Thứ sáu, 29/03/2024 22:32 (GMT+7)

Hà Nội: Nhiều dự án xử lý ô nhiễm nước các sông chậm tiến độ

Diệp Anh -  Thứ bảy, 20/04/2019 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn đề xử lý ô nhiễm nước các sông được TP đánh giá là hết sức cấp thiết, tuy nhiên hiện nay việc triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm nước các sông trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra chậm chạp.

Nghị quyết 11 nêu rõ tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường

Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” ban hành ngày 31-5-2017. Đây là nghị quyết chuyên đề thứ ba của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XVI sau hai nghị quyết về phát triển du lịch và công tác giải phóng mặt bằng.

Sông Tô Lịch theo nghiên cứu được xếp vào loại ô nhiễm nguồn nước trầm trọng

Nghị quyết nêu rõ các mục tiêu cụ thể đối với 4 vấn đề môi trường hiện nay của Hà Nội bao gồm: Chất thải rắn, môi trường nước, môi trường làng nghề và môi trường không khí. Nghị quyết đề ra 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp chủ yếu. Nhiều dự án, chương trình sẽ triển khai như: Dự án Trạm bơm Liên Mạc giai đoạn 1 đã được phê duyệt nhằm điều hòa mực nước giữa sông Hồng và sông Nhuệ, tạo nguồn cấp nước cho sông Tô Lịch; chương trình thu gom và xử lý nước thải của thành phố trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn 2017 - 2020; các chương trình chống ngập, khơi thông dòng chảy tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích...

Khi thực hiện Nghị quyết từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào bảo vệ tầng nước mặt; tiếp tục quản lý tốt các nguồn xả thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xả thải; quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn; giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn...Bên cạnh đó, các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, phân công rõ trách nhiệm, tránh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt chú trọng giải pháp tuyên truyền, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện triển khai các nội dung của Nghị quyết cũng như Kế hoạch số 160/KH-UBND của thành phố về triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU được đánh giá là gặp nhiều bất cập, tồn tại. Trong đó công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận huyện được đánh giá là "còn chưa chặt chẽ, một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm so với tiến độ thành phố giao".

Việc triển khai các dự án xử lý ô nhiễm các sông tiến độ thực hiện còn chậm

Nhiều năm qua việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy được đặt ra bức thiết. Người dân hàng ngày, hàng giờ mong mỏi thành phố có những bước đi phù hợp, xử lý những bức xúc về môi trường trên các sông, tuy nhiên hiện nay mọi thứ vẫn đang diễn ra chậm chạp.

Sông Tô Lịch với màu nước đen ngàu thực tại.

Như việc triển khai xử lý ô nhiễm nước đối với sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Việc này vẫn đang trong quá trình xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào nguồn nước các sông nội thành như: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Cầu Bây.

Hay như dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên dự án này mới đang triển khai thiết kế hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc 2 bên bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và 1 phần sông Nhuệ. Nếu như dự án hoàn thành sẽ khắc phục ô nhiễm nước sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Việc này từ cuối năm 2015, UBND thành phố đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với các chuyên gia Hà Lan để nghiên cứu các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch, tuy nhiên công tác này được thành phố đánh giá là "tiến độ thực hiện còn chậm".

Đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000 m3/ngày đêm. Hiện dự án đã được giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền lập đề xuất dự án theo hình thức hợp đồng BT và BOT giai đoạn 2014 - 2020.

Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (thu gom một phần quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm, có công suất 58.000 m3/ngày đêm) do Công ty TNHH phát triển THT nhưng vẫn đang lập dự án. Hay như dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực Hà Đông và Sơn Tây mới hoàn thành công tác nghiên cứu lập dự án đầu tư.

Như vậy, mục tiêu của Nghị quyết về xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đảm bảo dòng chảy vào mùa khô. Hay mục tiêu tập trung xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy... tiến độ thực hiện vẫn chưa đảm bảo so với yêu cầu đề ra.

Trước đó, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do tiến sĩ Tadashi Yamamura - chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản dẫn đầu.
Tại cuộc gặp, ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên. Chuyên gia cho biết, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm sẽ giảm nhiều.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura khẳng định đã điều tra, khảo sát trong hai năm để đưa ra đề nghị trên. Ông hi vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đề xuất của nhóm chuyên gia Nhật Bản "là ý tưởng tốt, rất thiết thực với Việt Nam"; đồng thời đánh giá cao phía Nhật Bản đã vận động kinh phí thực hiện việc này bằng nguồn vốn xã hội hoá. Thủ tướng tin tưởng, công nghệ mới sẽ thành công trong xử lý nước thải, nguồn nước ô nhiễm ở Hà Nội và các địa phương khác.

Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì của TP Hà Nội. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhiều dự án xử lý ô nhiễm nước các sông chậm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới