Thứ sáu, 29/03/2024 00:01 (GMT+7)

Án ngữ 'đất vàng': LOD Building vẫn 'hiên ngang thách thức'?!

Hà Anh -  Chủ nhật, 27/05/2018 06:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Do chưa đủ các điều kiện pháp lý về xây dựng, tự ý thay đổi kết cấu công trình, dự án LOD Building - 38 Trần Thái Tông bỏ hoang vừa bị UBND TP.Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý.

Địa điểm lý tưởng để... đổ phế liệu, dán tờ rơi

Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, LOD Building từng được đưa vào sử dụng nhưng “dính” quá nhiều sai phạm. Đặc biệt, trong đó có việc thay đổi kết cấu công trình. Thêm vào đó, nhiều việc khác đã gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Ngày 1/10/2015, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã có Thông báo số 102/TB-UBND yêu cầu chủ đầu tư dừng tuyệt đối việc thi công công trình.

Dự án LOD Building là một trong những vị trí đắc địa trên phố Trần Thái Tông nhưng lại bỏ hoang.

Không thể phủ nhận, dự án LOD Building nằm tại vị trí vô cùng “đắc địa” thuộc những tuyến phố phát triển hàng đầu Thủ đô. Nằm ngay ngã ba giao cắt phố Trần Thái Tông, phố Duy Tân và phố Thành Thái, sở hữu mặt đường rộng, cơ sở hạ tầng hiện đại, dự án LOD Building chiếm trọn lợi thế về giao thương...

Không chỉ thuận lợi về mặt kiến trúc, quy hoạch, tại đây theo những lời quảng cáo về thiết kế thì LOD Building là tòa nhà văn phòng được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn văn phòng hạng C.

Nhưng giờ Dự án LOD Building sang trọng, lịch sự chỉ nằm trên giấy!

Được biết, Toà nhà có chiều cao gồm 10 tầng nổi và một tầng hầm trên diện tích tổng thể 1.100m2. Trong đó, diện tích xây dựng 900m2. Với chiều cao 9 tầng, tòa nhà cung cấp tổng diện tích cho thuê 5.600m2, với mặt bằng một sàn 600m2.

Những tưởng với quy tắc “vượt chuẩn” trên, tòa nhà văn phòng LOD Building sẽ một trong những niềm kỳ vọng lớn, là một trong những văn phòng làm việc lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Song, càng kỳ vọng bao nhiêu thì sự thất vọng càng nhân lên bấy nhiêu, LOD Building vướng phải nhiều “lùm xùm” xây dựng không phép. Hiện tại, dự án đang trong tình trạng bị bỏ hoang nhiều năm, công trình thi công nham nhở, trở thành nơi đổ phế liệu, dán tờ rơi nhếch nhác.

Mọi lối ra vào của dự án LOD Building đều được khóa chặt.

Hiện tại, tòa nhà được quây tôn kín xung quanh, cửa luôn trong tình trạng khóa kín. Các hạng mục của công trình đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt như bong tróc, đổ nát, xập xệ, cây, cỏ mọc um tùm dưới chân tòa nhà.

So với các dự án trên đường Trần Thái Tông, dự án LOD Building giống như một khu nhà ổ chuột xấu xí, dột nát. Sau nhiều năm, tòa nhà này đã lộ ra những mớ sắt thép hoen gỉ, cốt pha mục nát, mặt tiền bị đục khoét méo mó, nhiều chỗ tường đã bị nứt toác.

Khu vực tường trát lởm chởm, có hiện tượng nứt, vỡ giữa các khớp nối hạ tầng.

Tại Hà Nội, tình trạng dự án khởi công khi chưa có giấy phép không phải chuyện hiếm. Thế nhưng, một dự án xây dựng đã gần hoàn thiện mới được cấp giấy phép, nhất là khi dự án thuộc khu vực tâm thành phố như lại là một trường hợp hi hữu.

LOD Building bỏ hoang nhưng vẫn rao bán “nhan nhản”

Năm 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 331/QĐ-TTr về thanh tra làm rõ nội dung công dân khiếu nại, tố cáo và báo chí phản ánh vi phạm của một số chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trong đó có tòa nhà LOD Building số 38 Trần Thái Tông do Công ty CP Hợp tác Lao động Nước ngoài (LOD) làm chủ đầu tư, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là Tập đoàn Phúc Lộc cũng “dính chàm”.

Tình trạng sắt hoen gỉ, tưởng lở, thi công dở dang khiến công trình trở nên vô cùng nhếch nhác.

