Thứ năm, 18/04/2024 23:46 (GMT+7)

Nhập nhằng quản lý cây xanh trong trường học

MTĐT -  Chủ nhật, 31/05/2020 17:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc cây phượng ngã đổ trong sân trường khiến 18 em học sinh thương vong taị TP.HCM đã để lộ nhiều rắc rối trong việc quản lý cây xanh trường học.

Cây phượng trong sân trường bất ngờ bật gốc. Ảnh: Internet.

Các thầy cô cho rằng không đủ chuyên môn để có thể biết được các cây trong trường có an toàn hay không.

Trong khi đó, Sở Xây dựng cho rằng, khuôn viên nhà trường thì trách nhiệm thuộc nhà trường. Thậm chí, có trường hợp khiến bài toán quản lý cây xanh càng nan giải hơn khi gốc cây ở ngoài trường, còn tán cây thì ở trong trường.

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) hiện có 11 cây cổ thụ, hàng năm được kiểm tra, mé nhánh hai lần. Một đợt cuối tháng 3 trước mùa mưa, một đợt cuối tháng 8 trước ngày tựu trường.

Chia sẻ với Vnexpress, hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết, nhân viên trường thường xuyên kiểm tra cây nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường ở thân, cành, đề xuất biện pháp xử lý. Việc quản lý cây xanh được các trường thực hiện theo cách riêng chứ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Đây cũng chỉ là phần nhỏ trong những tiêu chí đánh giá an toàn trường học, bên cạnh an toàn cơ sở vật chất, điện, phòng cháy chữa cháy mà Sở Giáo dục và Đào tạo nhắc các trường theo định kỳ.

Trách nhiệm quản lý cây xanh thuộc về nhà trường, nhưng quyết định đốn bỏ phải thông qua các đơn vị chuyên trách khác. "Quy định này gây ra cách hiểu chung chung", ông Phú nói và cho rằng cần có quy định trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan.

Không có chuyên môn về cây xanh nhưng phải quản lý hơn 10 cây lớn, để đúng quy trình, trường này cũng phải thuê công ty cây xanh đến thẩm định. Thế nhưng, với cây phượng đã rỗng ruột, muốn đốn hạ, trường lại phải xin phép Sở Xây dựng. Khi nào Sở đồng ý, trường lại một lần nữa thuê công ty cây xanh đốn hạ. Mỗi giai đoạn lại là mỗi lần chờ thế nên mùa mưa đã tới, cây phượng vẫn còn đứng trơ trơ.

Tại buổi họp báo ngày 26/5, khi được hỏi về trách nhiệm quản lý cây xanh, các bên vẫn chưa thống nhất. Ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) nói, cây nằm trong khuôn viên trường do nhà trường quản lý, không thuộc Sở Xây dựng. Cơ quan này cùng UBND quận huyện chỉ quản lý cây trên đường phố.

Còn nhiều vấn đề trong quản lý cây xanh trong trường học. 

Trong khi đó, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lại cho rằng: "Cây nào an toàn, cây nào rễ chùm rễ cọc, cơ quan chuyên môn mới biết được. Quản lý vấn đề này thuộc Sở Xây dựng".

Với góc nhìn chuyên gia, TS Đinh Quang Diệp (nguyên giảng viên bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Đại học Nông Lâm TP HCM) cho rằng, Sở Xây dựng và các ban ngành nên có quy định thống nhất, chi tiết việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở như: kiểm tra định kỳ; cắt tỉa cây, chăm sóc cây; giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân...

"Trường có trách nhiệm chăm sóc cây, quan sát các hiện tượng bất thường và báo về đơn vị chuyên môn. Đơn vị quản lý cây xanh phải giám định cây theo định kỳ, nếu giám định sai phải chịu trách nhiệm", TS Diệp nêu ví dụ.

Việc đốn hạ cây phải có công ty chuyên môn phụ trách, không thể vì sự cố ở trường Bạch Đằng mà "đổ thừa" cho cây phượng và chặt đốn loại cây này một cách tự phát. Phượng là cây rễ ngắn, dễ trồng, khi trồng cần chọn cây giống tốt, không xây bồn chật. "Cây trồng trong trường nên có rễ khỏe, tán rộng, không có trái, gai độc ảnh hưởng học sinh", ông nói.

Liên quan đến việc cây phượng bật gốc ở trường THCS Bạch Đằng, trong văn bản gửi tới báo chí, ông Lê Công Phương - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh TP. Hồ Chí Minh cho biết công ty có thực hiện hợp đồng dịch vụ với một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với riêng Trường THCS Bạch Đằng, công ty không có hợp đồng chăm sóc cây xanh tại cơ sở này.

Nói về quản lý cây xanh trên địa bàn TP, đơn vị này cho biết, cây xanh trong khuôn viên nhà trường, bệnh viện, văn phòng cơ quan… thuộc quyền quản lý của đơn vị và đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Dù vậy, công ty cây xanh cũng thừa nhận, việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh là rất khó. Bởi cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân như quá trình đô thị hóa ảnh hưởng, thời tiết biến đổi khí hậu, ngập úng do triều cường, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh…

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhập nhằng quản lý cây xanh trong trường học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.