Thứ năm, 28/03/2024 18:30 (GMT+7)

Bi kịch đô thị Hà Nội, TP.HCM khi “quá chiều chuộng nhà đầu tư”

MTĐT -  Thứ hai, 03/06/2019 17:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại cuộc tọa đàm do Zing.vn tổ chức sáng 3/6, các chuyên gia cho rằng Hà Nội và TP.HCM quá chiều chuộng nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến những hệ lụy về hạ tầng.

“Bi kịch đô thị” là từ mà GS Đặng Hùng Võ dùng để miêu tả hiện trạng những khu vực đang bị điều chỉnh và phá nát quy hoạch tại Hà Nội, TP.HCM.

Thay đổi quy hoạch tùy tiện dẫn đến những hệ lụy cho hạ tầng và cuộc sống người dân cũng được các chuyên gia chỉ ra trong cuộc tọa đàm do Zing.vn tổ chức sáng 3/6.

Chủ đề của tọa đàm là: “Quy hoạch đô thị bị phá vỡ: hệ luỵ và trách nhiệm”. Khách mời bao gồm: GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM và nhà báo Danh Đức.

Các khách mời tham gia tọa đàm về quy hoạch đô thị của Zing.vn. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Bi kịch đô thị khi quá chiều ý chủ đầu tư

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng điều chỉnh quy hoạch là cần thiết vì không thể dự báo chính xác được nhu cầu. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam có một số điều chỉnh gây ra hệ lụy lớn khi quá chiều theo ý chủ đầu tư, để lại những áp lực cho xã hội.

Từng tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội về vấn đề đất đai, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), dẫn ra ví dụ không ít trường hợp khi điều chỉnh đã làm đảo lộn quy hoạch.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Võ phân tích nhiều dự án khi được phê duyệt ban đầu là khu đô thị hoàn chỉnh, có cây xanh, mặt nước, khu sân chơi, trường học… Những tiện ích này đảm bảo không gian cho cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch chiều theo đề xuất của chủ đầu tư đã phá hỏng quy hoạch ban đầu, rút hết tiện ích xã hội.

Thậm chí có nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch mà không xin phép, tự rút tiện ích, tăng số lượng căn hộ bán để kiếm nhiều lợi ích hơn.

Ông dẫn ra ví dụ ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), tổ hợp ban đầu được phê duyệt có 4 tòa nhà. Sau đó, chủ đầu tư đã xây dựng 12 tòa nhà mọc san sát nhau.

"Các tòa nhà ban đầu 26-30 tầng rồi xây lên trên 40 tầng. Vi phạm rõ mồn một nhưng không ai bị xử lý. Cư dân còn được cấp sổ hồng đầy đủ”, ông nói.

Tương tự, các tuyến đường như Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương dài chỉ 1-2 km nhưng mọc san sát hàng chục chung cư cao 30-40 tầng.

"Lợi ích tư nhân đang choán hết không gian phát triển thực sự", ông nhận xét.

Một ví dụ khác là Trung tâm triển lãm Giảng Võ vốn được coi là khu đất công cộng. Một chủ đầu tư đã đề xuất xây dựng nhiều tòa nhà cao 40-50 tầng, tạo rủi ro lớn khi hạ tầng khu vực này không có khả năng cải thiện.

"Những trường hợp như vậy sẽ tạo nên điểm nóng phức tạp đi liền hệ lụy khó khắc phục. Có những điểm ngay trước mắt đã thấy hệ quả và sẽ có những nơi tương lai là bi kịch lớn”, ông Võ nói.

TS Võ Kim Cương chỉ rõ 3 hệ lụy lớn từ bất cập quy hoạch bị phá vỡ. Đầu tiên là hệ lụy về giao thông. Hệ lụy thứ hai là cảnh ngập nước, ảnh hưởng môi trường, sinh thái. Hệ lụy thứ ba là kinh tế, làm giảm tính hấp dẫn đầu tư của thành phố.

Lợi ích tư nhân dẫn đường phát triển đô thị

Về mặt chuyên môn, TS Võ Kim Cương phân tích quy hoạch đô thị có 2 yêu cầu đồng bộ. Đầu tiên là đồng bộ về không gian. Khi đó quy hoạch cần tính toán năng lực sử dụng đất phù hợp với số lượng dân cư, đường xá, hạ tầng... Thứ hai là đồng bộ về thời gian. Các công trình phải hình thành đồng bộ với nhau, đã xây dựng nhà cửa thì phải có các công trình giao thông, hạ tầng.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng.

Ông nhấn mạnh hạ tầng giao thông phải đi trước, hiện hữu rồi thì mới có khu dân cư. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam, một số thành phố lớn không đủ nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông lại mọc thêm khu dân cư trước.

