Thứ ba, 23/04/2024 14:04 (GMT+7)

Những công trình BĐS vi phạm hàng thập kỷ ở Thủ đô (Bài 1)

Cẩm Anh - Thu Phương -  Thứ bảy, 04/05/2019 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hoàn thiện xong từ năm 2010, đến nay sai phạm tại khu công nghiệp Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) do hợp tác xã Thanh Tùng làm chủ đầu tư vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Vướng “ủy quyền”, dự án mãi chưa hoàn tất pháp lý

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã công khai danh sách 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015 - 2016 trở về trước nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, có công trình tồn tại sai phạm gần thập kỷ. Đơn cử như khu công nghiệp Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) do Hợp tác xã Thanh Tùng làm chủ đầu tư, vi phạm xây vượt tầng so với giấy phép xây dựng.

Theo quy hoạch, dự án gồm 2 tòa nhà 4 tầng nhưng quá trình xây dựng đã tăng lên 7 tầng và 1 tum, tuy nhiên, sở quy hoạch đã điều chỉnh được xây đến 15 tầng, dự án hoàn thiện xong từ năm 2010, đến năm 2015, theo chỉ đạo từ thành phố, thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai mới lập hồ sơ vi phạm. Tuy nhiên, đến nay đã hết thời điểm xử phạt hành chính.

Thông tin từ phòng quản lý trật tự đô thị quận Hoàng Mai cho biết, trước đó dự án trên diễn ra tranh chấp mốc giới với Công ty TNHH Tiến Phú, sau khi chấm dứt khiếu kiện lại phát sinh câu chuyện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hợp tác xã Thanh Tùng tăng lên 21,7m2.

Dự án khu công nghiệp Hoàng Mai. 

Người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư là ông Lê Hữu Dũng, tuy nhiên, hiện đang bị tai biến nằm 1 chỗ, vợ ông Dũng chỉ được ủy quyền cho giải quyết công việc thời điểm có tranh chấp, các việc khác không được ủy quyền nên quận gặp khó trong công tác xử lý, đây là nguyên nhân chính khiến sai phạm kéo dài nhiều năm.

UBND phường Hoàng Văn Thụ đã nhiều lần gửi giấy mời nhưng không có người đến họp, thậm chí đến công ty cũng không gặp được người đại diện doanh nghiệp này.

UBND phường cũng đã hướng dẫn đơn vị liên hệ với sở Tài nguyên và Môi trường để sở này tham mưu với thành phố cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho phù hợp với thực tế.

Trước đó, năm 2009, thanh tra Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Hợp tác xã công nghiệp Thanh Tùng.

Năm 2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Kết luận số 45, kết luận nội dung tố cáo đối với hợp tác xã công nghiệp Thanh Tùng liên quan đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND quận Hoàng Mai, ban quản lý khu công nghiệp quận Hoàng Mai xử lý nghiêm vi phạm về trật tự xây dựng của hợp tác xã công nghiệp Thanh Tùng tại khu công nghiệp Hoàng Mai, quận Hoàng Mai theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt trước dự án. 

Trong thời gian tới, quận Hoàng Mai cho biết, nếu doanh nghiệp không hoàn tất các thủ tục, không hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước thì quận sẽ chỉ đạo UBND phường thực hiện nốt các phương án cuối cùng.

Tiến độ xử lý chậm chạp

Bên cạnh trường hợp của quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng cũng có nhiều dự án xây dựng không phép, sai phép, vướng khiếu kiện, vi phạm từ trước năm 2015 đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm... 

Theo ý kiến của Chánh văn phòng UBND quận - ông Lê Hoàng Đức, trong danh sách công bố của Sở Xây dựng, quận Hai Bà Trưng có tất cả 07 công trình, bao gồm cả công trình nhà ở riêng lẻ. 

Đối với sai phạm xây dựng không phép ở công trình xây dựng tại khu vực Cảng Hà Nội do Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng làm chủ đầu tư, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành các thông báo, quyết định yêu cầu tháo dỡ vi phạm. Tuy nhiên, vì chủ đầu tư là 2 công ty liên doanh đang có tranh chấp liên quan đến tài sản được tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý, do đó, sau khi có quyết định của tòa án thì mới có thể tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. 

Tại dự án khu nhà ở để bán tại 129D Trương Định, do xây dựng sai phép, UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu đình chỉ toàn bộ dự án. Chủ đầu tư - Công ty Đồng Tháp có nợ tiền sử dụng đất của nhà nước, nên chưa làm xong các thủ tục. Mới đây, chủ đầu tư đã hoàn tất khoản tiền trên và đang nộp hồ sơ xin phép điều chỉnh...

Thông tin từ Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hà Nội, đến nay các đơn vị mới giải quyết được 3 trường hợp vi phạm còn 40 trường hợp nữa, nhưng muốn giải quyết nhưng "rất khó khăn". Nguyên nhân là do công trình đã xây dựng xong người dân đã vào ở, sinh sống từ lâu...

Sở Xây dựng làm “đúng” nhưng chưa “đủ”

Đó là nhận định của GS. TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử: “Hoan nghênh Sở Xây dựng đưa ra danh sách 43 công trình vi phạm trật tự trên địa bàn thành phố, nhưng tôi cho rằng vẫn còn thiếu. Chúng ta cần đưa ra một bộ chỉ số đánh giá, nói vi phạm nhưng nó là chỉ số nào, vi phạm kiểu gì và kết lại, vi phạm này đen lại lợi ích bất chính cho chủ đầu tư là bao nhiêu?

Tôi cho rằng, đó là điều quan trọng nhất chúng ta phải làm, tất nhiên bước 1 đưa ra danh sách cũng đã tốt rồi nhưng chưa đem lại hiệu quả vì chưa vạch ra những nội dung cụ thể, nội dung đó phải thể hiện qua các chỉ số mang tính định lượng”.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Ghi nhận động thái tích cực từ sở xây dựng, tuy nhiên, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội lại cho rằng, các cơ quan chức năng đáng lẽ phải mạnh tay xử lý, phải vào cuộc xử lý dứt điểm từ lâu, hiện nay động thái này dù là tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn cứ là muộn.

Theo tôi, tình trạng trên liên quan đến vấn đề thượng tôn pháp luật, tại sao câu chuyện trật tự xây dựng vẫn cứ diễn ra ở nhiều nơi dù pháp luật đã có quy định về mức xử phạt? là vì tinh thần thượng tôn pháp lật của ta còn lỏng lẻo, cả người thi hành công vụ thực hiện mảng này làm việc chưa thực sự công tâm, chưa đúng theo quy định của nhà nước”, TS. Đặng Đình Đào chia sẻ thêm.

Bài 2: Vi phạm TTXD - Mọi lỗi sai sao đổ tại dân?

Bạn đang đọc bài viết Những công trình BĐS vi phạm hàng thập kỷ ở Thủ đô (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển
Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới