Thứ sáu, 29/03/2024 00:44 (GMT+7)

Xử lý “địa ngục giao thông” ở TP.HCM: Cần có giải pháp dài hạn

MTĐT -  Thứ ba, 14/01/2020 16:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM muốn "giải phóng" thành phố khỏi kẹt xe triền miên thì Cần một giải pháp quyết liệt, GS.TS Đặng Lương Mô - kiều bào Nhật Bản nhận định.

Theo Zing, ngày 13/1, Thành ủy TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến kiều bào góp phần phát triển TP.HCM, thành phố đã tiếp nhận 11 ý kiến hiến kế giúp thành phố phát triển của người Việt tại các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Canada...

Bên cạnh góp ý trong các lĩnh vực y tế, môi trường, doanh nghiệp, các kiến nghị về quy hoạch đô thị và giảm ùn tắc giao thông được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Nhà cao tầng một đường, hạ tầng giao thông một ngả

Phát biểu tại hội nghị, Việt kiều Canada, KTS Ngô Viết Nam Sơn, khẳng định tầm quan trọng của nhà cao tầng đối với quy hoạch của thành phố. Phản đối các ý kiến cho rằng cao ốc là "tội đồ" bức tử đô thị, ông Sơn khẳng định nếu nhà cao tầng được quy hoạch hợp lý sẽ có ý nghĩa lớn cho thành phố và tạo được mô hình đô thị nén, có thêm đất quy hoạch hệ sinh thái thiên nhiên với không gian xanh, mặt nước… phục vụ người dân.

“Tuy nhiên, thời gian qua nhà cao tầng thành phố phát triển tự phát, mang lợi ích cục bộ. Nếu thấy được vấn đề thì có thể tiết kiệm hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông Sơn cho hay.

KTS Sơn nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong quy hoạch nhà cao tầng đúng cách là phát triển đi đôi với giao thông công cộng và không gian xanh mặt nước, thân thiện với người đi bộ. Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải được xây dựng trước khi cấp phép xây nhà cao tầng. Thứ 3, cần chú ý bảo vệ những khu vực có giá trị lịch sử, di sản trước áp lực phá bỏ di sản để cao tầng hóa. Thứ 4, cần đánh giá tác động môi trường của các dự án cao ốc được cấp phép.

Kẹt xe và quy hoạch đô thị TP.HCM còn nhiều bất cập, là các chủ đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào.

“Hiện TP.HCM có tình trạng giao thông công cộng đi một đường, nhà cao tầng đi một ngả khác. Ta có tuyến metro số 1 với các nhà ga Ba Son, Văn Thánh, Tân Cảng… nhưng giao thông công cộng và quy hoạch đô thị thì riêng rẽ. Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải rõ ràng không làm việc chung với nhau”, ông Sơn nhận định.

Ông Sơn cho rằng tình trạng hiện tại vẫn có thể xử lý nhưng chi phí sẽ rất cao do kinh phí đền bù giải tỏa lớn. Kiến trúc sư khuyến nghị thành phố đừng nên lo không "chiều" nhà đầu tư thì họ sẽ chạy mất. Nhà đầu tư nào cũng làm việc vì lợi ích nên chỉ cần tạo ra một đô thị đa năng thì TP.HCM sẽ luôn có sức hút đầu tư lớn.

Cần có giải pháp dài hạn

Cũng trình bày ý kiến về vấn đề này, GS.TS.Đặng Lương Mô (cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM, kiều bào Nhật Bản) cho rằng: “Tuy đô thị thông minh công nghệ số được lồng vào mọi chức năng hoạt động nhưng cốt lõi vẫn là phát triển cơ sở hạ tầng chính yếu: năng lượng, nước, giao thông. Đây là ba “rường cột cổ điển" của đô thị".

Theo GS.Mô, 12 năm trước, ông có nhận xét về tình trạng giao thông của TPHCM với hàng triệu xe gắn máy chạy vô trật tự, xe lam quá niên hạn, xe ba bánh chở cồng kềnh. 12 năm sau, giao thông còn tệ hơn với xe gắn máy tăng gấp đôi gấp ba lần, xe ba bánh, xe tự chế dù đã có lệnh cấm từ hơn 10 năm nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông, ô tô nhiều gấp hàng chục lần, nhưng đường xá chỉ thêm được vài tuyến. Ở quận nội ô thì cơ bản đường xá không tăng thêm, không nới rộng được bao nhiêu, cả thành phố đều thiếu bãi đậu xe ôtô…

Ông Mô hiến kế, bên cạnh mở thêm đường, cấm xe máy vào nội đô và không phát triển ô tô cá nhân, cần áp dụng triệt để Luật Giao thông đường bộ năm 2019, đồng thời quy định thêm, bắt buộc mọi chủ sở hữu xe ô tô phải có bãi đậu xe.

Ở Nhật Bản, khoảng 40 năm nay, người ta đã bắt buộc tất cả những ai có dự định mua xe ô tô phải xuất trình giấy chứng nhận có bãi đậu xe có chứng nhận của cơ quan chức năng và được kiếm tra hiện trường. Các công ty bán lẻ xe sẽ không bán cho những người không có giấy chứng nhận này”, ông Mô nói.

Góp ý về xây dựng đô thị thông minh, GS.TS Trần Hải Linh (Việt kiều Hàn Quốc) cho biết tại Hàn Quốc, chính quyền ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành đô thị thông minh với 8 yếu tố gồm: nhà xưởng, giao thông, lưới điện, phương tiện, môi trường, y tế,… Trong đó, quan trọng nhất là quản trị thông minh giúp chính quyền đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập và nhu cầu cấp thiết của người dân.

GS Trần Hải Linh kiến nghị TP.HCM cần có lộ trình cho một chiến lược dài hạn và toàn diện với hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ vào quản lý đô thị. “Chúng tôi mong muốn tập hợp các doanh nghiệp, doanh nhân Hàn Quốc để đóng góp cho TP xây dựng đô thị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua các mối quan hệ với các tập đoàn tài chính ở Hàn Quốc”, GS Linh đề nghị.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến kiều bào mong muốn trở thành cầu nối giữa thành phố với doanh nghiệp nước sở tại, đào tạo nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực như tài chính, thương mại, công nghiệp, y tế, giáo dục,…

Về các ý kiến liên quan đến quy hoạch đô thị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu sở ngành liên quan nên nghiên cứu có quy chế quản lý nhà cao tầng tại TPHCM bảo đảm đồng bộ với quy mô xây dựng, quy hoạch giao thông…

Về vấn đề kẹt xe, Sở GTVT TP.HCM đã trung tâm chỉ huy phân tích dòng xe để điều chỉnh đèn tín hiệu cho phù hợp, giảm kẹt xe vào giờ cao điểm. Liên quan đến cơ chế tài chính đầu tư đô thị thông minh, ông Nhân đề nghị GS Linh chia sẻ thêm về hình thức đối tác công tư bởi theo ông, nếu chỉ nhà nước làm thì không xuể, còn để một mình tư nhân làm thì rủi ro nên 2 bên cần phải phối hợp để làm.

P.G (TH)

Bạn đang đọc bài viết Xử lý “địa ngục giao thông” ở TP.HCM: Cần có giải pháp dài hạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.