từng có nhiều năm là thành viên của Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường phố của Hà Nội lên tiếng, trước nay, việc đặt tên đường phố vẫn thường có nhiều tranh cãi khi sử dụng tên các danh nhân, người nổi tiếng. Việc này cần nghiên cứu lại trên cơ sở khoa học hơn: Tôi là người có thời gian tham gia đặt tên đường phố Hà Nội, tôi thấy rằng có những cái về mặt vĩ mô cần thống nhất lại khoa học hơn, văn minh hơn. VD : Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 rất dễ quản lý. Đừng quá dùng tên người nhiều. Hội đồng sẽ phải làm việc kiên quyết hơn, chứ vừa rồi tôi thấy còn khá thụ động.

Điều 10, Nghị định 91/2005/NĐ-CP quy định về việc Đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây:

1.Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.

2.Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội.

3.Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

4.Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.

5.Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Điều 11.Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các thành phố loại I trực thuộc Trung ương cần quy hoạch đại lộ. Tên đặt cho đại lộ phải là tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc tên danh nhân tiêu biểu nhất.

Điều 12.Đường, phố quá dài, căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đặt tên đường phố Hà Nội, cần những tiêu chí gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.