Dẫn lại bài học về quy hoạch tại Pháp, nhà báo Danh Đức cho rằng tầm nhìn quy hoạch của Việt Nam chưa xa, còn nhiều lúng túng. Ông lấy ví dụ các con đường Nguyễn Hữu Thọ và Phạm Hùng từ trung tâm thành phố đi ra ngoại thành nhưng không thể đáp ứng được lưu lượng xe cộ hiện hữu và tốc độ tăng dân số cơ học, dẫn đến tắc nghẽn.

Quy hoạch một đằng, thực tế một nẻo cũng được GS Đặng Hùng Võ nêu các ví dụ ở Hà Nội. Ông nhấn mạnh Hà Nội đang "phình lên" ở mọi hướng, trong khi quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh.

"Lợi ích tư nhân đang dẫn đường cho phát triển, chứ không phải Nhà nước. Việc điều chỉnh quy hoạch hầu hết do đề xuất của doanh nghiệp", ông nói.

Ông Võ cho rằng đằng sau những điều chỉnh quy hoạch có lợi chỉ cho nhà đầu tư bất động sản là câu hỏi về lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Nhiều khu chung cư cao tầng phá vỡ quy hoạch Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Việt Linh - Quỳnh Danh - Hiếu Duy - Quỳnh Trang.

“Người dân thường hỏi vì sao chính quyền lại thân thiện như vậy với chủ đầu tư? Câu trả lời hẳn là: Thân thiện với nhà phát triển bất động sản có lợi hơn so với dân nghèo đô thị”, ông nói.

Nguyên lãnh đạo Bộ TN&MT cũng chỉ ra quy hoạch hiện nay vẫn có dáng dấp bao cấp, "mang tính lãng mạn hơn thực tế". Ông dẫn ra thực tế nhiều nơi "vẽ" ra quy hoạch nhưng không tính đến chuyện hiện thực nó. Một số nơi chỉ nêu ra giải pháp chung chung là lấy nguồn lực từ đất.

"Tôi cho rằng chỉ có Đà Nẵng phát triển thành phố hiện đại mà chỉ lấy kinh phí từ đất. Trong khi Hà Nội, TP.HCM và nhiều nơi khác chưa làm được”, ông nói.

Phải truy được trách nhiệm cá nhân

Khi đặt câu hỏi, trách nhiệm phá nát quy hoạch thuộc về ai, các chuyên gia chung nhận định việc này nằm ở cả một quy trình.

“Nếu tình trạng tiêu cực xảy ra tại chỉ một thời điểm nhất định thì có thể lỗi của cấp điều hành. Nhưng những sai lầm tồn tại lâu dài thì có trách nhiệm từ hệ thống pháp luật, chính sách”, TS Võ Kim Cương nói.

Ông cũng cho rằng cần phải nhìn nhận sự công bằng không chỉ về việc hưởng lợi mà còn về trách nhiệm. Theo đó, việc quy trách nhiệm thì cần phải đánh giá cả hệ thống chính sách, pháp luật… Thực trạng hiện nay, hệ thống luật quy hoạch đang tách rời giữa người lập và người thực hiện.

Vị nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng nhấn mạnh phải xem xét cụ thể trách nhiệm từng cá nhân.

Nhà báo Danh Đức. Ảnh: Thuận Thắng.

"Ai đưa ra Luật Đất đai, Luật Quy hoạch chưa phù hợp? Những kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà kinh tế có thực hiện đúng không? Người thi hành có thực hiện đúng không hay vì lợi ích của chủ đầu tư? Người nào cấp phép xây dựng và đầu tư, ai lập và thực hiện quy hoạch?", ông nêu quan điểm.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng cần có công cụ để nâng cấp hệ thống quy hoạch hiện nay cũng như cách quản lý đất tại đô thị. Ông cho rằng cần nhanh chóng xây dựng chính quyền điện tử. Khi đó, mọi quy hoạch hay thay đổi đều ghi lại dấu vết, từ người trình đến người phê duyệt, dễ dàng cho việc truy trách nhiệm cá nhân.

Ông cũng nhấn mạnh phải thay đổi tư duy bao cấp trong quản lý quy hoạch theo thị trường hóa dẫn đường cho phát triển. Ngoài ra, cũng cần nêu cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng doanh nghiệp phải có tư duy mạnh mẽ mới bước qua được lợi ích của mình. Hy vọng việc cân đối được lợi ích cá nhân và cộng đồng sẽ diễn ra sớm hơn", ông nói.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Bi kịch đô thị Hà Nội, TP.HCM khi “quá chiều chuộng nhà đầu tư”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.