 Dù đã dừng việc thi công từ năm 2015, LOD Building rơi vào tình trạng bỏ hoang, tuy nhiên trên các Website vẫn rao bán “nhan nhản”, đăng tải thông tin cho thuê với giá cao ngất ngưởng khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Chỉ cần nhập từ khóa “Cho thuê LOD Building” đã cho ra hơn 274 nghìn kết quả. Có thể thấy mức độ rao bán trên các trang mạng xã hội được “phủ sóng” rộng khắp bất chấp dự án đã bị đình chỉ thi công. Toà nhà này được rao thuê với mức giá từ 18-20 USD/m2/tháng, bao gồm cả phí dịch vụ.

Giá thuê LOD Building được đăng nhan nhản trên các Website giao động từ 18 - 20 USD/m2

Việc rao bán, mời thuê công khai tại dự án bỏ hoang mà không có sự kiểm soát này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra. Rõ ràng, trong trường hợp này, người mua sẽ là những đối tượng thiệt thòi nhất khi “nhẹ dạ cả tin” dâng mồi vào... miệng cọp.

Mới đây, LOD Building tiếp tục lại bị UBND TP. Hà Nội “sờ gáy”. Theo đó,  Chủ tịch  Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về tòa nhà LOD Building, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy xây dựng không phép đang bị bỏ hoang, xuống cấp.

Theo đó, Chủ tịch Hà Nội giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 20/5.

Chẳng những gây mất mỹ quan đô thị, dự án này còn gây lãng phí tài nguyên đất.

Ngoài câu chuyện giám sát việc rao bán tràn lan trên mạng, công tác thanh kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, quy hoạch tổng thể mặt bằng, quy hoạch chi tiết được duyệt, giấy phép xây dựng được cấp, phương án kiến trúc được chấp thuận và việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước của chủ đầu tư dự án sẽ là mấu chốt quan trọng quyết định “số mệnh” của LOD Building.

Phải chặn nạn "đất vàng" bị các nhóm "bạch tuộc" thâu tóm

Chính sách bị trục lợi, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai khiến “đất vàng, đất bạc rơi vào tay nhóm lợi ích” là một trong những vấn đề nóng được các đại biểu (ĐB) nêu ra trước Quốc hội (QH) trong phiên thảo luận về kinh tế- xã hội ngày 25/5. 

Nghị trường như nóng hơn khi ĐB tranh luận về tình trạng hàng loạt khu đất vàng, đất kim cương… bị thâu tóm vào những DN thân hữu, nhóm lợi ích.

“Nhân dân phẫn nộ bởi vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các DN bạch tuộc, không đầu tư cho sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án hoặc phân lô bán nền và nhiều hình thức khác làm thất thu lớn ngân sách nhà nước” - ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nói.

ĐB Vượt chỉ rõ nhiều DN có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức cùng cộng sinh thâu tóm, chiếm đoạt bằng nhiều thủ đoạn. Trong đó có việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này gây bức xúc, khốn đốn cho người dân vùng quy hoạch, đồng thời khiến tài sản quốc gia bị nhóm lợi ích bòn rút.

Trước tình trạng đó, ĐB Vượt đề nghị Chính phủ sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, những khu vực đất vàng, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. “Cử tri mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn vì dây mơ rễ má, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm” - ĐB Vượt cảnh báo.

(Theo PLO.VN)

Trước tình hình “long đong” của dự án LOD Building – 38 Trần Thái Tông, các nhà đầu tư phải là những người tiêu dùng thông minh cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng lựa chọn để đầu cơ hiệu quả, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Rác sinh hoạt cũng "tuồn" vào đây một cách dễ dàng.

Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý đối với những dự án cố tình vi phạm và coi thường pháp luật. Đặc biệt là dự án LOD Building – 38 Trần Thái Tông của Tập đoàn Phúc Lộc, một mặt chấm dứt hiện tượng chủ đầu tư “nhờn luật”, mặt khác loại bỏ những “con sâu” đang cố ý phá vỡ quy hoạch.

Hiện nay tại Hà Nội, vẫn còn nhiều lô đất vàng "ngủ quên" giữa trung tâm thành phố, được quây tôn kín mít, bên trong cỏ mọc um tùm...Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu các quận/huyện kiểm tra, rà soát lại, và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện.

Đồng thời, ông Chung cũng yêu cầu thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu “đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Quy định trên được xem là quyết sách quyết liệt đối với các doanh nghiệp cố tình "ôm" đất, nhất là các lô đất vàng, gây lãng phí cho xã hội.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Án ngữ 'đất vàng': LOD Building vẫn 'hiên ngang thách thức'?!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.