Thứ ba, 16/04/2024 12:12 (GMT+7)

Ai chịu trách nhiệm trong việc bẻ cong quy hoạch Hà Nội?

MTĐT -  Thứ bảy, 01/06/2019 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì quy hoạch lại bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư.

Ngày 20/5/2019 tôi có bài “Dự án bãi xe ngầm nguy cơ phá nát quy hoạch Hà Nội” đăng trên Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử được dư luận hết sức hoan nghênh. Nhưng cũng nhiều độc giả đề nghị tôi phải làm rõ thêm ai là người “bẻ cong quy hoạch” và phải xử lý thế nào

Tôi phải nghiên cứu kỹ “Luật Thủ đô và các văn bản pháp luật cụ thể hóa Luật Thủ đô” để có cơ sở phát biểu.

Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), nơi nổi tiếng với sự quá tải về hạ tầng và phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Zing.

Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 – 2020” do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, ghi rõ: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1 - 2 năm sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Tại điều 9, Luật Thủ đô ghi rõ:

1.Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính ở nội thành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong nội thành.

Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành; di dời một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành hoặc xây dựng cơ sở khác của các bệnh viện, cơ sở này ở bên ngoài nội thành.

40 toà nhà cao ốc mọc chi chít dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Cao Thuỳ.

2.Khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.

Việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Căn cứ vào yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và kết quả lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc quy hoạch.

3.Khi triển khai dự án phát triển đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đuờng để sử dụng theo quy hoạch. Việc thu hồi đất trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp thu hồi đất trong cùng dự án.

Trong trường hợp quy hoạch có xây dựng nhà ở tái định cư tại chỗ hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh đó.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã tạo sự đoàn kết, đồng lòng để cho Thủ đô phát triển xứng với sự mong đợi của cả nước.

Thế nhưng những thay đổi quỹ đất sau khi di dời cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định thì hầu hết được quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng. Điển hình như Trường Đại học Y tế công cộng số 138B Giảng Võ trở thành tổ hợp thương mại văn phòng, căn hộ, nhà liền kề, biệt thự cao cấp..

Những sai phạm này có phải cố tình gạt đi lợi ích được các nhà lập pháp khóa XIII trân trọng trao cho nhân dân Thủ Đô và các cấp quản lý? Những gì họ đấu tranh để có được từng “nút bấm” thì giờ đây thành quả đã đi đâu, phục vụ cho ai? Liệu rằng với thực trạng trên có phục hồi được những quyền lợi mà nhân dân Thủ đô lẽ ra phải được hưởng ngoài phá vỡ quy hoạch, những hệ lụy về môi trường, hạ tầng kỹ thuật và giao thông quá tải đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt của đô thị, chất lượng cuộc sống của nhân dân.

“Soi” kỹ những bản quy hoạch này thấy một thực tế đáng buồn: quy hoạch một đằng thực hiện một nẻo.

Dự kiến sẽ có 100 bãi đỗ xe, trong đó riêng các quận nội thành có 36 bãi đỗ được xây dựng tại các vị trí cơ quan, đơn vị sản xuất được di dời. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hầu hết 36 vị trí được quy hoạch bãi đỗ xe trên đã biến thành trung tâm thương mại, tòa chung cư cao 30 đến 40 tầng.

Một trong những câu hỏi lớn khi tiếp cận báo cáo giám sát là trong công tác quy hoạch xuất hiện việc điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư. Trong 1.390 dự án quy hoạch được điều chỉnh từ 1 - 6 lần, có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo dự án của họ. Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20 – 33 tầng lên đến 40 tầng. Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì quy hoạch lại bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư.

Đại diện Sở QH&KT và Xây dựng Hà Nội đều cho rằng, do ngân sách thành phố còn hạn hẹp nên để có mặt bằng và hạ tầng cho các đơn vị chuyển đi thành phố phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Theo hình thức này, nhà đầu tư sẽ lo mặt bằng, làm hạ tầng ở ngoại thành để đơn vị được di chuyển đến ổn định sản xuất.

Cách di dời theo kiểu “xã hội hóa” này mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng đô thị.

