Thứ ba, 19/03/2024 11:05 (GMT+7)

Vì sao có thông tin đóng cửa hầm Hải Vân?

MTĐT -  Thứ sáu, 02/11/2018 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty Đèo Cả cho biết, đơn vị này đã bỏ ra 900 tỷ đồng xây dựng nâng cấp hầm Hải Vân 1 nhưng sau đó không được lập trạm BOT Nam Hải Vân để hoàn vốn theo cam kết trong hợp đồng ký với Bộ GTVT.

Liên quan đến việc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) vừa phát đi cảnh báo hầm Hải Vân (nối Huế - Đà Nẵng) và hầm Đèo Cả (nối Phú Yên - Khánh Hòa) có nguy cơ bị cắt điện gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, trao đổi với báo Dân Việt, ông Lưu Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Đèo Cả - cho biết, từ năm 2005 -2015, chi phí để thực hiện công tác quản lý và vận hành và tuyến đường QL1 qua đèo Hải Vân được Nhà nước chi trả.

Sau hơn 10 năm vận hành, hầm Hải Vân 1 cần phải trùng tu, nâng cấp để được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, phục vụ công tác điều tiết giao thông trong quá trình thi công mở rộng hầm Hải Vân 2.

“Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Công ty Đèo Cả triển khai thực hiện việc trùng tu, nâng cấp để được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời tiếp nhận và ứng kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 từ tháng 11/2015.  Đến nay công ty đã chi 900 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành việc trùng tu, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và được Bộ Công an thẩm tra chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, từ tháng 11/2015 đến nay, công ty cũng chi hơn 300 tỷ để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1”, ông Thủy cho hay.

Đại diện Công ty Đèo Cả cho biết, không có chuyện đóng hầm cửa hầm Hải Vân. Ảnh: Internet. 

Ông Thủy cũng cho rằng đúng theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 thì Công ty Đèo Cả được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ tháng 1/2017 để hoàn vốn cho việc trùng tu vận hành hầm Hải Vân 1. Ngoài ra, vào tháng 1/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận về nguyên tắc việc bố trí 7 trạm thu phí (bao gồm trạm Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan) để hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả...

“Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân và trạm La Sơn - Túy Loan đều không thực hiện được. Những quyết định này đã làm giảm nguồn thu rất lớn, gây phá vỡ nghiêm trọng phương án hoàn vốn dự án. Với tình trạng nguồn tiền ứng ra từ vốn chủ sở hữu hiện nay của doanh nghiệp quá lớn và kéo dài, khó khăn nhưng không được quan tâm giải quyết, Công ty  Đèo Cả sẽ đối diện với việc không thể tiếp tục chi trả các chi phí quản lý vận hành các hầm Đèo Cả, Hải Vân 1 và sẽ  dẫn đến nguy cơ phải gây gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 trong 1-2 tháng tới nếu các vướng mắc này không được Bộ GTVT và Chính phủ tháo gỡ kịp thời”, ông Thủy cho biết.

Mới đây, trao đổi với báo SGGP, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, công ty của ông đã chi trả tiền nợ sử dụng điện vận hành hầm đường bộ Hải Vân cho Điện lực Liên Chiểu (thuộc Điện lực Đà Nẵng) và khẳng định không có chuyện công ty tự ý đóng cửa hầm.

Ông Hoàng cho rằng, việc nợ tiền điện của Điện lực Liên Chiểu là nhà đầu tư phải thu xếp để chi trả. Còn đóng cửa hầm không phải làm một cách đơn giản mà phải theo quy định.

Cũng theo ông Hoàng, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là doanh nghiệp lớn, đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án hầm Đèo Cả với mức đầu tư 11.000 tỷ đồng nên việc chi vài tỷ đồng tiền điện không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, do là công ty cổ phần nên việc chi phí phải hỏi ý kiến cổ đông, hội đồng quản trị.

Về phía Điện lực quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cũng xác nhận, đã nhận được số tiền trả nợ của HAMADECO.

Ngày 26/10, đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã đã trình bày trước Quốc hội những khó khăn nêu trên của Công ty Đèo Cả.

Trả lời đại biểu, Bộ GTVT cho biết những khoản trên đều đã được tính trong phương án tài chính. Ngay sau khi thông tư sửa đổi Thông tư 35 được ban hành, trạm Bắc Hải Vân sẽ áp dụng mức phí mới, áp dụng hoàn vốn cho cả 2 dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng và hầm Đèo Cả.

Sau khi kết thúc hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng, trạm Bắc Hải Vân sẽ sử dụng để hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ đang khẩn trương phối hợp với Nhà đầu tư xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền và cùng với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Trước đó, Công ty TNHH MTV Điện Lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), đơn vị quản lý Điện lực quận Liên Chiểu, đã gửi văn bản cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về vấn đề thanh toán tiền điện của HAMADECO.

Theo PC Đà Nẵng, thời gian qua, công ty này đã cung cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục cho hoạt động vận hành của hầm đường bộ Hải Vân. Tuy nhiên, HAMADECO chưa thanh toán tiền điện 2 tháng 9 và 10 cho đơn vị này. HAMADECO chậm thanh toán tiền điện không những vi phạm hợp đồng 2 bên đã ký kết, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PC Đà Nẵng…

“Tuy nhiên, đây là phụ tải đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông của cả nước nên PC Đà Nẵng không thể thực hiện ngừng cung cấp điện đúng theo quy định của Luật Điện lực”, văn bản ghi.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao có thông tin đóng cửa hầm Hải Vân?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.