Thứ ba, 23/04/2024 20:43 (GMT+7)

Vượt đèn vàng có thể bị phạt 3-5 triệu: Là chưa hợp lý

MTĐT -  Thứ năm, 16/01/2020 14:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Xét về tính chất thì hành vi vượt đèn vàng khác với hành vi vượt đèn đỏ nên không thể đánh đồng hai hành vi này như nhau mà đưa ra mức xử phạt giống nhau", Ls Nguyễn Văn Thành-Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Khi Nghị định 46/2016 vừa có hiệu lực, dân mạng đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về lỗi vượt đèn vàng. Theo đó, phần đông ý kiến cho rằng CSGT đang làm quá gắt vì dù sao đèn cũng chưa chuyển qua tín hiệu đỏ.

Thực tế, trong những lần xử lý vi phạm, CSGT đã phải mang theo máy ghi hình để chứng minh lỗi vi phạm bằng hình ảnh, chứng cứ rõ ràng cho người vi phạm khỏi cãi.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, một trưởng tổ xử lý của đội CSGT ở khu vực trung tâm TP.HCM cho biết, đa số người dân khi bị CSGT thổi phạt vì vượt đèn đỏ thì biện đủ lý do: nào là xe đông, tới vạch không kịp bóp thắng hay vội quá không nhìn đèn.

"Nhưng tại các giao lộ đông xe, khi rõ ràng đèn đã qua màu đỏ được 3-5 giây người dân vẫn cố chấp nối đuôi các xe phía trước để tranh thủ vượt qua. Chính hành vi này làm ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm", vị CSGT này bày tỏ.

Vượt đèn vàng có thể bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Cũng theo vị này, ít khi CSGT xử phạt lỗi vượt đèn vàng, trừ khi có hình ảnh vi phạm đầy đủ. Tuy nhiên, các lý do người chạy xe đưa ra là không dừng kịp là không chấp nhận được vì theo quy định, khi tới gần giao lộ, buộc người chạy xe phải đi chậm lại để quan sát.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2010, thay thể Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Hàng loạt mức phạt mới, phổ biến nhất đối với ô tô, xe máy tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng nhiều so với mức phạt ở Nghị định cũ. Đặc biệt, với người điều khiển ô tô, hành vi vượt đèn vàng, đèn đỏ thì mức phạt ở Nghị định 100 là từ 3 đến 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Lỗi này ở Nghị định 46 mức phạt là 1,2 đến 2 triệu đồng.

Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT với lái xe ô tô, cũng chịu mức phạt tương tự lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng, theo quy định của Nghị định 100.

Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, Điểm e, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 100 quy định: Lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1 đến 3 tháng. Hành vi này ở Nghị định 46/2016 quy định mức phạt tiền là 300.000 - 400.000 đồng.

Trao đổi với Đất Việt, nhiều luật sư cho rằng quy định này chưa đảm bảo tính hợp lý và phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008.

Luật sư Nguyễn Văn Thành - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, tín hiệu giao thông được nên rõ: Màu xanh là được đi; màu đỏ là cấm đi. Còn màu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Với quy định của Luật thì việc vượt đèn vàng có thể được coi là hành vi vi phạm hành chính khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, người đi đường có quyền lựa chọn được đi hay không đi khi có tín hiệu đèn vàng, tùy trong từng trường hợp cụ thể.

"Như vậy, có những trường hợp vượt đèn vàng là hợp lý, có thể vi phạm tín hiệu giao thông hoặc không. Nên đây có thể là hành vi vô ý.

Xét về tính chất thì hành vi vượt đèn vàng khác với hành vi vượt đèn đỏ nên không thể đánh đồng hai hành vi này như nhau mà đưa ra mức xử phạt giống nhau. Nếu áp dụng điều này thì chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều trường hợp gây tranh cãi vì không phù hợp Luạt Giao thông đường bộ 2008" - ông Thành nhận định.

Trước đó, vào năm 2018, Bộ GTVT cũng đã từng họp bàn, đề xuất bỏ quy định xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng.

Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc bỏ quy định xử phạt hành vi vượt đèn vàng là cần thiết.

Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ quy định xử phạt hành vi vượt đèn vàng sẽ khiến các điểm giao thông trở nền ùn tắc. Tuy nhiên, ông Tạo phân tích, một là Luật Giao thông đường bộ 2008 không nói rằng người tham gia giao thông không được vượt đèn vàng, mà có thể hiểu là trong thời gian tồn tại đèn vàng, người tham gia giao thông được lựa chọn ứng xử hoặc đi tiếp hoặc dừng lại trước vạch dừng.

Thứ 2 là công ước Viên 1968 mà Việt Nam đã tham gia cũng nêu rõ khi có đèn vàng, người tham gia giao thông được phép đi tiếp nếu dừng lại mà nguy hiểm.

Theo ông Tạo, xung đột giao thông giữa nút giao hiện nay hoàn toàn không phải vì vượt đèn vàng.

"Bên này bật đèn vàng, lẽ ra pha đối kháng phải chờ đợi vài ba giây, chưa được bật đèn xanh vội, thì có một số nút lại bật ngay đèn xanh, mới dẫn tới chuyện giao thoa là khi anh này chạy đèn vàng thì anh kia chạy đèn xanh, hoặc là anh kia vào nút sớm khi đèn còn chưa hết pha đỏ" - ông Tạo nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vượt đèn vàng có thể bị phạt 3-5 triệu: Là chưa hợp lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Trì: Nguy cơ tai nạn giao thông do mất nắp hố ga
Tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp tại tuyến đường Đại Thanh tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân lưu thông trên đường. Điều đáng nói, một số miệng cống, hố ga này không được che đậy, cảnh báo, thậm chí, đã lâu không được thay thế, bổ sung

Tin mới