Thứ nhất, tuy có mục tiêu di dời để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường nhưng chính tại những vị trí được di dời lại mọc lên các tòa nhà cao ốc, khiến mật độ dân cư tăng cao hơn gấp nhiều lần. Đánh giá về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng,việc chuyển đổi trên khiến Nhà nước và cộng đồng xã hội thiệt đơn, thiệt kép. Mục tiêu giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường không thực hiện được khi mật đô dân cư tại đây tập trung đông, thậm chí còn cao hơn lúc chưa di dời;

Thứ hai, về kinh tế, nhà đầutư chỉ bỏ một chi phí nhỏ theo kiểu hỗ trợ di dời, được giao đất không qua đấu giá nên theo nhiều chuyên gia, hình thức này không khác gì nhà đầu tư chỉ bỏ con tép để bắt con cá kình.

Vì sao lại có chuyện này? Có hay không lợi ích nhóm?

Bức xúc của người dân chung quanh Dự án bãi xe ngầm trong công viên Cầu Giấy không chỉ nằm ở việc “mập mờ” lấy ý kiến người dân, mà còn bởi trước đó chính khu đô thị Dịch Vọng đã bị điều chỉnh phá vỡ quy hoạch cũ gây áp lực giao thông, hạ tầng lên cả khu vực.

Ông Bùi Đình Tân, Phó Ban quản trị tòa nhà N04B2 (Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết: “Chính việc điều chỉnh quy hoạch quá nhiều đã khiến khu đô thị Dịch Vọng quá tải, hệ lụy là ùn tắc giao thông, rồi lại phải điều chỉnh quy hoạch để làm bãi xe trong công viên Cầu Giấy khiến cư dân bất bình”.

Theo ông Tân, dự án Chung cư N04B1 và N04B2 có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2001. Trong đó quy định Khu đô thị mới Dịch Vọng có chiều cao xây dựng tối đa là 11 tầng. Các công trình nhà ở chung cư có bố trí kết hợp dịch vụ ở tầng 1 và tầng 2, tầng 1 phải có chiều cao tối thiểu là 4km. Khoảng các giữa 2 đầu hồi công trình tối thiểu là 15m.

Thực tế hiện nay, chung cư N04B1 sát vào chung cư N04B2 (trong cùng 1 ô đất) với khoảng cách chỉ còn khoảng 5m. Chiều cao tòa nhà N04B1 cũng được nâng lên là 17 tầng, quá 6 tầng so với quy hoạch ban đầu.

Theo ý kiến cá nhân tôi và nhiều nhà khoa học: Những sai lầm đó không thể đổ lỗi hết cho lãnh đạo Thành phố. Những đương nhiên người đứng đầu Thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm chính. Có người cho rằng Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phải là người đứng đầu về xây dựng và quy hoạch. Điều đó đúng trên lý thuyết còn thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Để phát triển công nghiệp đã có thời Hà Nội tìm một chuyên gia công nghiệp. Để quy hoạch Thủ đô phải chọn một vị chuyên gia quy hoạch đã thành công ở Bắc Ninh, khi về Hà Nội, hỏi ông ta đã làm được gì? Hà Nội là nơi đã có cơ sở hạ tầng phát triển hơn hẳn các địa phương, các nhà đầutư bất động sản đầu tư vào Thủ đô hiệu quả hơn nhiều, không phải đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng nên thu hút khách đầu tư hơn nhiều so với các địa phương như Bắc Ninh.

Nhưng nếu người quy hoạch đặt lợi ích của Thủ đô lên trên, làm tròn trách nhiệm của mình thì phải không giải quyết từ cơ sở vì trái với quy hoạch. Dư luận cho rằng: “nén bạc đâm toạc tờ giấy” cũng là có cơ sở. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý thành phố không phải cái gì cũng báo cáo để Thành phố giải quyết. Như vậy là đùn đẩy trách nhiệm. Người đứng đầu thành phố không thể nào am hiểu hết nên giao lại cho cơ quan quản lý, như vậy cơ quan quản lý lại có cơ hội làm việc với nhà đầu tư theo ý kiến chủ quan của mình mà không phải lo trách nhiệm vì được Thành phố bật đèn xanh. Tôi đề nghị Thanh tra Nhà nước cần thanh tra kỹ trách nhiệm của các ngành quản lý, họ đã làm gì trước khi đùn đẩy lên Thành phố.

Mặt khác, phải xem trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì sao thực hiện sai quy hoạch đã dành cho địa phương mà địa phương không có ý kiến hay địa phương đã đồng tình với nhà đầu tư?

