Thứ sáu, 29/03/2024 04:33 (GMT+7)

Cây phong lá đỏ khó sống ở Hà Nội, vì không chịu được nhiệt?

MTĐT -  Thứ hai, 15/01/2018 15:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, cây phong lá đỏ phù hợp trồng ở khu vực không khí lạnh như Sa Pa, Đà Lạt hơn bởi đây là cây ưa lạnh, không chịu được nóng, nên khó mà sống được ở Hà Nội.

Ngày 11/1, hơn 100 cây phong lá đỏ đã được trồng tại tuyến phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), bắt đầu từ ngã tư giao với đường Nguyễn Chánh đến chân cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh. Thân cây cao khoảng 7m, đường kính thân khoảng 25cm.

Trước thông tin, Hà Nội sẽ trông cây phong, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Nhiều người đã tỏ ra ủng hộ với chủ trương này, nhưng bên cạnh đó cũng không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, vì cho rằng khí hậu Hà Nội hoàn toàn không phù hợp với cây phong vốn ưa khí hậu lạnh hơn.

Những cây phong đầu tiên được trồng ở Hà Nội.

“Đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước châu Âu thấy cây này rất đẹp. Tôi không kỳ vọng cây trồng ở Thủ đô sẽ đẹp như ở các nước nhưng chắc chắn mùa đông ở Thủ đô Hà Nội mà có cây này sẽ rất lãng mạn”, chị Nguyễn Thị Huyền, một người dân sống trên phố Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.

Là người dân sống ở Láng Hạ, chị Hạnh bày tỏ sự lo ngại: “Cây phong lá đỏ thường được trồng ở những con đường đi bộ vắng vẻ, không trồng ở những đường có mật độ giao thông cao như Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh… bởi mùa thu lá rụng nhiều sẽ ảnh hưởng tới giao thông. Hơn nữa, lá cây này to khi rụng xuống sẽ gây tắc cống”.

Trước đề án này, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng vì cây phong chưa được trồng thử nghiệm tại Hà Nội thì đã cho trồng ngay trên phố.

GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp nhận định: “Cây phong lá đỏ sẽ phù hợp trồng ở khu vực không khí lạnh như Sa Pa, Đà Lạt hơn bởi đây là cây ưa lạnh, không chịu được nóng”.

Theo các chuyên gia, cây phong lá đỏ khó hợp với khí hậu Hà Nội.

Ông Khả cũng nhìn nhận, cây phong lá đỏ sẽ rụng lá gây cản trở giao thông nếu trồng ở dải phân cách đường. “Theo tôi sẽ phù hợp hơn nếu trồng ở công viên, vườn hoa. Chúng ta cũng phải đợi xem mùa hè cây phong này sẽ ra sao. Tôi nghĩ phải bơm tưới nước liên tục vì cây này không chịu được nóng, nghĩa là sẽ mất thời gian chăm sóc nhiều hơn các loại cây khác, không cẩn thận thì khó có thể sống được”, ông Khả nhận định.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết: “Hiện nay chưa có bất cứ tài liệu nào thử nghiệm trồng cây phong tại Việt Nam, đặc biệt tại các vùng đô thị như Hà Nội.

Tôi thấy nếu như trồng thử nghiệm thì được, còn nếu trồng luôn vào đường phố đô thị là không tốt vì chưa biết có sống được hay không, bất kỳ loại cây xanh đô thị nào cũng cần phải được khảo nghiệm cụ thể của cơ quan khoa học với số lượng mẫu thống kê đủ lớn”.

Bất kỳ cây xanh đô thị nào cũng cần thử nghiệm trước.

Theo ông, phải xét xem loại cây đó có phù hợp môi trường sinh thái hay không, ngoài ra còn phải nghiên cứu đất đai, khí hậu, địa hình; rồi nghiên cứu tác động môi trường, xã hội, có gây ô nhiễm, có làm hỏng đất, làm cho biến đổi môi trường xung quanh hay không; cuối cùng là môi trường xã hội có lợi hay có hại, như thế nào với cộng đồng dân cư.

Ông Lung cũng cho rằng, người phê duyệt đề án này phải có nghiên cứu thực tế, có hội đồng khoa học đánh giá, ai quyết định phải chịu trách nhiệm, nếu không thành công.

“Hồi tôi còn ở Học viện Nông lâm có đem cây phong ở Nga về nhưng trồng không thành công, đó là bài học nhãn tiền”, ông Lung chỉ rõ.

Tại Hội thảo về Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và bản sắc đô thị diễn ra ngày 13/1 ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Hà Nội đang trồng cây phong lá đỏ ở trên đường Nguyễn Chí Thanh và đường Láng Hạ. Khoảng một năm nữa chúng ta hoàn toàn có thể “nhiệt đới hóa” được cây phong này.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho biết, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, hoàn toàn cho phép Thủ đô trồng được đa dạng nhiều loại cây xanh và các loài hoa.

Minh Tuệ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Cây phong lá đỏ khó sống ở Hà Nội, vì không chịu được nhiệt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.