Thứ bảy, 20/04/2024 20:20 (GMT+7)

Người dân 'mù thông tin' về dự án nhà ở Sóc Sơn của Vietracimex?

Phương Bùi -  Thứ bảy, 21/09/2019 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Tôi chưa biết tới dự án này, nếu có nghe thì là dự án quy hoạch tại thị trấn. Tôi làm việc ở đây nhưng cũng không thấy có thông báo", một người dân cho biết.

Trước đó Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có loạt bài phản ánh về chủ đầu tư Vietracimex với hàng loạt “lùm xùm” nhưng không hiểu vì lý do đặc biệt nào đó mà được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu nhà tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/500.

Theo đó, trong quy hoạch chi tiết khu đất nghiên cứu lập quy hoạch nằm ở phía Đông đường Quốc lộ 3 hướng đi tỉnh Thái Nguyên, thuộc địa giới hành chính xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; phía Bắc giáp với chỉ giới tuyến đường quy hoạch (mặt cắt ngang 13m); phía Nam trùng với chỉ giới tuyến đường quy hoạch (mặt cắt ngang 13m), giáp khu dân cư hiện có và chợ Nỉ; phía Đông trùng với chỉ giới tuyến đường quy hoạch (mặt cắt ngang 24m) và giáp ga Trung Giã; phía Tây giáp với Quốc lộ 3 (phố Nỉ).

Tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 99.135m2, quy mô dân số dự kiến khoảng 866 người. Thời gian lập quy hoạch không quá 6 tháng kể từ khi nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được duyệt. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định và trình duyệt, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch.

Dự án khu nhà ở Trung Giã( Sóc Sơn) - người dân không biết tới dự án

Mục sở thị dự án của Vietracimex vừa mới được UBND Thành phố Hà Nội giao tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã ghi nhận tại khu đất  theo như quy hoạch của dự án.

Khu đất được quy hoạch để xây dựng khu nhà ở xã Trung Giã, Sóc Sơn nằm ở phía đông đường quốc lộ 3 hướng đi Thái Nguyên, giáp khu dân cư, chợ Nỉ và giáp ga Trung Giã. Diện tích quy hoạch chủ yếu là các thửa ruộng của các hộ dân sống gần đó.

Theo người dân, nếu như theo đúng quy hoạch của Thành phố Hà Nội thì dự án sẽ nằm tại khu đất này.

Chị Trịnh Tuyết M. - một người dân sống gần đó cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tên của dự án này. Nhưng trước đó từ năm 2016 cũng nghe người ta đồn thổi là sẽ có dự án xây dựng ở khu này nhưng tôi không tin. Còn nếu theo thông tin  về vị trí mà bạn đưa tôi xem thì rất có khả năng nó là vị trí của nhà tôi. Nếu như vậy thì những thửa ruộng trước mặt cũng là đất dự án, nhà tôi cũng nằm trong diện quy hoạch”.

 Dự án khu nhà ở xã Trung Giã, Sóc Sơn theo quy hoạch sẽ lấy vào một số hộ dân xung quanh.

Đã có rất nhiều người dân sống gần khu vực này không biết tới dự án này và họ cũng tỏ ra bất ngờ khi PV nói tới tên dự án. Anh Trần Văn Q. – nhân viên tại ga Trung Giã cho biết: “Tôi chưa biết tới dự án này, nếu có nghe thì là dự án quy hoạch tại thị trấn. Tôi làm việc ở đây nhưng cũng không thấy có thông báo. Nếu vị trí trong quy hoạch thì nó nằm phía trước mặt của ga Trung Giã, chỗ các thửa ruộng”.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đinh Văn Thọ- Chủ tịch UBND xã Trung Giã, ông Thọ tỏ ra lo ngại khi nói tới dự án này: “Dự án này có quyết định phê duyệt chi tiết của Thành phố Hà Nội rồi. Vị trí của dự án nằm ở đường quốc lộ 3 đi vào khoảng hơn 100m. Tới ngày 21/10, khi hoàn thành thủ tục thì tới năm 2020 mới làm nhưng cũng không biết có làm hay không nữa?”.  

Vậy việc dự án xây dựng khu nhà ở tại xã Trung Giã (Sóc Sơn) đã có quyết định phê duyệt nhưng người dân tại khu dự án không hề biết tới dự án. Chính quyền xã cũng tỏ ra lo ngại vì không biết dự án có thực hiện hay không.

Chậm ở dự án cũ không nên giao dự án mới?

Để có thể hiểu rõ hơn về việc chủ đầu tư khi thực hiện một dự án lớn thì yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư cần những yếu tố gì, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thành- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ông Thành cho biết: “Về mặt pháp lý, khi triển khai dự án bất động sản, chủ đầu tư phải cần có đủ nguồn vốn pháp lý theo quy định, tức vốn để thực hiện dự án thì tối thiểu phải đảm bảo được là 20% tổng mức đầu tư (năng lực tài chính theo luật định). Quy mô càng lớn thì tổng mức đầu tư sẽ lớn thì vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư này phải đảm bảo được tối thiều là 20%.

Về năng lực chuyên môn, kỹ thuật, để đầu tư một dự án quy mô lớn, thì cần phải có phương án quản trị các hoạt động của dự án, có đủ dự án, có đủ nguồn lực để quản lý hoạt động đầu tư, vì quản lý hoạt động đầu tư có nhiều lĩnh vực, trong đó có kỹ thuật, tài chính, pháp lý, kết nối các nhà tư vấn, kết nối với các đơn vị pháp lý thì cần phải có được năng lực để quản lý đầu tư những dự án quy mô lớn.