Đồng thời phải xem trách nhiệm của cơ quan quản lý Trung ương với tư cách quản lý Nhà nước, tại sao khi thấy Hà Nội làm sai quy hoạch được Nhà nước quy đinh, các cơ quan Trung ương không có ý kiến. Các bộ, ban ngành đã có những quyết định nào thúc đẩy thực hiện sai quy hoạch.

Ví dụ: Có người cho rằng, quy hoạch đường Trường Chinh là do Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước đây ký quyết định, sự thực có đúng thế không? Đề nghị Thanh tra Nhà nước cho ý kiến.

Người đứng đầu Thành phố đương nhiên phải chịu trách nhiệm đầu tiên về bê bối của quy hoạch Thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vinh dự lớn, lợi ích nhiều nên ai cũng muốn làm Chủ tịch UBND Thành phố, nhưng cần xem người đó có can đảm đương đầu với thách thức không?      

Hàng nghìn căn hộ chung cư tại đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) dài 720 m. Ảnh: Zing.

Để khắc phục tình trạng này, tôi kiến nghị

Sau này, khi bầu cử Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nên có 2 ứng cử viên, mỗi người phải trình bày trước HĐND thành phố phương án của mình về quy hoạch và quản lý quy hoạch thành phố để HĐND Thành phố lựa chọn. Người lãnh đạo trước tiên nhận vinh dự đồng thời phải nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước toàn thể nhân dân.

Đề nghị Nhà nước và Thành phố Hà Nội phải cử các đoàn thanh tra cụ thể, xác định rõ trách nhiệm và sai sót của từng đơn vị. Ai chịu trách nhiệm về bẻ cong quy hoạch?

Trách nhiệm của địa phương và các cơ quan quan lý Nhà nước khi thi hành các quy hoạch đã được phê duyệt và phải tìm ra được ai phải chịu trách nhiệm.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phê phán các sai lầm về quy hoạch ở Ba Vì, Sóc Sơn đã có các  ý kiến mà tôi cho rằng mạnh mẽ và hợp lý.

Tôi xem đó là một đề nghị thỏa đáng với xử lý bẻ cong quy hoạch của Hà Nội. Vì sai phạm nghiêm trọng trong luật đất đai đã quy hoạch vào mục đích này mà lại sử dụng vào mục đích khác, lại không có hành vi ngăn chặn, thiết lập lại trật tự sử dụng đúng mục đích thì đó là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Ông nói rõ, lý giải nguyên nhân xẩy ra tình trạng trên, ông Võ cho rằng dù không đủ chứng cứ để kết luận, nhưng theo logic, chỉ có lý do bắt nguồng từ tham nhũng. “Chính quyền địa phương được dao nhiệm vụ mà không làm thì chỉ có sự móc ngoặc với người vi phạm pháp luật đê bật đè xanh cho hành vi sai trái. Nếu nói về trình độ quản lý kém thì không chính xác hoàn toàn. Theo logic của vấn đề đó thì đó là việc kém về đạo đức, có gắn tham nhũng”, ông Võ bình luận

Theo ông Võ, việc điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa các sai phạm càng chứng minh có sự tham nhũng trong quá trình quản lý. “Đã quy hoạch có nghĩa là được hội đồng các cấp đánh giá, giờ lại vì vi phạm mà điều chỉnh quy hoạch thì chỉ có tham nhũng” ông Võ nói.

Bàn về giải pháp để giải quyết thực trạng vi phạm trên, ông Võ khẳng định cần mạnh tay xử lý các công trình vi phạm, kiên quyết tháo dỡ. “Có những ý kiến mang tính hữu khuynh, sợ phá đi sẽ thiệt hại, nhưng muốn lập lại kỷ cương phải cương quyết cưỡng chế, cần dứt khoát cưỡng chế, cần dứt khoát xử lý để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Lúc này, chúng ta phải đặt ra nhiệm vụ thực thi pháp luật là trên hết, không có đồng tiền nào có thể cản trở được, có như thế mới giải quyết được vấn đề. Không xử lý nghiêm, không xử lý đúng thì các hành vi vi phạm sẽ tiếp tục”, ông Võ chia sẻ.

 PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Ai chịu trách nhiệm trong việc bẻ cong quy hoạch Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!