Thứ tư, 24/04/2024 04:37 (GMT+7)

Đà Nẵng: Chi hơn 12.000 tỷ di dời ga đường sắt ra ngoại ô?

MTĐT -  Thứ sáu, 15/11/2019 10:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đà Nẵng vừa lên phương án mới về việc di dời ga đường sắt khỏi trung tâm TP, nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, rút ngắn hành trình tàu chạy. Theo đó tổng mức đầu tư dự án dự toán khoảng 12.636 tỷ đồng.

Theo báo Giao Thông đưa tin, chiều 14/11, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, đã chủ trì họp và có phương án trình UBND TP Đà Nẵng để báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức BT.

Được chia thành hai tiểu dự án

Theo đó, tiểu dự án 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, đầu tư theo hình thức BT; Tiểu dự án 2 là đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng.

Tiểu dự án 1 với 3 hợp phần chính. Ở hợp phần 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố, đưa về phía Tây, xây dựng mới tuyến đường sắt qua thành phố và các công trình trong ga.

Hợp phần 2, sau di dời nhà ga cũ ra khỏi trung tâm thành phố, khu vực nhà ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường các tiện ích đô thị cho khu vực trung tâm thành phố.

“Xung quanh nhà ga đường sắt mới đầu tư các cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng phát triển tích hợp, định hướng giao thông, cải thiện hạ tầng đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường kết nối đường sắt với các KCN, khu công nghệ cao, đường cao tốc, cảng biển Liên Chiểu...; tăng cường kết nối giao thông với trung tâm thành phố, đặc biệt là kết nối bằng phương thức vận tải công cộng”, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết.

Đà Nẵng có phương án mới về di dời ga đường sắt Đà Nẵng

Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết thêm, hợp phần 3 là “Tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng”, sau khi di dời tuyến đường sắt về phía Tây, thành phố sẽ tận dụng lại hành lang đường sắt cũ tái phát triển thành các trục giao thông chính theo hướng Bắc -Nam và trung tâm thành phố đến khu vực Tây - Bắc.

Cụ thể, xây dựng trục giao thông chính (đại lộ) với mặt cắt ngang dự kiến 33m (gồm 6 làn xe) để kết nối các khu vực, đồng thời là tuyến vận tải công cộng trong tương lai. Tái phát triển đô thị 2 bên hành lang tuyến đảm bảo mỹ quan, hiện đại; xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho nhu cầu tái định cư cho hợp phần này cũng như cho toàn bộ dự án…

Đối với Tiểu dự án 2 sẽ tập trung đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng.

Cũng theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, việc di dời ga sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm thiểu TNGT, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện đi lại của người dân, rút ngắn hành trình, thời gian tàu chạy Bắc-Nam…

Vốn đầu tư lớn

Theo đó, tổng mức đầu tư (tạm tính) để thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo phương án mới vừa được Bán Cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy là 12.636 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%). Trong đó Tiểu dự án 1 di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị là 10.236 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%).

Tiểu dự án này sẽ thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của TP (theo quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT tại Nghị định 69/NĐ-CP ngày 15/8/2019). Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của TP.

Còn đối với Tiểu dự án 2, kinh phí (tạm tính) để thực hiện việc đền bù giải tỏa phục vụ dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị là 2.400 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng phí 20%), sử dụng nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng.

Trao đổi với Infonet chiều 13/11, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng nhận định, phương án mới vừa được Sở KH-ĐT Đà Nẵng trình (với sự đóng góp ý kiến của các Sở, ngành hữu quan) và được Ban Cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy có tính khả thi cao hơn hẳn so với tình trạng kéo dài nhiều năm qua.

“Dự án này kéo dài nhiều năm không triển khai được là do phụ thuộc vào nguồn vốn Bộ GTVT. Tuy nhiên, hiện Chính phủ đã có Nghị định 69/NĐ-CP ngày 15/8/2019 quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Đây chính là cơ sở để Sở KH-ĐT Đà Nẵng trình phương án mới đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. So với tình hình trước đây thì phương án mới này có tính khả thi hơn hẳn!” – Ông Lê Văn Trung nhận định.

Cũng theo ông Lê Văn Trung, hiện Ban Cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng đang chuẩn bị báo cáo Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương thực hiện Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức BT để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng với TP đề xuất thực hiện dự án.

“Sau khi Thường trực Thành ủy thống nhất, UBND TP Đà Nẵng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương. Nếu được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương thì TP Đà Nẵng sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện dự án theo phương án mới này, vì người dân trong khu vực dự án cũng đã bức xúc nhiều năm lắm rồi!” – Ông Lê Văn Trung nói.

 P.V (tổng hợp)

  

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Chi hơn 12.000 tỷ di dời ga đường sắt ra ngoại ô?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới