Thứ sáu, 19/04/2024 12:30 (GMT+7)

Ông chủ của ‘thiên đường mất nước’ Hateco Xuân Phương có dự án nào?

V. Chương -  Thứ hai, 13/07/2020 10:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một số dự án của Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư dính lùm xùm liên quan đến thiếu hụt diện tích, nước bẩn và mất nước.

Cư dân Hateco Xuân Phương khốn khổ vì nhiều lần mất nước

Việc nhiều lần mất nước tại chung cư Hateco Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến các cư dân nơi đây sống trong cảnh bất ổn và khốn khổ, đặc biệt là trong thời điểm mùa hè nóng bức.

Ngày 8/7, cuộc sống người dân sinh sống tại chung cư này bị đảo lộn vì sự cố mất nước. Đây không phải đầu tiên các cư dân Hateco Xuân Phương khốn khổ vì mất nước. Theo phản ánh, đến chiều ngày 10/7, nhiều hộ gia đình vẫn chưa có nước để sử dụng.

Một đại diện Công ty cổ phần Viwaco khẳng định vấn đề mất nước là do bất cập trong xây dựng đường ống của Hateco.

Người dân phải trữ nước vì mất nước kéo dài tại Hateco Xuân Phương.

Vị này khẳng định, Viwaco đã làm việc với ban quản lý chung cư Hateco Xuân Phương nhiều lần và nhắc nhở về đường ống dẫn nước nhưng tình trạng này không thay đổi.

Đại diện Viwaco nói rằng sẽ làm văn gửi tới Ban quản lý, chủ đầu tư để xử lý, khắc phục. Bởi hệ thống ống nước ở đây có vấn đề. Thậm chí cán bộ kỹ thuật của Viwaco cũng là cư dân ở chung cư này, đã đề xuất nhiều lần nhưng Ban quản lý họ chưa làm.

Cuối năm 2019, cảnh xếp hàng dài lấy nước ở khu chung cư Hateco Xuân Phương diễn ra trong 2 ngày (22, 23/11/2019) cũng khiến dư luận dậy sóng.

Theo người dân nơi đây, sở dĩ có cảnh này là do Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà sửa chữa, khắc phục sự cố rò rỉ ống nước. Đơn vị cấp nước là Viwaco tạm ngừng cấp nước cho khách hàng, trong đó có khu chung cư Hateco Xuân Phương.

Các cư dân cho biết, Ban quản lý chung cư thông báo một đằng, nhưng mất nước một nẻo khiến gia đình chị không biết xoay sở thế nào.

Trước đó, vào ngày 19/9/2019, cư dân chung cư Hateco nhận được thông báo của ban quản lý tòa nhà về việc hệ thống cấp nước cho khu tòa nhà Hateco bị vỡ. Đề nghị cư dân sử dụng tiết kiệm nước và có kế hoạch cụ thể cho gia đình trong những ngày tới, dự kiến 22/9 mới cấp lại nước bình thường.

Cảnh xếp hàng xách nước của cư dân Hateco Xuân Phương vào tháng 11/2019. Ảnh: Zing.vn.

Tuy nhiên, từ đêm 21/9, rất đông người dân sinh sống tại 3 tòa nhà chung cư Hateco Xuân Phương phải xếp hàng chờ lấy nước dưới sảnh tầng 1 của tòa nhà.

Ngoài ra, năm 2019, dự án Hateco Apollo Xuân Phương chưa được Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nghiệm thu và chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường nhưng đã cho người dân vào ở.

Thiếu hụt diện tích, nước nhiễm bẩn ở Hateco Hoàng Mai

Cách đây không lâu, chung cư Hateco Hoàng Mai cũng thuộc Tập đoàn Hateco cũng khiến các cư dân bức xúc vì thiếu hụt diện tích.

Dự án Heteco Hoàng Mai do Công ty Cổ Phần Đầu tư Hạ tầng & Công trình Kiến trúc Hà Nội làm chủ đầu tư (công ty tiền thân của Tập đoàn Hateco). Dự án gồm 2 tòa với 744 căn hộ và khoảng 2.500 cư dân. Dự án được hoàn thành và bàn giao vào tháng 12/2016. Đến đầu năm 2017, chủ đầu tư Hateco yêu cầu các cư dân phải hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ (sổ đỏ).

