Thứ sáu, 19/04/2024 09:53 (GMT+7)

Chuyện lạ tại Vĩnh Phúc: Một xã nghèo có đến 2 dự án sân golf?

Cẩm Anh -  Thứ bảy, 02/11/2019 07:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với lợi thế về phong cảnh, đất lâm nghiệp trồng keo và bạch đàn, có sẵn hồ nước tự nhiên, xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thật sự có sức thu hút đối với các dự án sinh thái, sân golf.

Dự án sân golf sát hồ cung cấp nước đầu nguồn cho cả vùng

Ngày 4/9/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 2288/SKHĐT-KTĐN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xin ý kiến tham gia thẩm định chủ trương đầu tư Dự án sân golf Gia Khau của Công ty Cổ phần khai thác vật liệu xây dựng An Thịnh.

Được biết, ngày 27/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 9263/BKHĐT-KTDV về việc bổ sung sân golf Gia Khau, tỉnh Vĩnh Phúc vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Theo đề xuất của Công ty Cổ phần khai thác vật liệu xây dựng An Thịnh, dự án sân golf Gia Khau (thôn Gia Khau, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có diện tích khoảng 85ha, trong đó, rừng sản xuất chiếm: 27,92ha, đất khai thác đá 47,84ha; đất khác chiếm 9,24ha. Tổng vốn đầu tư 828,82 tỷ đồng. Định hướng trở thành sân golf cao cấp 18 hố tiêu chuẩn quốc tế.

Hồ Gia Khau nằm trong diện tích xây dựng sân golf Gia Khau. 

Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, dự án sân golf Gia Khau hiện vẫn đang chờ ý kiến phản hồi từ các Bộ, ngành. Sau khi có được ý kiến, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ cho biết, nằm trong dự án Khu sinh thái Nam Tam Đảo (thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ) cũng có một sân golf. Dự án này được giao đất từ năm 2004, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà gần đây mới được triển khai xây dựng.  

Đáng chú ý, sân golf Gia Khau và sân golf trong dự án Khu sinh thái Nam Tam Đảo đều có hồ tự nhiên, cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất nông nghiệp cho bà con trong vùng.

Cụ thể, sân golf Gia Khau giáp hồ Gia Khau hay còn được gọi là hồ Trại Ngỗng, dự án Khu sinh thái Nam Tam Đảo có hồ Thanh Lanh. Trong đó, nước hồ Gia Khau được dẫn từ hồ Thanh Lanh, cung cấp cho khoảng 300 hộ dân của thôn Gia Khau. Bên cạnh đó, nước hồ Thanh Lanh cũng được dẫn ra hồ Thiện kế, cung cấp nước cho toàn xã Thiện Kế. Ngoài nguồn nước từ các hồ trên, người dân trong vùng không có nguồn nước dùng thay thế.

Ở đây vào mùa khô giếng cạn không có nước, người dân phải dẫn nước ngoài đồng về nhà, nước từ các hồ được dẫn về ngấm qua giếng đưa vào bể, người dân dùng nước này phục vụ chăn nuôi, rửa ráy sinh hoạt, nguồn nước ở đây không đảm bảo do hồ Trại Ngỗng đã được thầu để nuôi cá, dân ở đây chưa được đầu tư sử dụng nước sạch”, ông Toàn cho biết.

Hồ Thanh Lanh nằm trong Khu sinh thái Nam Tam Đảo. 

Để có thể hình dung về mối nguy hại khi sân golf nằm sát nguồn nước, tôi xin được trích dẫn một vài “báo động đỏ” do ngành Tài nguyên và Môi trường phát đi trong Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010, “một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp). Trong đó, có các chất như axit silic, ooxxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Toàn cho rằng, UBND xã Trung Mỹ là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, không đủ điều kiện, năng lực để xác định sân golf sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ở mức độ nào, tuy nhiên, địa phương cũng có nhiều lo lắng, trăn trở trước nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước từ các dự án sân golf.

Nói thật, bà con nhân dân ở đây về khoa học kỹ thuật không am hiểu, quan điểm bọn anh rất lo lắng, trước mắt có thể tạo công ăn việc làm, tạo động lực cho địa phương phát triển nhưng về lâu dài ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là sức khỏe, đời sống của người dân thì rất đáng lo ngại, vì mình cũng ở đây mà.

Qua tham khảo một số địa phương có sân golf, họ sử dụng rất nhiều thuốc hóa học, nếu không cỏ không phát triển được, vì thế hệ thống xử lý chất thải phải đảm bảo, nếu không rất nguy hiểm, đã đầu nguồn thì nhiều người phải chịu ảnh hưởng”, ông Toàn bộc bạch.

Đường vào dự án Khu sinh thái Nam Tam Đảo. 

Chính vì những trăn trở này mà khi dự án Khu sinh thái Nam Tam Đảo triển khai, chính quyền xã Trung Mỹ cũng đã đưa ra một số đề xuất đối với chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, xã đề nghị đơn vị phải chấp hành các quy định pháp luật về công tác môi trường đảm bảo đời sống sức khỏe người dân, không được để ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đầu nguồn, khắc phục để hệ thống tiêu thoát nước của dự án phải đảm bảo, vì dự án không những ảnh hưởng đến bà con nhân dân trong xã mà còn rất nhiều các xã dưới hạ lưu…

Thế nhưng, cụ thể nhà đầu tư có những giải pháp như thế nào để bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước thì không ai có thể biết và kiểm soát. Những nguy cơ ô nhiễm vẫn ngày đêm rình rập, thế nhưng bà con nơi đây lại nhiệt liệt ủng hộ dự án Khu sinh thái Nam Tam Đảo, ủng hộ sân golf tại đây, với lý do rất đơn giản, nhà đầu tư mới đã chi thêm tiền hỗ trợ cho người dân trong vùng dự án, mặc dù năm 2004, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã cơ bản hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Đừng bắt đồng bào chịu hậu quả môi trường”

Mới đây, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã viết thư gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải toàn tỉnh Vĩnh Phúc tại xã Trung Mỹ.

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện xã Trung Mỹ có đến 2 dự án sân golf, mà đáng chú ý, 2 dự án sân golf nằm sát hồ cung cấp nguồn nước đầu nguồn cho người dân, nguyên Thứ trưởng cho biết, xã Trung mỹ đại đa số là đồng bào dân tộc chủ yếu là Sán Dìu, người dân có cuộc sống dựa vào nông nghiệp rất tốt đẹp, ổn định. Việc xây dựng sân golf sẽ làm mất đi tính ổn định cuộc sống của đồng bào.

Tôi biết xã Trung Mỹ, không nên xây sân golf tiếp giáp nguồn nước của bà con, làm như vậy là mất đi tính ổn định cuộc sống của đồng bào, đừng bắt đồng bào chịu hậu quả môi trường, sân golf gần nguồn nước hậu quả rất khôn lường, sân golf tưới tiêu sẽ sinh ra nhiều chất độc hại, dự án nào đang làm rồi thì thôi đành, cái chưa làm thì nên thôi”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Những câu chuyện phía sau 2 dự án sân golf này còn nhiều điều thú vị, trong quá trình đi thực tế và tìm hiểu, chúng tôi đã được nghe chính từ cán bộ xã chia sẻ về ông chủ thực sự của dự án sân golf này? Vì sao người dân đã nhận đủ tiền đền bù xong vào năm 2004 giờ đây họ lại tiếp tục đền bù lần thứ 2? Vì sao đơn vị cũ đã thoát dự án này nhưng nhân vật mới vẫn chưa lộ diện? 

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục câu chuyện một xã có 2 sân golf ôm trọn hồ nước ngọt toàn vùng này. 

Bạn đang đọc bài viết Chuyện lạ tại Vĩnh Phúc: Một xã nghèo có đến 2 dự án sân golf?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?