Thứ sáu, 26/04/2024 14:20 (GMT+7)

Chủ tịch Thừa Thiên Huế dẫn người dân đi xem nơi ở mới

MTĐT -  Thứ hai, 28/10/2019 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 27/10, ông Phan Ngọc Thọ và đại diện chính quyền TP Huế cùng bà con đang sống ở Thượng thành đến xem nơi ở mới của họ sau khi được di dời ra khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Tại đây, đại diện chính quyền cũng đã giải đáp những thắc mắc của bà con trước thời điểm diễn ra "cuộc di dân lịch sử".

32 hộ nghèo ở di tích Thượng thành cùng đại diện chính quyền đến quan sát nơi ở mới, cách Kinh thành Huế khoảng 3 km. Hiện khu tái định cư đã được san nền với hơn 500 lô đất có hệ thống đường giao thông, cây xanh.

Theo Vnexpress, tại đây, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế thông tin, để di dời hơn 4.200 hộ dân khỏi khu vực I di tích, tỉnh đã lập quy hoạch khu tái định cư ở phường Hương Sơ và An Hòa với diện tích gần 78 ha. Trong đó, hơn 500 hộ dân sống ở Thượng Thành, gồm 32 hộ nghèo, sẽ được di dời đợt đầu tiên vào tháng 11/2019.

Nhìn khu tái định cư Hương Sơ dần hoàn thiện, nhiều người dân vui mừng vì sắp thoát khỏi "ổ chuột" ở Thượng thành sau hàng chục năm, song lo lắng "không biết lấy tiền đâu xây nhà khi được cấp đất".

Bà Phan Thị Cháu (phường Thuận Lộc, TP Huế) chia sẻ, "gia đình tôi neo người, tôi lại mù một mắt nên giờ có đất tái định cư cũng không biết làm cách nào xây được nhà mới".

Bà Trương Thị Huyền (phường Thuận Lộc) cho hay gia đình đã có hơn 30 năm sống ở Thượng Thành, không nghĩ có ngày sẽ được rời khỏi nơi ở tạm bợ lâu nay. "Nghe được cấp đất về nơi ở mới tôi mừng lắm, chỉ lo làm sao xây nhà", bà Huyền nói.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế - cho biết đối với 32 hộ nghèo thuộc diện di dời đợt này, UBND TP Huế sẽ tìm cách để có thể xây nhà mới theo diện "chìa khóa trao tay" cho các hộ này.

Cụ thể, phương án của TP Huế sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị thực hiện xây nhà mới cho các hộ dân này hoàn toàn miễn phí hoặc hỗ trợ 1 phần tại khu chung cư Hương Sơ. Các hộ nghèo được chọn xây nhà kiểu này chỉ việc dọn đến ở sau khi tiến hành di dân.

"Chính vì thế chúng tôi muốn bà con cùng chọn ra những hộ nghèo nhất, khó khăn nhất trong số hơn 500 hộ dân được di dời đợt này để chính quyền chốt danh sách rồi đứng ra vận động việc xây nhà" - ông Anh Tuấn nói.

Theo VietnamNet, sau khi lắng nghe tâm tư, thắc mắc và mong muốn của bà con, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, cuộc di dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế sẽ được lãnh đạo tỉnh, thành phố và các cơ quan, ban ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho bà con.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là chủ trương lớn của tỉnh nên không chỉ bà con lo lắng, mà nhiều năm qua lãnh đạo tỉnh, thành phố tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KDC, lên phương án bồi thường, hỗ trợ với mức hỗ trợ tốt nhất để bà con có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp hơn nơi ở cũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hoan nghênh người dân thời gian qua đã hỗ trợ tích cực với thành phố trong việc kiểm đếm tài sản, xác nhận hồ sơ để công tác di dời triển khai thuận lợi và đúng tiến độ. Đối với hạ tầng KDC, nơi mà bà con sẽ chuyển đến và gắn bó trọn đời, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là KDC kiểu mẫu, khu phố kiểu mẫu và hướng đến một đô thị xanh, sạch, sáng với hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh theo chuẩn một khu đô thị hiện đại. Hiện, UBND TP. Huế đã thiết kế xong các mẫu nhà để dân tham khảo và lựa chọn; đang kêu gọi đầu tư xây dựng trường mầm non, khu vui chơi giải trí nhằm tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các hộ khi đặt chân đến nơi ở mới.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trao tặng người dân hàng trăm chiếc giỏ nhựa, chai thủy tinh với mong muốn sau khi chuyển đến nơi ở mới, bà con hãy sử dụng giỏ nhựa để mua sắm thực phẩm hằng ngày, đồng thời dùng chai thủy tinh để đựng nước và nói không với túi ni lông, chai nhựa sử dụng 1 lần, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải rắn.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP.Huế.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Thừa Thiên Huế dẫn người dân đi xem nơi ở mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.