Thứ bảy, 20/04/2024 03:04 (GMT+7)

Cải tạo sông Hồng đẹp như sông Hàn: Vẫn chỉ là giấc mơ?

MTĐT -  Thứ hai, 18/11/2019 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Với tình trạng này thì không bao giờ chúng ta cải tạo được bờ sông Hồng. Các đồng chí đi từ Long Biên sang bên này, nhìn hai bờ sông như 2 đống rác", ĐBQH Đào Thanh Hải (TP Hà Nội) cho hay.

Hai bờ sông như hai đống rác

Theo báo Tiền Phong đưa tin, sáng 18/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, nếu vẫn cứ để luật cũ như thế này và với tinh thần sửa luật thế này thì sẽ không phát triển được.

Tướng Đào Thanh Hải nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã xây dựng đề án, phối hợp với Hàn Quốc cải tạo hai bên bờ sông Hồng, làm sao đẹp như sông Hàn, có 2 tuyến đường chạy dọc sông với các tuyến cao khu vực trong nội thành Hà Nội thành trung tâm tài chính.

ĐBQH Đào Thanh Hải. Ảnh: báo CAND

Thế nhưng, cuối cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những quan điểm vi phạm hành lang thoát lũ, do đó không khả thi, toàn bộ dự án “đắp chiếu” cho tới ngày nay.

“Với tình trạng này thì không bao giờ chúng ta cải tạo được bờ sông Hồng. Các đồng chí đi từ Long Biên sang bên này, nhìn hai bờ sông như 2 đống rác. Việc xây dựng, cơi nới, xây thêm vẫn tiếp tục. Từ ngày đó tới nay, số lượng nhà tăng gấp đôi, lượng dân cư tăng gấp đôi, đến bây giờ không kiểm soát được”, ông cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Công an Hà Nội, hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng sông vẫn tiếp tục diễn ra càng ngày càng mạnh, lan từ Thanh Trì, sang Đan Phượng, dọc 2 bên bờ sông là kín mít hết, người dân cứ tự phát xây dựng. Theo ông Hải, đây là những vấn đề Luật Đê điều phải tháo gỡ, làm sao có chính sách cải tạo bờ sông thì thành phố mới thay đổi bộ mặt được.

Sạt lở nghiêm trọng

Theo báo CAND, phát biểu liên quan tới tình trạng sạt lở bờ sông, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) lưu ý tình trạng con người khai thác, san lấp, xây dựng làm xói mòn, sạt lở bờ sông, có lúc “thiên tai chỉ có 5 nhưng vì con người nên thành ra 10”.

“Ông khai thác cát bỏ tiền vào túi, còn sạt lở bờ sông dân gánh chịu. Rồi sau đó nhà nước dùng ngân sách để khắc phục. Có tình trạng dùng thiên tai để xoá nợ. mỗi đợt thiên tai có một số người vui vẻ vì được xoá nợ”, đại biểu nói, đề nghị Luật thiết kế làm rõ trách nhiệm của từng người dân trong phòng chống thiên tai.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm

ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về hiện tượng sạt lở có hai nguyên nhân, một là do biến đổi dòng chảy (do thiên nhiên), hai là do con người khai thác bừa bãi, không khoa học. Do đó khi xảy ra sạt lở cần xác định trường hợp nào do thiên nhiên, trường hợp nào do con người gây ra, và nếu là do con người thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) lại băn khoăn, ai sẽ là người phân định sạt lở do nguyên nhân gì? “Cũng giống như thuỷ điện, mỗi lần xả nước đều nói đúng quy trình, nhưng mỗi lần xả là gây thiệt hại cho hạ du. Ai là người chịu trách nhiệm? Chủ đầu tư chịu trách nhiệm hay ai, thậm chí người đầu tư ban đầu chuyển đi rồi thì sao?”, đại biểu so sánh.

Bà cho rằng, sông, biển bị sạt lở là hiện tượng khá phổ biến trong những năm gần đây nhưng chưa có tài liệu nào nghiên cứu vì sao sạt lở. “Nếu không đưa vào Luật thì quyền và lợi ích của người dân ai bảo vệ, nguồn lực nào để bảo vệ? Xây dựng mà lấn sông, lấn biển thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Chỗ nào nên lấn, chỗ nào không, địa chất như thế nào, đánh giá tác động lâu dài của nó như thế nào... cần phải có” – nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đề nghị.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo sông Hồng đẹp như sông Hàn: Vẫn chỉ là giấc mơ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...