Cuối năm 2018, nhiều cư dân sống tại chung cư Hateco Hoàng Mai phản ánh tình trạng nước sinh hoạt tại đây đang có dấu hiệu bị nhiễm bẩn không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, khi đo đạc lại căn hộ, nhiều hộ dân mới phát hiện ra căn hộ của mình bị thiếu hụt diện tích so với hợp đồng. Cụ thể, căn hộ B11 - 14, theo hợp đồng mua bán diện tích căn hộ là 107,1 m2, nhưng khi đo đạc thực tế căn hộ thì chỉ còn 103,7 m2, tức là thiếu 3,4 m2, tương đương với số tiền khoảng 70 triệu đồng; Căn hộ B11 - 18 diện tích theo hợp đồng mua bán là 51,4 m2, nhưng thực tế lại chỉ có 49 m2, thiếu gần 1,6 m2.

Theo phản ánh của người dân, dự án Hateco có khoảng 150 căn hộ bị thiếu hụt diện tích. Mỗi căn thiếu từ 1,5 - 3,5 m2. Với mức giá mua là 20 triệu đồng/m2, mỗi hộ gia đình tại đây cho rằng, mình đã bị mất từ 30 - 70 triệu đồng/căn hộ cho chủ đầu tư.

Vào cuối tháng 4/2019, cư dân tòa nhà Hateco Hoàng Mai, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, khu vực thương mại dịch vụ tầng 1 tòa nhà được chủ đầu tư cho thuê phòng tập Gym tiến hành cải tạo sửa chữa đập vách ngăn hành lang thay đổi lối ra vào (mở cửa mới) của các khối đế trên tòa nhà thuộc sở hữu chung chưa được giải quyết xong thì sáng 10/4 đơn vị ký hợp đồng thuê là Công ty dịch vụ Thể dục thể thao  xây dựng khu trung tâm tập luyện Gym lại tiếp tục tiến hành cải tạo sửa chữa.

Nhóm thợ thi công đã dùng khoan đục bức tường chịu lực bằng tường bê tông cốt thép của cầu thang bộ (bức tường này từ tầng hầm lên đến tầng 28) sau nhà vệ sinh công cộng tầng 1, tòa A tòa chung cư Hateco Hoàng Mai.

Theo cư dân vụ việc phá tường mở cửa ra vào chưa được giải quyết xong thì Công ty dịch vụ Thể dục thể thao  xây dựng khu trung tâm tập luyện Gym lại tiếp tục hoạt động cải tạo sửa chữa đục cắt vách bê tông chịu lực để đi chìm đường ống nước gây nguy hiểm đến an toàn công trình khiến cư dân vô cùng bức xúc.

Cuối năm 2018, nhiều cư dân sống tại chung cư Hateco Hoàng Mai phản ánh tình trạng nước sinh hoạt tại đây đang có dấu hiệu bị nhiễm bẩn không rõ nguyên nhân.

Theo các hộ dân, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân của việc nguồn nước bị nhiễm bẩn. Một vài hộ đã tự cắt đường ống nước nhà mình và nhận thấy váng nhầy màu đen và cặn bẩn bám dày đặc lên thành ống.

Các hộ dân còn phản ánh, cặn bẩn bám trong đồng hồ đo nước là nguyên nhân dẫn đến việc đồng hồ chạy nhanh hơn so với lượng nước sử dụng hay nói cách khác là chạy sai so với tiêu chuẩn.

Cụ thể, một cư dân đã gọi bộ phận kỹ thuật đến kiểm tra và kết quả cho thấy, lượng nước xả ra thực tế là 16 lít nhưng hiển thị trên đồng hồ lại là 20 lít.

Ông Trần Chiến Thắng – PGĐ Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai cho biết, khi bắt đầu ký hợp đồng với tòa nhà, công ty nước đã đưa những bất hợp lý ra để khuyến cáo những điểm bất hợp lý trong hệ thống cấp nước bên trong của chung cư này nhưng từ đó đến nay chưa được thực hiện. Việc thau rửa bể chứa khi có thông báo họ mới làm.

“Ngay khi tòa nhà đưa vào sử dụng, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai đã phối hơp cùng chủ đầu tư kiểm tra toàn bộ hệ thống cấp nước trong tòa nhà và nhận thấy sự bất hợp lý của hệ thống đường ống cấp nước lên bể mái và đường ống cấp nước xuống các căn hộ”, ông Thắng nói.

Nhiều khách hàng lo lắng khi “xuống tiền” tại Hateco Laroma

Trước hàng loạt lùm xùm liên quan đến mất nước tại chung cư Hateco Xuân Phương, nước bẩn, thiếu hụt diện tích tại Hateco Hoàng Mai, nhiều khách hàng đang tỏ ra băn khoăn khi tìm hiểu dự án Hateco Laroma.

Chị Lê Thơm (quê Tuyên Quang, đang làm việc tại Hà Nội) cho hay, gia đình chị đang tìm hiểu căn 2 phòng ngủ hơn 80 m2 tại chung cư Hateco Laroma (quận Đống Đa, Hà Nội).

Sau những lùm xùm của chủ đầu tư, khách hàng đang đắn đo khi xuống tiền mua nhà tại Hateco Laroma. Ảnh: Internet.

“Dự án này nằm ở vị trí khá tiện với công việc của vợ chồng tôi. Tuy nhiên, đọc báo thấy chủ đầu tư của chung cư này dính khá nhiều lùm xùm tôi cũng đang băn khoăn. Tôi có một người bạn đang sống ở Hateco Xuân Phương, chứng kiến cảnh họ khốn khổ vì mất nước tôi thấy nản quá. Nhỡ sau này Hateco Laroma cũng mất nước thì sẽ làm đảo lộn cuộc sống. Bởi các công ty nước đều khẳng định việc mất nước, nước bẩn là do đường ống của chủ đầu tư có vấn đề”, chị Thơm nói.

Cùng quan điểm, chị Thùy An (quê Nghệ An, đang làm việc tại Hà Nội) nói rằng sẽ gác lại việc mua nhà tại Hateco Laroma để tìm hiểu thêm các dự án khác. Chị An lo lắng: “Chung cư này khá đắt, lên đến gần 60 triệu đồng/m2. Mua rồi ổn định thì không sao lỡ xảy ra sự cố như hụt diện tích, mất nước thì đúng là tiền mất tật mang. Tôi sẽ xem thêm một vài dự án khác rồi quyết định”.

Trước đó, theo báo Tuổi trẻ Thủ đô, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách 22 dự án nhà ở thương mại đảm bảo về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trên địa bàn TP Hà Nội. Theo danh sách Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố về các dự án cho người nước ngoài mua và sở hữu, không có dự án Hateco Laroma.

Cũng theo báo Tuổi trẻ Thủ đô, khi PV vào vai người mua chung cư cho người nước ngoài và được một người tên H tự xưng là nhân viên Công ty Cp bất động sản New Start Land, đơn vị phân phối dự án Hateco Laroma cho hay: "Dự án này có cho khách nước ngoài mua và giao dịch, các đối tượng này vẫn ký hợp đồng nhưng không được ký lâu dài như người Việt Nam.

Trên trang web của dự án Hateco Laroma cũng quảng cáo giới thiệu rằng "dự án chung cư cao cấp đáp ứng cả yêu cầu về giá cả và chất lượng dịch vụ tiện ích của người dân và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam".

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Tập đoàn Hateco (Hateco Group) tiền thân là công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội được thành lập 2004 bởi những cổ đông có nhiều kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực đầu tư tài chính, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và dự án bất động sản. Ông Trần Văn Kỳ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Hateco Group.

Tập đoàn này là chủ đầu tư của các dự án Khu đô thị Trần Lãm (Thái Bình), Hateco Xuân Phương, Hateco Hoàng Mai, Hateco Laroma, Hateco Green Park, Hateco Green City.

Bạn đang đọc bài viết Ông chủ của ‘thiên đường mất nước’ Hateco Xuân Phương có dự án nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?