Thứ sáu, 29/03/2024 00:33 (GMT+7)

'Không để lợi ích nhóm chi phối trong việc đổi đất lấy hạ tầng'

Tùng Dương -  Chủ nhật, 24/06/2018 10:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ĐBQH cho rằng, việc đổi đất lấy hạ tầng đã được nhiều địa phương thực hiện. Tuy nhiên, cần phải công khai, minh bạch, tiến tới đấu thầu tất cả các dự án, tránh tiêu cực.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước câu chuyện các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) đều không được đấu thầu một cách công khai, rộng rãi. Đa số các dự án lớn do các doanh nghiệp đề xuất, sau đó được TP.Hà Nội chỉ định thầu để triển khai.

Cụ thể, trước đó hàng loạt dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) của TP Hà Nội đã bị chỉ ra sai phạm, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên mới đây, các doanh nghiệp bỏ tiền làm đường và được Hà Nội thanh toán bằng các ô đất ở vị trí thuận lợi để triển khai các dự án nhà ở, văn phòng.

Thứ nhất là dự án xây dựng tuyến đường dài 2,85 km, mặt cắt 30 m từ Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 với kinh phí dự kiến 1.404 tỉ đồng.

ĐBQH Dương Minh Tuấn: Cần công khai hơn trong các dự án BT

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ĐBQH Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đồng tình với việc phải kiên quyết rõ ràng hơn trong vấn đề thực hiện các dự án BT. Tuy nhiên, cần phải công khai hơn trong các dự án BT, thực hiện công khai đấu thầu, tiến tới không còn các dự án chỉ định thầu. Việc công khai này đã được quy định chi tiết, rõ ràng tại Luật Đấu thầu.

“Đối với các dự án giao thông BT phải có hành lang pháp lý cụ thể hơn, tất cả các dự án BT đều phải đấu thầu. Hiện nay, trong luật vẫn còn nhiều kẽ hở về vấn đề chỉ định thầu nên phải hoàn thiện pháp luật về BT, có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ.

Theo tôi, không chỉ là nghị định hướng dẫn mà Chính phủ cần sớm rà soát, quy định thành luật về đấu thầu dự án BT chứ không chỉ dừng ở các nghị định.

Đề cập đến những rủi ro khi nhập nhèm đổi đất lấy hạ tầng, ĐBQH Dương Minh Tuấn cho rằng, nhiều địa phương đã làm tốt, mạnh dạn mới có hạ tầng tốt.

Nhưng vấn đề quan trọng là phải làm công khai minh bạch, nếu không sẽ tạo thành kẽ hở để bị lợi dụng thành lợi ích nhóm". ĐBQH Dương Minh Tuấn nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: Nhà nước đã quy định rất rõ trong việc quy hoạch, thẩm định dự án

Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: Nhà nước đã quy định rất rõ trong việc quy hoạch, thẩm định dự án. Việc chỉ định thầu thời gian qua để lại những dư luận không tốt trong dự luận về vấn đề có tay trong, tay ngoài.

Nhiều nhà thầu sau khi được chỉ định thầu đã bán lại dự án cho nhà thầu con thực hiện, cho nên có những dự án chậm trễ, chất lượng công trình không cao, dẫn đến hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

“Những trường hợp đặc biệt, những công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cần gấp như những dự án công trình chống thiên tai, lũ lụt, nếu làm thủ tục đấu thầu se chậm trễ… thì nên chỉ định thầu. Còn những dự án khác đều phải đấu thầu công khai, đây là điều đã được quy định trong luật pháp.

Tuy nhiên phải chọn nhà thầu có uy tín, làm công trình có chất lượng. Cần sáng suốt chọn lựa được nhà thầu tốt, không có việc cấu kết với nhau, móc ngoặc nhau tranh thủ lợi nhuận. Đây là điều cấp thiết”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Về việc có nên đổi đất để phát triển hạ tầng, lấy lợi ích kinh tế, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, việc này đã làm từ lâu, nhưng cũng dễ dẫn đến tiêu cực. Thay vì đổi đất làm hạ tầng, cần quy hoạch, thực hiện dự án, bán dự án, có đấu thầu kẻ cả với các cơ sở hạ tầng. Vấn đề này tính toán khó, nếu không khách quan, trung thực vô tư thì lợi ích nhóm sẽ phát triển, vì giá trị đất và giá trị công trình là khác hẳn nhau.

“Như ở Hà Nội, phải tính giá trị đất bao nhiêu tiền, đoạn đường đó bao nhiêu tiền. Nhà nước vẫn đầu tư làm hạ tầng, đường sá, nhưng không vì lý do nào đó mà giao cho nhà đầu tư để làm hạ tầng một cách thiếu kiểm soát.

Đây là vấn đề phức tạp, cần làm rõ, nếu không sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước, gây khó cho người dân”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

“Người dân đặt vấn đề, có lẽ trong việc chỉ định thầu có uẩn khúc, việc này cần làm rõ để trả lời dư luận. Nhiều địa phương đã chỉ định thầu BT nhưng công khai, minh bạch, cho dân hiểu rõ đất đó là đất của dân, trả tiền đền bù cho dân, thỏa đáng hay không thỏa đáng, lấy đất của dân giao cho nhà đầu tư thì cần làm rõ cho cụ thể, rõ ràng, nếu có khuất tất phải kiểm tra, nếu có sai phạm phải xử lý thích đáng.

Tất nhiên không lợi thì không ai làm, doanh nghiệp họ phải có lợi nhưng lợi vừa phải, không quá cao, không đánh đổi lợi ích của người dân, Nhà nước để lấy cái lợi ấy, có kiểm toán chưa. Nếu không có kiểm tra của cơ quan độc lập là không chấp nhận được”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói thêm.

Ngày 17/6, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển”, UBND TP. Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 theo hợp đồng BT cho Liên danh công ty CP Phát triển Nhân lực LOD và công ty TNHH Phát triển Bắc Việt.

Theo đó, tuyến đường có chiều dài 2,85 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 274 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ 2018 đến 2020.

Hà Nội đề xuất, thực hiện dự án theo hình thức BT, lấy quỹ đất thanh toán cho dự án BT tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 với diện tích khoảng 39,8 ha thuộc Quy hoạch phân khu S4.

Theo đánh giá, vị trí nghiên cứu phân khu đô thị S4 thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường vành đai IV thuộc địa giới hành chính các phường Yết Kiêu, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Phúc La, Vạn Phúc… mà Thành phố Hà Nội dự định sẽ đổi đất cho nhà đầu tư là các điểm "nóng" trong phát triển đô thị và đất đang có giá trị trên thị trường bất động sản.

Những hình ảnh về LOD Buildings vẫn im lìm, không hề có dấu hiệu thi công trở lại- Một trong những tài sản của đơn vị được đổi đất làm đường mới đây ở Hà Nội.
Bạn đang đọc bài viết 'Không để lợi ích nhóm chi phối trong việc đổi đất lấy hạ tầng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.