Thứ sáu, 29/03/2024 02:12 (GMT+7)

Chưa rõ xuất xứ cây phong lá đỏ trồng ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ tư, 17/01/2018 14:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đã triển khai trồng 100 cây phong lá đỏ trên đường Trần Duy Hưng, nhưng đến nay đơn vị tiếp nhận trồng cây vẫn chưa biết cây này có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu và thuộc loại nào.

Hà Nội đang triển khai trồng cây phong lá đỏ tại các tuyến phố như: Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ. Trước thông tin này nhiều người tỏ ra vô cùng vui mừng vì không cần đi đâu xa, Hà Nội sắp được chiêm ngưỡng những cây phong đẹp như Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều người cũng thắc mắc, không biết cây phong lá đỏ này thuộc loại nào, xuất xứ từ đâu và liệu nó có phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Hà Nội hay không khi mà nó chưa được trồng thí điểm.

Những cây phong đầu tiên được trồng trên phố Trần Duy Hưng.

Nói về xuất xứ của loại cây này, ông Nguyễn Xuân Hanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho biết, cây phong lá đỏ này là do một đơn vị tài trợ qua Thành phố, Công ty chỉ tiếp nhận để trồng thử nghiệm nên chưa biết rõ xuất xứ ở đâu, cũng như nhà tài trợ là ai.

Khi hỏi tại sao một đơn vị chuyên môn như Công ty công viên cây xanh mà lại không biết rõ loại cây mà mình trồng có xuất xứ từ đâu cũng như thuộc loại nào và dù là tiếp nhận của đơn vị tài trợ thì cũng phải có hồ sơ rõ nguồn gốc cũng như đặc điểm của loại cây đó?

Ông Hanh nói: “Chắc chắn là có hồ sơ và nguồn gốc rõ ràng, nhưng thời gian này sát Tết, chúng tôi rất bận nên cứ tiếp nhận và trồng thử nghiệm trước”.

Ông Hanh cũng cho biết, cây phong lá đỏ dù lần đầu tiên được trồng thử nghiệm ở Hà Nội nhưng trước đó đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác trên cả nước như trên đỉnh Fansipan (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Đà Lạt, Tam Đảo...

Phong lá đỏ sống được Tam Đảo hay Sa Pa, nhưng liệu có hợp với khí hậu Hà Nội?

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cho hay, cây phong lá đỏ tỏa bóng mát rất đẹp, khi lá về già ngả sang màu đỏ sẽ tạo điểm nhấn cho các tuyến phố. Loại cây này rất thích hợp trồng ở các đô thị lớn. Tại Trung Quốc, cây phong lá đỏ được trồng nhiều ở Vân Nam, Nam Ninh.

“Tôi đã từng sống ở bên Vân Nam và tôi thấy khí hậu ở Việt Nam cũng gần tương đồng với bên đó. Thêm nữa, các tỉnh miền Nam Trung Quốc cách Hà Nội không xa nên tôi cho rằng Hà Nội trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ sẽ thành công”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm, phong lá đỏ có nhiều loài, Hà Nội hiện đang trồng thử nghiệm loài phong lá đỏ được thuần hóa, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây chứ không phải là cây phong mang về từ đất nước Canada.

Cây phong lá đỏ có nhiều ở các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lá phong có màu đỏ, vàng thường rụng vào mùa thu mang đến vẻ đẹp lãng mạn. Có lẽ, chính vì vẻ đẹp ấy nên cây phong được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết, khoảng 1 năm nữa, những cây phong này sẽ đem màu sắc của cây phong châu Âu đến vùng nhiệt đới.

Người đứng đầu TP Hà Nội cũng cho biết thêm, “Chúng tôi vận dụng các kiến thức khoa học, nghiên cứu tường tận và đặc biệt là tham khảo ý kiến của các chuyên gia rồi mới chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh thí điểm”.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chưa rõ xuất xứ cây phong lá đỏ trồng ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.