Bộ phận kinh doanh của các nhà đầu tư có dự án lớn là phải nắm bắt được thị trường, đánh giá được đúng thị trường, để vận hành dự án của mình theo các dòng chảy của thị trường để đón bắt được thị trường thì mới tạo ra được hiệu quả của đầu tư”.

 Phía Đông trùng với chỉ giới tuyến đường quy hoạch (mặt cắt ngang 24m) và giáp ga Trung Giã

Những lo ngại của dư luận là có cơ sở khi  hàng loạt dự án của Vietracimex gặp phải những “ lùm xùm” liên quan tới việc bỏ hoang đất vàng cả thập kỷ, với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng gây thất thoát và lãng phí cho nhà nước điển hình là là dự án Kim Chung- Di Trạch. Vậy việc chủ đầu tư Vietracimex có  nhiều dự án bị bỏ hoang cả thập kỷ  thì Hà Nội có nên tiếp tục giao cho họ các dự án mới không?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội khẳng định: “Điều đầu tiên cần đề cập tới uy tín của các chủ đầu tư, vì đó là điều rất quan trọng khi các cấp chính quyền cần phải xem xét khi giao dự án mới cho chủ đầu tư đó. Bởi vì nếu như không có tín nhiệm, bê bối trên thị trường thì khi giao dự án mới sẽ gặp nhiều rủi ro. Các cấp chính quyền của địa phương có vai trò rất quan trọng cần nhìn nhận đánh giá. Tất nhiên là các doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh nhưng năng lực hạn chế thì cần phải xem xét. Nếu như không đủ điều kiện, không có trách nhiệm đối với dự án cũ để bê bối nhiều như vậy thì không thể giao cho dự án mới”.

Vietracimex là nhà đầu tư có máu mặt trong lĩnh vực BĐS sở hữu một loạt dự án đất vàng từ Bắc tới Nam. Trong suốt quá trình kinh doanh, Vietracimex đã vướng phải không ít những tai tiếng khiến dư luận bức xúc

Dự án Kim Chung- Di Trạch

Dự án có diện tích lên tới hơn 170ha nằm trên quốc lộ 32, huyện Hoài Đức (Hà Nội), được khởi công vào cuối năm 2008 với mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng .

Đã hơn 10 năm nhưng hiện dự án mới chỉ hoàn thành có 7 - 8 dãy nhà liền kề, biệt thự được xây thô, còn đa số diện tích đất vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chôn theo hàng nghìn tỷ của giới đầu cơ.

BOT Thăng Long - Nội Bài

Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Đáng chú ý, điểm đặt trạm không nằm tại đường tránh thành phố Vĩnh Yên, mà đặt trên đường độc đạo Bắc Thăng Long – Nội Bài (mãi đến năm 2015 Hà Nội mới hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Nhật Tân).

Dự án BOT xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc do Công ty CP ВОТ Vietracimex 8 làm nhà đầu tư. Dự án đã được quyết toán với chi phí đầu tư 502 tỷ đồng và lãi vay trong thời gian xây dựng hơn 111 tỷ đồng

UBND TP Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài do người dân bức xúc việc trạm đặt ở Hà Nội mà thu cho đường ở Vĩnh Phúc.

Nhà máy thủy điện Tà Thàng ( Lào Cai) - Vietracimex xây dựng không phép?

Nhà máy thủy điện Tà Thàng-Vietracimex được xây dựng khi chưa được tỉnh Lào Cai giao đất; công trình không thực hiện kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình theo quy định... Sau 10 năm, việc xử lý nhà máy vẫn bế tắc dù đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia từ năm 2013 với công suất 60MW.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 20/7/2009 cho Công ty Vietracimex Lào Cai và tăng tổng mức đầu tư lên 2.147 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, các công trình, vật chất kiến trúc đã xây dựng không có giấy phép xây dựng, không có hồ sơ xin phép xây dựng, do đó vi phạm khoản 2, điều 10 Luật Xây dựng năm 2003 được sửa đổi 2009 thuộc hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng...

Việc thu hồi đất, GPMB cho dự án không bảo đảm quy định, không đầy đủ trình tự, thủ tục, có nhiều thiếu sót. Đến thời điểm thanh tra, dự án không có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thuê đất, không có hợp đồng thuê đất, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã và đang sử dụng đất để xây dựng dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh điện 10 năm nay. Do không làm thủ tục thuê đất nên gây thất thoát tiền thuê đất suốt 10 năm qua.

Chờ 12 năm, thủy điện Đa Dâng xin “cửa sau” để hoạt động?

Năm 2003, dự án thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo (Lâm Đồng) được khởi công. Năm 2006, dự án về tay Cty CP Đầu tư & Xây dựng điện Long Hội (thuộc Tổng công ty CP thương mại xây dựng Vietracimex). Sau 12 năm, nhà máy đã có khả năng được vận hành “tạm thời”

Dự án thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và xã Phi Tô, huyện Lâm Hà trước đây do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư, có tổng công suất lắp máy 23MW. Trong đó Nhà máy thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương 14MW, Nhà máy thủy điện Đa Chomo, huyện Lâm Hà 9MW. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 650 tỷ đồng.

Dự án đã khởi công vào tháng 12/2003, nhưng sau khi khởi công, chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện do không giải quyết được vấn đề tài chính.

Tháng 12/2014 công trình dự án xảy ra sự cố sập hầm thủy điện. Bộ ngành, chính quyền sở tại vào cuộc bóc tách nguyên nhân, trách nhiệm. Cũng từ đó hé mở cách thức đầu tư, triển khai dự án của các bên liên quan xoay quanh dự án thủy điện thuộc “hạng xoàng” này (công suất chỉ 23MW)

Bạn đang đọc bài viết Người dân 'mù thông tin' về dự án nhà ở Sóc Sơn của Vietracimex?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất